Nỗi lo hỏa hoạn tại các khu nhà tạm

ANTĐ - Buổi chiều, những căn nhà lụp xụp phía sau chợ Long Biên chìm trong làn khói bếp đun nấu bằng củi. Trong những phòng trọ tạm bợ vọng ra tiếng gọi í ới nhờ nhau nhóm hộ cái bếp củi, cời than cho lửa cháy to để đun ấm nước nhanh sôi còn mang đi làm đêm…

Nỗi lo hỏa hoạn tại các khu nhà tạm ảnh 1Tại khu nhà tạm phía sau chợ Long Biên, người dân hầu hết đun nấu bằng bếp củi

Sống tạm, cháy thật

Chị Nguyễn Thị Thìn quê ở Khoái Châu, Hưng Yên tất tả ôm bó củi vào nhà. Vừa đi chị Thìn vừa kể, nhân thể đi ra phố, chị nhặt củi về đun. Chiều xuống, nhịp sống ở khu nhà trọ phía sau chợ Long Biên trở nên sôi động hơn với cảnh cơm nước, củi lửa… Chị Thìn bảo: “Những người trong khu trọ đang chuẩn bị bữa cơm chiều thật nhanh để bắt đầu buổi “kéo cày” tối khi xe hoa quả về”. Giữa những lối nhỏ hẹp trong khu “ổ chuột”,  những bếp củi đang đùng đùng cháy đun nấu cơm sôi mà chẳng thấy chủ nhà. Đường đi lối lại ở đây quả là sự đánh đố nếu  phải vận chuyển vật dụng to hơn cơ thể người. Cái nắng nóng của buổi chiều mùa hè khắc nghiệt như muốn tăng thêm sự ngột ngạt nơi đây... 

Có một điểm chung dễ nhận thấy tại tất cả các khu “ổ chuột” Linh Quang, Hoàng Cầu… là cảnh nhà tạm bợ, chủ yếu được dựng lên bằng vật liệu dễ cháy nhưng lối đi thì chật hẹp. Chị Nguyễn Thị Nụ, 46 tuổi, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa, thuê tại khu nhà tạm sau chợ Long Biên cho biết: “Chúng tôi ở đây chỉ đun bằng củi chứ bằng điện gas thì lấy đâu tiền mà trả”. Thế chị lấy củi ở đâu ra? “Chúng tôi nhặt nhạnh cành khô, thùng gỗ… ngoài chợ, ngoài bờ sông Hồng. Mỗi khi đi làm, thấy có gì lại nhặt tích vào đó để đun dần” - chị Nụ nói. Những khu trọ này lâu nay đã làm đau đầu lực lượng phòng cháy, chữa cháy, bởi cuộc sống sinh hoạt hàng ngày tại đây là cả sự hỗn tạp của hàng trăm hộ gia đình, chỉ một người chủ quan, một sơ suất nhỏ nếu dẫn đến hỏa hoạn là cả khu nhà tạm bỗng chốc sẽ thành tro!

Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống nóc khu nhà “ổ chuột” phía sau chợ, không ai nghĩ đó là những mái nhà và đang có hàng trăm hộ sinh sống trong đó. Họ tống tất cả mọi thứ lên mái nhà, nào thùng xốp, chăn bông, đệm mút và cả rác rưởi... Chị Nụ bảo, đó là phương cách để chống nóng. Cứ thế, năm này sang năm khác, mái nhà trở thành bãi… rác. 

Nỗi lo hỏa hoạn tại các khu nhà tạm ảnh 2Lực lượng CS PCCC dập lửa vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu nhà tạm bên hồ Linh Quang 

Bài học từ khu nhà “ổ chuột” hồ Linh Quang

Vụ cháy xảy ra tại khu “ở chuột” hồ Linh Quang, phường Văn Chương, quận Đống Đa vào trung tuần tháng 5 vừa qua là một cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn tại những khu nhà tạm trên địa bàn Hà Nội. Nguyên nhân xảy cháy đã được cơ quan Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội xác định, do người dân đun nấu bếp củi bỏ quên, lửa  cháy bén vào ván dựng làm vách nhà. Sau vụ cháy trên, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, xác định các khu nhà tạm tại khu vực cuối đường Hàm Nghi giáp ranh địa phận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy, phía sau khu chợ Long Biên, Phúc Xá (quận Ba Đình), Hoàng Cầu, hồ Linh Quang (quận Đống Đa)… tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra hỏa hoạn. Do đó, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, hướng dẫn người dân không được tập kết củi khô, vật liệu dễ cháy và cẩn thận khi đun nấu.  

Ông Nguyễn Tiến Ngọc, Chủ tịch UBND phường Văn Chương, quận Đống Đa cho biết, khu nhà tạm bên hồ Linh Quang chủ yếu là người lao động nghèo, họ làm đủ thứ nghề từ thu mua đồng nát, đến chăn nuôi… Tất cả đều dựng lều lán tạm bợ. Vụ xảy cháy là do một hộ dân nấu cám lợn bằng bếp củi nhưng không để ý đã bị cháy lan ra.

Thượng tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 2 cho biết: “Ở những khu nhà “ổ chuột” này, chủ yếu là người dân lao động nên ý thức chấp hành về an toàn PCCC rất kém. Trong khi đó, các hộ gia đình đều sử dụng nguồn lửa trần để đun nấu, nên chỉ sơ suất nhỏ là có thể xảy ra hỏa hoạn ngay”. Khi được hỏi cách phòng ngừa hiệu quả nhất đối với những khu nhà tạm này, một cán bộ kiểm tra, hướng dẫn thuộc Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 cho biết: “Thành phố cũng cần quy hoạch cụ thể, dựng những khu phòng trọ đơn giản để quản lý. Như vậy vừa tạo được điều kiện cho người lao động tự do có chỗ thuê ở, lại tránh được việc họ tự ý dựng lều lán tạm bợ”. 

Vẫn theo Thượng tá Nguyễn Trường Sơn, những ngày nắng nóng vừa qua, để tránh nguy cơ hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PC&CC số 2 đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân. Đặc biệt, đối với những khu trọ, cán bộ đã phát tờ rơi đến tận từng hộ dân để hướng dẫn cách thức sử dụng lửa trần, điện. “Với những khu trọ tạm bợ thì dây điện cũng tạm bợ, do đó chúng tôi đã đề nghị bà con quấn băng dính các mối nối, để bếp lửa cách xa  vách tường và tuyệt đối không lợp, quây bằng ván gỗ, vật liệu dễ cháy. Nếu những khu này xảy ra hỏa hoạn thì việc chữa cháy cứu người rất khó lường”- Thượng tá Nguyễn Trường Sơn cảnh báo.