Noi gương cha - một điệp viên huyền thoại

ANTD.VN - Khi giặc Pháp ập đến ngôi làng nhỏ ở Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình, cậu bé Đoàn Văn Điệt (SN 1933) mới 9 tuổi. Không một ai trong gia đình biết rằng, cậu bé ngày nào sau này lại trở thành một điệp viên. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đã trở thành huyền thoại.

Trung tá Lại Quốc Tuấn chỉ đạo CBCS phương án đảm bảo ANTT trên địa bàn

Từ một cậu bé liên lạc cho lực lượng công an hoạt động bí mật trong lòng địch, Đoàn Văn Điệt sau này trở thành một chiến sĩ an ninh hoạt động đơn tuyến với cái tên Lại Văn Minh. Cuộc đời của người chiến sĩ an ninh tình báo thầm lặng ấy như một huyền thoại, đã góp phần cùng đồng đội làm nên thắng lợi cho cuộc đàm phán Hiệp định Paris năm 1973.

Cậu bé liên lạc mưu trí, dũng cảm

Thoát ly gia đình để đi hoạt động cách mạng từ khi 9 tuổi, cậu bé Đoàn Văn Điệt được các đồng chí an ninh của ta khi đó đang hoạt động trong lòng địch tuyển mộ làm liên lạc viên. Vốn nhanh nhẹn, thông minh, chưa khi nào những tin tức từ vùng địch tạm chiếm đến với các chiến sĩ an ninh bị ngắt quãng trên đôi chân trần và trí thông minh tuyệt vời của cậu bé liên lạc viên.

Để đưa được tài liệu từ vùng địch tạm chiếm đến vùng tự do, Đoàn Văn Điệt phải vượt qua rất nhiều bức tường canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hung bạo của địch. Để đối phó, cậu bé Lại Văn Minh phải hóa trang thành nhiều vai khác nhau. Khi thì là một đứa bé đi ở đợ cho nhà chủ cầm rổ rá đi chợ; lúc lại là cậu mục đồng cưỡi trâu thả diều trên triền đê lộng gió...

Có những lần trong người giấu tài liệu mật đi trên đường, phát hiện toán lính Pháp và đám tay sai đang kiểm tra người dân, sẵn chiếc giỏ bắt cua đeo bên hông, cậu lao ùm xuống mương nước hì hục mò cua bắt cá. Vừa nhặt những con cua con ốc vào giỏ, cậu bé liên lạc vừa ì ọp dưới mương nước để vọt qua chốt lính gác.

“Có một điều trùng hợp là, khi anh trai tôi được phân công về Tổng cục Tình báo, lại về đúng vị trí mà cha tôi ngày trước đã từng làm. Kỳ lạ hơn, chuyên án ngày xưa cha tôi làm còn dang dở đã được anh tôi và đồng đội tiếp nối, phá tan mạng lưới gián điệp. Cả quãng thời gian công tác của tôi dù có cố gắng nữa thì cũng chẳng thể nào so sánh được với những thành tích, chiến công cha và anh tôi đã đạt được. 

Trung tá Lại Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội An ninh, CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội 

Đám tay sai và giặc Pháp đứng trên bờ nhìn xuống chỉ thấy một bé trai cởi trần trùng trục, khuôn mặt lấm lem bùn đất mà chẳng thể nghĩ đó lại là một chiến sĩ an ninh đang giấu bên người tài liệu tuyệt mật về vùng địch tạm chiếm để chuyển lên chiến khu. Trong tất cả những lần vận chuyển thư từ, tài liệu mật, không bao giờ cậu bé Lại Văn Minh giấu trong người mà đều tìm lấy cho mình một đạo cụ để “diễn”.

Khi thì cuộn tròn nhét trong yếm con cua rồi lấy đất trát bên ngoài để ngụy trang; lúc thì lại nhét vào bụng cá. Thậm chí, cái ống phốc lũ trẻ miền quê hay nghịch cũng được người chiến sĩ liên lạc này sử dụng để vận chuyển tài liệu mật...

