- Lương không đủ sống, người lao động bị vắt kiệt sức vì tăng ca
- Nhật Bản đánh giá cao vị thế, vai trò, sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao G20
- Thời điểm để Việt Nam gia nhập công ước số 98 của ILO đã chín muồi
Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất các loại nông sản ngon
Làm gì để nắm bắt thị trường 500 triệu dân
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết tại Chile là sự kiện được các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, với sự tham gia của 11 quốc gia cùng các cam kết sâu rộng về thúc đẩy môi trường kinh doanh rộng mở, CPTPP được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam. Tuy vậy, thách thức mà nông sản Việt phải đối mặt trong tương lai gần cũng đang dần hiện hữu. Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP, theo đó ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chúng ta sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế và 3 năm sau con số này sẽ là 86,5%. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.
Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Việc tham gia sâu vào các Hiệp định Thương mại kinh tế, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ gia tăng cơ hội tăng xuất khẩu. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt ở việc tăng sức ép đáng kể đến sức cạnh tranh với nhóm hàng nông lâm thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất và quan trọng của Việt Nam. Trong năm 2018, đạt 7,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 27,47%. Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng 21,26%/năm trong giai đoạn 2009 - 2018. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương chỉ ra 3 tồn tại trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gồm: Phương thức giao dịch, là xuất khẩu nông sản nhỏ lẻ, chủ yếu thông qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn rủi ro, thiếu tính bền vững; Chất lượng sản phẩm chủ yếu là do chất lượng sản phẩm không cao, không theo tiêu chuẩn nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp; Thiếu kết nối cung cầu bởi thiếu kết nối đến hệ thống phân phối lớn của Trung Quốc.
Rào cản cho xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc là Trung Quốc quản lý nhập khẩu bằng thuế quan và hạn ngạch. Sản phẩm chủ yếu gồm lúa mỳ, ngô, gạo (hạt ngắn/trung bình), gạo (hạt dài). Ngoài ra, Trung Quốc thực hiện việc giám sát biên giới bằng hàng rào sắt và camera quan sát dọc biên giới, tuần tra kiểm soát trong và ngoài hàng rào 24/24h, hạn chế hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, chuyển khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc và siết chặt yêu cầu: Truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu; Thông tin nhà vườn, mã vùng trồng, mã xưởng đóng gói; Siết chặt công tác phê duyệt cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc... Bởi vậy, nông sản Việt Nam muốn xuất khẩu vào thị trường này cần có thái độ cận thị trường và phương thức giao dịch. Trong đó, tiếp cận thị trường Trung Quốc như các thị trường khó tính khác (Mỹ, Nhật, Eu..) và phương pháp giao dịch thương mại chính quy.
Ở một góc độ khác, ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam có ngành nông lâm thủy sản phát triển rất mạnh, nhưng việc tìm một đối tác phù hợp xuất khẩu lại vô cùng khó khăn. “Chúng tôi đã mất từ 5-6 năm mới có thể tìm được một đối tác phù hợp. Bởi mặc dù Việt Nam có lợi thế về rất nhiều sản phẩm nhưng lại không thể đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu của chúng tôi nếu muốn hợp tác làm ăn. Đơn giản như muốn tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp, các đối tác cũng rất khó do các bạn chưa có cách làm bài bản, chuyên nghiệp” - ông Hong Sun bày tỏ. Cũng theo ông Hong Sun, Việt Nam có rất nhiều nông sản nhưng chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế, ví dụ chuối ngon hơn rất nhiều so với chuối Hàn Quốc, nhưng người tiêu dùng vẫn không tin tưởng vì không có thương hiệu.
Sức ép cạnh tranh lớn
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cơ hội mở ra cho nông sản Việt Nam là rất lớn, bởi Việt Nam đa dạng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản với chất lượng có thể cạnh tranh được tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ là tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm ít có thương hiệu, các khâu liên kết còn rời rạc nên khi đối đầu với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn từ nước ngoài tràn vào có hệ thống thì dễ bị thua.
