Festival cầu Long Biên 2010:
Nối hai bờ thế kỷ
(ANTĐ) - Sau nhiều lần thay đổi, Festival cầu Long Biên 2010 sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-11. Cây cầu sẽ trở thành một không gian nghệ thuật mở, mang đậm bản sắc Việt, người tham gia lễ hội vừa là người sáng tạo, vừa thưởng thức nghệ thuật.
Mang nhiều ý nghĩa
So với festival lần đầu tiên tổ chức vào năm 2009, Festival cầu Long Biên lần này mang nhiều ý nghĩa và hướng tới cộng đồng rõ nét hơn. Cây cầu Long Biên sẽ mang dáng dấp của một con rồng đời Lý. Phần đầu Rồng được đặc tả rõ nét hơn và sân khấu tại khu vực đầu cầu Long Biên-Hoàn Kiếm sẽ mang hình ảnh của một con thuyền. Để từ đó, người xem có thể hồi tưởng câu chuyện Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Khi đến với lễ hội này, khán giả còn có dịp ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc trải dài suốt dọc cây cầu từ Hoàn Kiếm sang tới Gia Lâm dành để trưng bày triển lãm ảnh “Xưa và Nay của Hà Nội và cầu Long Biên”, trang phục cổ, hiện vật cổ… Khi thả bộ từ Gia Lâm về Hà Nội, khán giả lại được đắm mình trong không gian của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại và cùng suy ngẫm về tương lai Hà Nội.
Được tổ chức vào thời điểm miền Trung đang gắng sức khắc phục hậu quả do bão lũ, BTC Festival cầu Long Biên sẽ bán vé cho khách tham quan để đổi lấy quà lưu niệm hoặc thưởng thức ẩm thực ở đầu cầu. Đêm nhạc trẻ 20-11 và hoạt động chụp ảnh “Ủng hộ miền Trung” ở đầu lên cầu cũng để quyên góp tiền giúp đồng bào miền Trung. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để mua cặp sách kiểu phao cứu sinh cho các em học sinh vùng thường xảy ra bão lũ. Đồng hành với hoạt động trên, festival cũng hướng sự quan tâm của du khách đến vấn đề bảo vệ môi trường để Thủ đô trường tồn cùng thời gian và phát triển bền vững. Một khoảng không gian rộng lớn khoảng 300m trên đoạn đường hướng về tương lai của Hà Nội sẽ có một triển lãm về môi trường, về hệ quả của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó còn có các hoạt động như: đi bộ và đạp xe vì môi trường trên cầu Long Biên và các khu vực lân cận.
Festival cầu Long Biên 2010 là dịp kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường để Thủ đô phát triển bền vững |
Mỗi khán giả là một phần của lễ hội
Đặc biệt, mỗi người tham dự sẽ trở thành một phần lễ hội khi họ đem những câu chuyện của riêng mình, đặc trưng bản sắc văn hóa vùng miền tới lễ hội thông qua trang phục, kiểu tóc… Việc hóa trang đi dự hội cũng rất được khuyến khích. BTC sẽ dành một khoảng sân khấu trải thảm đỏ để những người hóa trang bước lên trong sự săn lùng hình ảnh của giới nhiếp ảnh. Sau đó, những bức ảnh sẽ được tập hợp lại và tổ chức triển lãm. Ngoài ra, liên hoan lần này còn chứng kiến những ý tưởng độc đáo để tạo nên một lễ hội đường phố vui nhộn. 70 lá cờ của 70 quốc gia sẽ được ghép lại với nhau để hình thành nên một lá cờ lớn mang thông điệp về hòa bình.
Lá cờ lớn này sẽ được thả cùng bóng bay lên trời và kèm theo số điện thoại liên hệ. Ai nhặt được lá cờ này sẽ được tặng một chiếc xe đạp. Hay ý tưởng về đoàn tàu với ban nhạc 24 cây Acordion biểu diễn 2 sáng tác của 2 nhạc sỹ người Pháp dành tặng festival đi từ ga Hà Nội qua phố Phùng Hưng-phố Gầm Cầu tới cầu Long Biên và biển diễn đi bộ trên cầu Long Biên. Long Biên không chỉ là cây cầu nối hai bờ thế kỷ mà còn nối liền khoảng cách giữa các nền văn hóa.
Phạm Thu Hương