Việc giấu tài liệu mật bằng cách trên vừa đảm bảo an toàn cho bản thân khi bị địch kiểm tra bất ngờ nhưng cũng dễ dàng phi tang tài liệu khi cần thiết. Cách cất giấu và vận chuyển tài liệu mật tài tình ấy của cậu liên lạc viên, khiến cho cả những đồng chí an ninh cấp trên dù dày dặn kinh nghiệm trận mạc cũng phải yên tâm, tấm tắc ngợi khen.

Tài sản là những tài liệu tuyệt mật

Cuộc đời của người chiến sĩ liên lạc viên cứ lớn dần theo từng trận đánh của các chú, các anh và đồng đội. Trước những tố chất thiên bẩm đặc biệt của người lính trẻ, các đồng chí cấp trên đã bồi dưỡng Lại Văn Minh trở thành một chiến sĩ an ninh tình báo hoạt động đơn tuyến. Khi trưởng thành, đồng chí Lại Văn Minh vinh dự được làm Thư ký cho đồng chí Trần Đông lúc đó là Giám đốc CATP Hải Phòng, một trong những địa bàn “nóng” về tình hình tội phạm, di cư, vượt biên trái phép cũng như hoạt động chống phá cách mạng của đám gián điệp được địch cài cắm lại trước khi chúng rút vào miền Nam.

Khi đồng chí Trần Đông lên làm Thứ trưởng Bộ Công an, một nhiệm vụ mới và vô cùng đặc biệt lại được cấp trên tin tưởng giao cho đồng chí Lại Văn Minh. Với vốn kiến thức phong phú, khả năng nói tiếng Anh và Pháp  trôi chảy cùng kinh nghiệm, đồng chí Lại Văn Minh được biên chế vào Tổng cục Tình báo Bộ Công an, hoạt động đơn tuyến.

Ít ngày sau khi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Lại Văn Minh được biệt phái sang Pháp hoạt động. Trong suốt thời gian này, ông cùng với các đồng đội, đồng chí đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, phụ giúp đắc lực cho phái đoàn của nước ta đàm phán thắng lợi trước Mỹ trong Hiệp định Paris năm 1973. 

Cuối năm 1980, sau khi bàn giao công việc tại Pháp, trên đường trở về Việt Nam, đồng chí Lại Văn Minh bị sốt cao và được đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi kiểm tra thăm khám và điều trị ở nhiều nước thuộc khối Đông Âu, các bác sĩ Liên Xô kết luận đồng chí Lại Văn Minh bị ung thư xương. Ngày 13-3-1981, do tiên lượng sức khỏe xấu, đồng chí Lại Văn Minh được đưa về nước để điều trị. Khi máy bay vừa hạ cánh, đồng chí được đưa ngay vào Bệnh viện Hữu Nghị để chăm sóc, điều trị.

Mặc dù được các y, bác sĩ điều trị tích cực, nhưng do bệnh tình diễn biến quá xấu, đến ngày 15-10-1983, đồng chí Lại Văn Minh qua đời. Trước lúc ông ra đi, những người thân trong gia đình ông cũng không biết cụ thể công việc của ông trong những năm dài đó là gì. Ông cũng chẳng để lại bất kỳ một tài sản nào cho gia đình ngoài những tài liệu tuyệt mật gửi cho đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Công an.

Những tài liệu, chiến công đồng chí để lại cho đồng đội vô cùng quý giá, có ý nghĩa lớn lao cho công cuộc đấu tranh phòng chống phản gián, bóc gỡ nhiều đường dây điệp viên địch cài cắm trong hàng ngũ lãnh đạo các cấp sau này.

