Sụt lún nghiêm trọng ở Ba Vì:
Nơm nớp… vỡ đê
(ANTĐ) - Báo An ninh Thủ đô ra ngày 15-10 đã có bài viết phản ánh về tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại bãi sông Đà trên địa bàn thôn Vân Hội, xã Phong Vân gây ảnh hưởng tới đời sống của hàng chục hộ dân nơi đây. Ngoài ra, cũng trên địa bàn xã Phong Vân, tại thôn Tân Phong từ tháng 8-2010 tới nay, liên tiếp xuất hiện những hố sụt lớn, với đường kính từ 20cm đến 1m.
Trưởng Công an xã Phong Vân-Trương Công Định lo lắng về những hố sụt lún xuất hiện ngày một nhiều |
Sụt lún nặng nề
Kết quả khảo sát do tổ nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản do ông Nguyễn Văn Dũng chủ trì kết luận, tình trạng sụt lún bề mặt đất và sạt lở đê tại khu vực bãi sông Đà, xã Phong Vân (huyện Ba Vì) là rất nặng nề.
Theo ông Dũng, khu vực sụt lún nằm ở ngã ba sông, nơi sông Đà, sông Thao và sông Hồng hợp lưu. Trong quá trình biến đổi, giao thoa của sông Đà và sông Thao làm cho tai biến địa chất ở khu vực này vốn dĩ đã phức tạp càng trở nên bất ổn. Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, dòng chảy sông Thao rất mạnh, tại nơi tiếp giáp giữa dòng chảy sông Đà và sông Thao tạo nên thác nhỏ với độ chênh cao khoảng 50cm ép dòng chảy của sông Đà vào phía bờ đối diện. Quá trình này đã xảy ra hàng năm làm cho mức độ sạt lở ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đê. Một số vị trí dòng chảy đã cứa mạnh vào chân đê, gây ra sụt sạt theo chu kỳ. Với dòng chảy như hiện nay, xói ngầm đang tạo thành các hàm ếch lấn sâu vào thân đê và diễn biến còn phức tạp.
Căn cứ vào khảo sát địa chất, địa hình và sự tai biến địa chất, các chuyên gia nhận định: Trường hợp thứ nhất là do xói ngầm cơ học trong đất. Mực nước sông dâng lên và hạ xuống đột ngột, vì vậy, mực nước ngầm cũng nâng lên và hạ xuống theo. Tuy nhiên, biên độ dao động có sự khác nhau đã gây áp lực giữa nước ngầm ở phía bãi bồi ven đê và nước sông rất lớn tạo dòng chảy mang các hạt đất từ phía trong ra ngoài lòng sông, gây hiện tượng xói ngầm cơ học. Quá trình trên được lặp lại rất nhiều lần làm cho đất mất dần, các hạt đất và tầng đất trở nên rỗng. Theo đó, các hạt đất của các tầng đất bên trên bị xói ngầm và theo mạch nước ngầm chảy dần ra sông. Quá trình trên được tích lũy và phát triển kết hợp với ngoại cảnh (mưa lũ) gây nên tình trạng sụt lún.
Trường hợp thứ hai, có thể bị sập sụt hang Karst. Nhưng ông Dũng cho rằng, trường hợp này hiếm khi xảy ra vì địa chất khu vực này không có đá vôi hoặc nếu có đá vôi với khối lượng nhỏ cũng khó xảy ra tình trạng sụt lún.
Khẩn cấp di dân
Cũng theo đánh giá của tổ nghiên cứu, với điều kiện dòng chảy như hiện nay thì quá trình cân bằng tạm thời không thể kéo dài trong 10 năm nữa mà ngày càng ngắn hơn, mạnh hơn. Xói ngầm đã lấn sâu vào thân đê khoảng 30 - 40m (trước đây mới chỉ ở bãi) có diễn biến vô cùng phức tạp dẫn đến khả năng sụt lún, vỡ đê vào mùa mưa bão là rất cao.
Căn cứ vào những phân tích trên, ông Dũng kết luận, nguyên nhân chính gây sụt lún mặt đất và sạt lở bãi bồi ven sông là do quá trình xói ngầm và xâm thực bờ của dòng sông. Thêm vào đó, quá trình biến đổi giao thoa giữa 2 dòng chảy của sông Đà và sông Thao rất đa dạng đã làm cho mức độ tai biến địa chất của khu vực vốn đã phức tạp càng trở nên bất lợi. Đặc biệt, dòng chảy của sông Thao mạnh đã ép dòng chảy của sông Đà hẹp lại sát vào phía bờ hữu, dòng chảy hẹp, mạnh như một lưỡi cưa “cứa” vào lòng và bờ sông. Quá trình này xảy ra hàng năm và đã làm cho mức độ tai biến sạt lở và sụt lún có quy mô ngày một lớn và khốc liệt hơn với tần suất ngắn hơn.
Trước những diễn biến đang diễn ra tại đây, ông Dũng nhận định, tai biến làm mất đất và thiệt hại về tài sản đồng thời làm mất dần hành lang an toàn bảo vệ đê. Hiện tại hành lang an toàn bảo vệ đê đã bị đe dọa, một số nơi dòng chảy đã tác động tới tận chân đê. Ông Dũng cho rằng, khu vực sạt lở và sụt lún ở Phong Vân không thể để dân định cư trên diện tích bãi bồi trong đê tại các khu vực có nguy cơ sạt lở và sụt lún đất. Bởi, tai biến địa chất trên tiếp tục xảy ra trong các năm tiếp theo rất nguy hiểm và ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản nhân dân. Ông Dũng đề nghị, các cấp chính quyền cần triển khai ngay đề án nghiên cứu và khắc phục hiện tượng sạt lở và sụt lún đất để đảm bảo an toàn cho dân cư và đê bao, tránh các thiệt hại cho địa phương.
Ngân Tuyền