Nỗi lo trẻ em béo phì   

(ANTĐ) - Trong một lần tiếp xúc, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc An, Vụ trẻ em - ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em đã kể với tôi: Trẻ em bây giờ sung sướng hơn ngày xưa, giờ muốn tìm một tiêu bản suy dinh dưỡng là một điều thật khó khăn. Nhưng không phải lấy đó làm tự hào, vì bởi, trẻ em suy dinh dưỡng còn dễ chữa chứ béo phì là một hiểm họa khôn lường và dễ trở thành một căn bệnh khó chữa trị...

Nỗi lo trẻ em béo phì   

(ANTĐ) - Trong một lần tiếp xúc, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc An, Vụ trẻ em - ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em đã kể với tôi: Trẻ em bây giờ sung sướng hơn ngày xưa, giờ muốn tìm một tiêu bản suy dinh dưỡng là một điều thật khó khăn. Nhưng không phải lấy đó làm tự hào, vì bởi, trẻ em suy dinh dưỡng còn dễ chữa chứ béo phì là một hiểm họa khôn lường và dễ trở thành một căn bệnh khó chữa trị...

Bắt đầu cuộc hành trình đi tìm nguyên nhân của căn bệnh tưởng chừng như đơn giản nhưng rất nhiều người mắc phải đặc biệt là trẻ em, chúng tôi mới biết được rằng, béo phì không chỉ xuất phát từ dinh dưỡng mà còn là yếu tố nội tiết bên trong cơ thể.

Theo một nghiên cứu của Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê và Lương Vĩnh Khang - chuyên về béo phì thì, bệnh béo phì ở trẻ em có nguyên nhân trước tiên là do yếu tố di truyền bẩm sinh, nguy cơ mắc chứng béo phì ở trẻ em tăng gấp 4 lần nếu một trong hai cha mẹ của trẻ bị béo phì và sẽ tăng gấp 8 lần nếu cả hai đều béo phì.

Ngoài ra, nguyên nhân ít gặp là do các căn bệnh về nội tiết như sự hoạt động không tốt của các tuyến thượng thận hoặc tuyến giáp, hội chứng di truyền về nội tiết có tên là Prader-Willi. Một nguyên nhân khác của béo phì có thể có lý do rất đơn giản là một em bé lúc đầu “ốm yếu” có thể được hưởng một sự bù đắp, bồi dưỡng bằng một sự ăn uống, tẩm bổ quá mức, kéo dài... coi như một sự tăng cường thể chất.

Sự thiếu hoặc ít hoạt động thể lực, gây ra sự tồn đọng các chất sinh nhiệt lượng carburants dư thừa, tích lại dưới dạng các khối mỡ, thường thấy ở trẻ em suốt ngày gắn mình vào tivi, máy vi tính... Thói quen ăn uống thiếu khoa học của gia đình  với các bữa ăn quá thịnh soạn, quá nhiều món thịt, cá, sơn hào, hải vị... cũng là nguyên nhân khiến những “người khổng lồ” xuất hiện nhiều thêm.

Một khảo sát của Viện Dinh dưỡng vừa được tiến hành tại trường Tiểu học Kim Chung (huyện Đông Anh) và trường Văn Chương (quận Đống Đa) đã cho kết quả rất đáng ngại: 14% nam học sinh (HS) từ 9-11 tuổi ở trường Văn Chương bị béo phì, trong khi tỉ lệ này ở trường Kim Chung chỉ có 2,2%. Riêng nam HS 9 tuổi ở trường Văn Chương có tỉ lệ béo phì lên tới 22%.

Con số này đã cho thấy, trẻ ở thành phố bị béo phì cao gấp nhiều lần so với trẻ sống ở vùng nông thôn và chỉ ra rằng, trẻ ở thành phố đang ăn quá nhiều. Ông Nguyễn Quang Dũng - Viện Dinh dưỡng, tác giả của nghiên cứu này cho rằng, kết quả về tỷ lệ điều tra nói trên chỉ là bức tranh về thực trạng béo phì của các trường đó, không đại diện cho HS toàn thành phố.

Tuy nhiên, các kết quả đã vẽ một bức tranh về thời kỳ chuyển tiếp dinh dưỡng ở Việt Nam: Song hành với suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì trên HS đang xuất hiện ngày một nhiều.

Dự kiến, trong năm nay, Viện Dinh dưỡng sẽ có cuộc tổng điều tra dinh dưỡng học đường để đưa ra bức tranh về tình trạng thừa cân, béo phì của HS, chế độ ăn có đảm bảo dinh dưỡng hợp lý hay không... Từ kết quả điều tra này sẽ đưa ra những khuyến cáo về sức khỏe học đường và các thực đơn cụ thể cho HS từng lứa tuổi.

Về cơ bản nguyên nhân của bệnh béo phì ở trẻ em hiện nay chủ yếu vẫn ở thói quen ăn uống không khoa học, hay ăn vặt và ít vận động. Vậy đâu là giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Trước hết, không nên tìm mọi cách làm trẻ giảm cân thật nhanh mà cần kiểm soát được cân nặng của trẻ, không để trẻ tiếp tục tăng cân nhanh.

Thay đổi chế độ ăn của trẻ bằng cách giảm lượng calo trẻ ăn hàng ngày,  cần phải sắp xếp lại các bữa ăn. Hướng dẫn trẻ tập thể thao hoặc đơn giản hơn là vận động nhiều, có thể chọn thời gian vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc buổi chiều, trước bữa cơm để chơi một môn thể thao yêu thích: chạy, đi bộ, đá bóng, cầu lông…

Khuyên trẻ dùng cầu thang bộ nếu tầng cần đến không ở quá cao. Những người trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp trẻ mắc bệnh béo phì giảm cân. Hãy duy trì những bữa cơm gia đình với nhiều rau xanh và hạn chế các thức ăn có mỡ, đường…

Không nên để những đồ uống có đường, bánh kẹo trong tủ lạnh hoặc trong tầm với của trẻ. Người lớn cũng không nên ngồi quá lâu trước máy thu hình để làm gương cho trẻ. An ủi, động viên trẻ để trẻ vượt qua được những khó khăn trong quá trình chữa bệnh. Tránh trách mắng trẻ làm trẻ buồn phiền, mất niềm tin để tiếp tục chữa bệnh.

Trong suốt thời gian chữa bệnh, các bậc phụ huynh có con mắc bệnh béo phì nên tạo cho con mình một cảm giác thoái mái, và giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của những thay đổi trong khẩu phần ăn, sự thay đổi các bữa ăn... Điều này giúp trẻ tự giác thực hiện những biện pháp giảm cân.                

Yên Hưng