Nối tiếp những chiến công

Nhắc đến người cha của mình, Trung tá Lại Quốc Tuấn, Đội trưởng Đội An ninh, CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội không giấu được những giọt nước mắt xúc động. Kỷ niệm về ông - liệt sĩ tình báo Đoàn Văn Điệt hay còn gọi là Lại Văn Minh nói như Trung tá Lại Quốc Tuấn là vô cùng mờ nhạt. “Lúc tôi còn nhỏ thì cha tôi đi công tác liên miên, vài tháng không về nhà. Sau này khi tôi lớn lên một chút, cha tôi lại được biệt phái sang Pháp hoạt động nên vài ba năm mới về thăm nhà một lần. Mỗi lần về nhiều thì được một tuần, ít thì vài ba ngày cha tôi lại đi. Sâu thẳm trong ký ức của tôi về cha là một người đàn ông trầm tính, cẩn trọng, kiệm lời, kiên nghị nhưng cũng vô cùng hài hước. Có lẽ tính cách ấy của cha tôi hội tụ đủ những phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ an ninh hoạt động tình báo đơn tuyến”, Trung tá Lại Quốc Tuấn hồi tưởng.

Tuổi thơ của Trung tá Lại Quốc Tuấn và ba anh em trong gia đình là đằng đẵng những tháng ngày thiếu vắng người cha của mình. Trong giai đoạn đồng chí Lại Văn Minh bị bệnh và về nước điều trị, có lẽ đó là khoảng thời gian mấy anh em và gia đình được ở bên ông lâu nhất. Thời điểm ấy, trước những chiến công của ông, Đảng, Nhà nước đã phân nhà cho ông và gia đình ở cả Hải Phòng và Hà Nội nhưng đồng chí Lại Văn Minh kiên quyết từ chối để dành tiêu chuẩn này cho các đồng chí khác.

Khi ông nằm điều trị ở Bệnh viện Hữu Nghị, theo yêu cầu của tổ chức, vợ ông khi đó đang là Phó Hiệu trưởng của một trường THCS đã phải từ bỏ nghề dạy học, ôm con lên bệnh viện chăm sóc cho ông. Để có nhà ở, ông yêu cầu bà bán nhà ở Hải Phòng lấy tiền mua một mảnh đất ở xa trung tâm cho cả gia đình sinh sống. Số tiền còn lại giao cho vợ để lo cho các con ăn học. 

Trung tá Lại Quốc Tuấn nhớ lại, sau khi cha mình mất đi đó là khoảng thời gian cơ cực của gia đình. Số tiền ít ỏi còn thừa khi mua căn nhà mái rơm rạ ở Hà Nội vơi dần. Mẹ của Trung tá Lại Quốc Tuấn từ một nhà giáo đứng trên bục giảng giờ hàng ngày dậy từ 3h sáng, gồng gánh đôi quang thúng tất tả ra chợ Đồng Xuân mua ít gừng, vài mớ rau, rồi mùa nào thức ấy quẩy đi rao bán khắp phố phường. Những tiếng rao lanh lảnh của người mẹ già năm xưa giờ mỗi lần nhắc lại, Trung tá Tuấn vẫn  nghẹn ngào.

Người anh trai của Trung tá Lại Quốc Tuấn khi đó tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân đi làm, gom góp những đồng lương ít ỏi đưa mẹ nuôi 3 em ăn học. Noi gương cha và để giảm gánh nặng cho mẹ, Trung tá Lại Quốc Tuấn thi đỗ Học viện An ninh với số điểm rất cao. Năm 1990 đồng chí Lại Quốc Tuấn về CAQ Hoàn Kiếm công tác cho đến nay. Ở một địa bàn với tình hình an ninh chính trị có thể xem là trọng điểm, Trung tá Lại Quốc Tuấn và đồng đội đã điều tra, khám phá những chuyên án lớn, đảm bảo tuyệt đối ANCT, TTATXH. 

“Có một điều trùng hợp là, khi anh trai tôi được phân công về Tổng cục Tình báo, lại về đúng vị trí mà cha tôi ngày trước đã từng làm. Kỳ lạ hơn, chuyên án ngày xưa cha tôi làm còn dang dở đã được anh tôi và đồng đội tiếp nối, phá tan mạng lưới gián điệp. Cả quãng thời gian công tác của tôi dù có cố gắng nữa thì cũng chẳng thể nào so sánh được với những thành tích, chiến công cha và anh tôi đã đạt được. Nhìn nhận điều đó để mình càng phấn đấu hơn, trau dồi hơn xứng đáng hơn với truyền thống và niềm tự hào của gia đình”, Trung tá Lại Quốc Tuấn chia sẻ.