Một ví dụ đơn giản như, khi CPTPP có hiệu lực thì những mặt hàng nông sản như hạt điều, nhãn, vải và thanh long… của Việt Nam sẽ được vào thị trường Peru với mức thuế nhập khẩu 0% thay vì 9% như hiện nay. Điều này cũng diễn ra tương tự với nhiều thị trường khác trong CPTPP. Các mặt hàng nông sản trong nước như cao su, gỗ, cà phê, ca cao, điều, tiêu, gạo, rau quả tươi cũng có nhiều cơ hội hơn trong thâm nhập thị trường nước ngoài. Song ngược lại, nhiều mặt hàng nông sản của các nước tham gia CPTPP cũng sẽ vào Việt Nam với thuế suất 0%. Trong bối cảnh người tiêu dùng Việt còn có tâm lý chuộng hàng ngoại thì rất có thể hàng Việt Nam sẽ thất thế ngay trên sân nhà.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia, bà Nguyễn Hoàng Thúy cho biết, nông sản của Việt Nam được người tiêu dùng Australia rất ưa chuộng, đặc biệt là thanh long và vải thiều. Do đó, khi tham gia CPTPP, cơ hội cho các mặt hàng này vào Australia là rất lớn vì thuế nhập khẩu được cắt giảm nhiều. Tuy nhiên, việc đàm phán ở thị trường này kéo dài khá nhiều thời gian, vì vậy cần tìm giải pháp làm thế nào để rút ngắn quá trình đàm phán. “Về phía thị trường Australia đã mở cửa cho một số loại quả nông sản của Việt Nam. Vấn đề quan tâm hiện nay là làm thế nào để xuất khẩu được tôm tươi nguyên con của Việt Nam sang thị trường này. Nếu làm được sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của chúng ta” - bà Nguyễn Hoàng Thúy nói.
Liên quan tới vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Trần Duy Khanh cho rằng, đối với các mặt hàng nông sản Việt, các sản phẩm chế biến như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng… sẽ phải chịu cạnh tranh lớn nhất. Bởi lẽ trước đây, nhiều sản phẩm gia cầm nước ngoài vào Việt Nam với giá rẻ hơn sản phẩm trong nước đã khiến ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng khó khăn. Đến nay, việc tham gia CPTPP với mức thuế giảm xuống 0% sẽ càng tạo áp lực lớn hơn cho ngành chăn nuôi trong nước vì đa số các cơ sở chăn nuôi còn nhỏ lẻ, quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được chú trọng dẫn tới kịch bản thất thế của doanh nghiệp Việt về giá cả và chất lượng.
Với người nông dân, doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng đang rất băn khoăn với thị trường CPTPP. Bà Đặng Thị Dịu, Giám đốc Công ty Nuôi trồng thủy sản Nam Phú Hải (Quảng Ninh) cho biết, doanh nghiệp hiện đang có 2ha nuôi tôm công nghiệp và các hiệp hội ở Móng Cái, Quảng Ninh có khoảng 100 ha. Nhưng rất buồn là giá tôm trên thị trường thay đổi liên tục khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Các tháng đầu năm 2019, tôm bị mất giá, giảm khoảng 1/3 giá so với giá tôm hàng năm. “Nuôi trồng thủy sản Việt Nam có lợi thế nhưng giá hiện nay rất rẻ, không xuất khẩu được. Vậy Việt Nam ký kết CPTPP thì có tăng cơ hội xuất khẩu không? Có ổn định giá cả nông sản không? Các cơ quan như Bộ NN&PTNT hay Bộ Công Thương có giải pháp gì giúp doanh nghiệp hay không?”- bà Dịu đặt câu hỏi.
Theo các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách, khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực phòng vệ trước sự thâm nhập hàng hóa, sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua đẩy mạnh liên kết sản xuất, xây dựng mạng lưới phân phối nội địa vững chắc với sự hỗ trợ của các hiệp hội ngành nghề, cũng như tận dụng môi trường kinh doanh thuận lợi từ chính sách Nhà nước. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các giải pháp trao đổi hàng hóa, phương thức thanh toán thương mại tại các khu vực CPTPP nhằm đẩy mạnh trao đổi thương mại nông sản tại khu vực này. Ngoài ra, tích cực tìm kiếm, giới thiệu các hiệp hội ngành hàng nông sản, các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín tại các nước để thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, tranh thủ vận động nguồn vốn ODA, FDI vào nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong nước quảng bá nông sản Việt Nam tại các nước…