Nơm nớp nỗi lo

ANTD.VN - Bỏ số tiền tích cóp, rồi đôn đáo vay mượn khắp nơi, có khi phải mất hàng chục năm sau mới có thể trả hết khoản nợ mua một ngôi nhà chung cư, những mong sẽ có cuộc sống tiện ích hơn, nhưng rất nhiều gia đình nhanh chóng… vỡ mộng.

Từ những diễn biến chậm tiến độ, chất lượng nhà không bảo đảm đến các tiện ích đi kèm không như lời hứa của chủ đầu tư, rồi thì phát sinh hàng loạt vấn đề mà người dân chưa tính đến như tranh chấp diện tích sử dụng chung, phí gửi xe… khiến nhiều người lo lắng.

Thế nhưng nỗi lo nào đã hết, bởi thời gian gần đây nhiều gia đình còn như ngồi trên đống lửa khi hàng loạt chung cư bị nêu tên trong danh sách thế chấp ngân hàng và vi phạm phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Chuyện có thật đã xảy ra khi người dân nghe tin một tòa chung cư sắp bị ngân hàng… siết nợ.

Nguyên nhân  do chủ đầu tư vay nợ ngân hàng nhưng không đủ khả năng thanh toán. Sau vụ việc này, TP.HCM rà soát và công bố đến 77 dự án đang bị thế chấp ngân hàng, còn Hà Nội thì vẫn đang cân nhắc, vì cho rằng việc công bố rất “nhạy cảm”, sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các chủ đầu tư và tâm lý người mua nhà.

Nhưng người mua nhà đặt câu hỏi nếu không công bố thông tin khiến người dân mua phải nhà đã thế chấp mà chủ đầu tư không trả đúng hẹn thì quyền lợi người mua nhà sẽ được giải quyết ra sao?

Chưa hết, vấn đề cháy, nổ tại chung cư hiện nay khiến người dân bất an hơn bao giờ hết. Sau hàng loạt vụ việc nghiêm trọng liên quan đến cháy, nổ ở các khu chung cư, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, đe dọa đến tính mạng thì những cư dân ở chung cư chỉ còn biết tự nâng cao kỹ năng thoát nạn và trông đợi vào sự may rủi.

Cũng từ đây, hàng loạt chung cư đã lộ ra những sai phạm về PCCC, không chỉ sử dụng những thiết bị PCCC không đảm bảo để “tiết kiệm” chi phí mà nhiều chủ đầu tư còn ngang nhiên “qua mặt” người mua nhà khi bàn giao nhà cho người dân mà vẫn chưa nghiệm thu PCCC.

Kiểm tra mới nhất của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho thấy, trong tổng số 1.075 công trình nhà cao tầng trên địa bàn thành phố thì có 38 công trình không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC; không tổ chức khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót về PCCC đã được cơ quan Cảnh sát PCCC kiến nghị; công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.

Trong danh sách này có tới gần một nửa số công trình vi phạm hiện đang có số lượng cư dân ở rất lớn thuộc về một “đại gia” bất động sản.

Để xảy ra tình trạng này, nguyên nhân chính là đạo đức kinh doanh của các chủ đầu tư. Dù viện dẫn ra nhiều khó khăn, nhưng an toàn PCCC liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, vì vậy khi chưa đảm bảo an toàn mà đã bàn giao cho người mua thì hậu họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý PCCC cũng là chính sự “tiếp tay” cho các vi phạm của chủ đầu tư. Một nguyên nhân khác đến từ chính sự thiếu cẩn trọng của người mua nhà.

Do sự bức thiết về nhà ở nên điều họ quan tâm nhất là sớm được sở hữu căn hộ để ở mà chưa quan tâm đến mức độ hoàn thiện, sự an toàn và tính pháp lý của tòa nhà lẫn căn hộ mà mình mua. Trong khi việc đảm bảo các quy định pháp luật của chủ đầu tư đều phải thể hiện trên hồ sơ của dự án thì nhiều người mua nhà vì chủ quan hoặc thiếu hiểu biết mà bỏ qua.