Nợ đọng... khó đòi

ANTD.VN - Gần 10.000 tỷ đồng là số tiền các doanh nghiệp nợ đọng các loại bảo hiểm của người lao động, vừa được kiểm toán Nhà nước công bố. Trong đó có hơn 1.410 tỷ đồng từ các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể. 

Đây chỉ là một góc “bức tranh” phản ánh tình trạng nợ bảo hiểm xã hội khiến hàng vạn người lao động lo lắng, hoang mang, trong khi các bên liên quan vẫn loay hoay chưa tìm ra cách trả món nợ này.

Đến nay, đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 1.150 hồ sơ doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo dự kiến, thời gian tới, Liên đoàn Lao động các địa phương sẽ khởi kiện 150 doanh nghiệp, số còn lại sẽ có văn bản yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH đúng thời hạn, nếu không sẽ bị khởi kiện. Với biện pháp mạnh này các doanh nghiệp đã chủ động nộp 21 tỷ đồng tiền nợ BHXH, dù chỉ như “muối bỏ biển” trong khoản nợ “khủng”.

Điều đáng lo ngại là, trong số các hồ sơ khởi kiện ra tòa, nhiều hồ sơ bị trả lại. Nguyên nhân vì doanh nghiệp nợ BHXH là tranh chấp lao động, tập thể về quyền lợi, như vậy bắt buộc phải thông qua hòa giải giữa chủ doanh nghiệp và người lao động; đồng thời phải có đơn ủy quyền của người lao động. Hơn thế còn những rào cản giữa một số quy định trong Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì những bất cập này nên tòa án khó đưa ra xét xử doanh nghiệp nào. 

Còn một thực tế dẫn đến sự chậm trễ là do việc khởi kiện các doanh nghiệp cố tình chây ì nợ đọng BHXH là công tác mới lạ của tổ chức công đoàn. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở hiện nay còn nhiều hạn chế nên khó có thể thực hiện cũng chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể về quy trình, điều kiện pháp lý để công đoàn cơ sở có thể đại diện khởi kiện một vụ tranh chấp lao động tập thể ra tòa. Công đoàn cấp trên cũng chỉ được khởi kiện khi có giấy ủy quyền của công đoàn cơ sở hoặc người lao động.

Mặt khác, hồ sơ khởi kiện còn phải vượt qua hàng loạt thủ tục rườm rà, phức tạp. Chẳng hạn,  phải qua thủ tục hòa giải, thủ tục giải quyết của UBND quận, huyện, thị xã thì công đoàn mới được khởi kiện. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có hướng dẫn về quy trình tham gia, tố tụng của tòa án nhân dân tối cao đối với hoạt động khởi kiện của tổ chức công đoàn vì thế việc áp dụng để xét xử của tòa án cấp huyện ở các quận, huyện, thị xã chưa thống nhất.

Khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH ra tòa để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động là việc làm cấp bách. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, nhất là sửa đổi bổ sung những quy định của pháp luật thì tình trạng nợ đọng càng nặng hơn, người lao động thiệt đơn thiệt kép mà không biết kêu ai.