Nông dân Hà Nội sẽ có thu nhập 50 triệu đồng/năm vào năm 2020

ANTD.VN -Trong giai đoạn 2010-2019, thành phố Hà Nội đã huy động tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới từ Trung ương là 58 tỷ đồng; nguồn từ thành phố là gần 26.000 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện là hơn 32.200 tỷ đồng; ngân sách xã là gần 3.500 tỷ đồng; nguồn vốn huy động ngoài ngân sách hơn 14.700 tỷ đồng.

Thông tin tại cuộc thông tin thường kỳ Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều nay, 17/9, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho hay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2010-2018 trên địa bàn thành phố phát triển với tốc độ bình quân 3,34%/năm.

Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 tỷ đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình về Phát triển nông thôn mới, tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010.

Hà Nội đã có 325 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đến nay, toàn thành phố đã dồn điền đổi thửa được hơn 79.000ha, vượt kế hoạch đề ra. Sau dồn điền đổi thửa, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.

Thành phố có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 35 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Thành phố có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 325 xã đạt chuẩn, chiếm đến hơn 84% số xã, vượt kế hoạch 2 năm so với mục tiêu của Chương trình. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn chỉ còn 1,81%.

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng, tăng đến 33,5 triệu đồng so với năm 2010.

Trong giai đoạn 2010-2019 thành phố đã huy động tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới từ Trung ương là 58 tỷ đồng, nguồn từ thành phố là gần 26.000 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện là hơn 32.200 tỷ đồng; ngân sách xã là gần 3.500 tỷ đồng; nguồn vốn huy động ngoài ngân sách hơn 14.700 tỷ đồng.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Chí cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như: việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiền năng, lợi thế của Thủ đô;

Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn còn ít; thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều; Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt  trung bình 50 triệu đồng/người/năm, đến năm 2025 là 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%.

Bên cạnh đó, có 85% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có từ 10 huyện, thịa xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới…

Để đạt được mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới trong những năm tới, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội kiến nghị Ban cán sự Đảng, Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MT nghiên cứu tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, tháo gỡ những bất cập trong quản lý sử dụng đất đai hiện nay, cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất.

Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan làm tốt hơn nữa công tác dự báo nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng nông sản để nông dân, doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc sản xuất…