Níu giữ những cánh cò

(ANTĐ) - Được đưa vào khai thác từ năm 1994, khu du lịch sinh thái đảo Cò thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, Hải Dương nằm giữa một vùng hồ bao la sóng nước và nổi lên như một viên ngọc mà thiên nhiên đã ban tặng. Với diện tích gần 3.000m2, từ lâu đảo Cò đã trở thành nơi trú ngụ của hàng trăm loài cò, vạc, một số loài có tên trong sách đỏ Việt Nam...

Níu giữ những cánh cò

(ANTĐ) - Được đưa vào khai thác từ năm 1994, khu du lịch sinh thái đảo Cò thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, Hải Dương nằm giữa một vùng hồ bao la sóng nước và nổi lên như một viên ngọc mà thiên nhiên đã ban tặng. Với diện tích gần 3.000m2, từ lâu đảo Cò đã trở thành nơi trú ngụ của hàng trăm loài cò, vạc, một số loài có tên trong sách đỏ Việt Nam...

Mầu trắng tràn ngập trên đảo

Những cánh cò trắng trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình
Những cánh cò trắng trong khung cảnh thiên nhiên thanh bình

Đảo Cò được hình thành từ cuối thế kỷ trước, khi đê sông Luộc bị vỡ, nước sông xoáy vào tạo thành hồ nước sâu 25m. Khu đất nhô lên, tre mọc hoang vu là môi trường thuận lợi cho cò, vạc về sinh sống. Nhận thấy ý nghĩa của đảo Cò, chính quyền và nhân dân Chi Lăng Nam đã tìm cách giữ gìn, phát triển đàn cò, trồng thêm tre cho cò, vạc làm tổ. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên của một vùng ngập nước ven sông Hồng, có đầm hồ mênh mông, đất sình lầy với lau sậy hoang vu.

Từ năm 2003, Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam đã tài trợ để mở rộng và trồng thêm nhiều cây cối, nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn và phát triển bền vững cho khu du lịch sinh thái này. Vì thế cò, vạc và các loài chim khác về ngày càng nhiều hơn, đông về số lượng cá thể, đa dạng về thành phần loài. Mặc dù, dự án mở rộng đảo Cò trở thành khu du lịch sinh thái mang tầm quốc gia đã được phê duyệt, song đến thời điểm hiện tại khu du lịch sinh thái này vẫn chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương.

Theo những người dân sống trong vùng, cứ vào tháng 9 hàng năm, hàng nghìn con cò, vạc và các loài chim nước từ nhiều xứ khác bay về sinh sống kiếm ăn. Không chỉ là nơi tập trung, đảo Cò cũng là nơi mà loài vạc và loài cò lửa làm tổ, đẻ trứng, nuôi con. Đó là thời điểm có thể nhìn thấy những chú cò non lấp ló trong những bụi tre.

Trên đảo có rất nhiều loại cò khác nhau như: cò lửa, cò ruồi, cò bợ, cò đen, cò nghênh, cò diệc, cò trắng, cò ngang, cò hương và ba loại vạc là vạc xám, vạc xanh, vạc đen có nguồn gốc từ Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ, Nepal, Philippines… Là một vùng hồ rộng mênh mông, không bao giờ cạn nước nên Chi Lăng Nam còn có nhiều mòng két, le le, vịt trời, đặc biệt đã từng có cốc đen, bồ nông, cuốc và nhiều loài giẽ khác nhau. Trong số ấy, cốc và bồ nông là loài chim nước quí hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam. Dường như cây cối trên đảo không còn đủ chỗ cho cả đàn cò khổng lồ trú ngụ.

Chưa được đầu tư và khai thác

Ông Nguyễn Đức Ban - Trưởng BQL Khu du lịch sinh thái đảo Cò cho biết: “Từ năm 2001, Khu  du lịch sinh thái đảo Cò được tiếp nhận 2 dự án của Quỹ Môi trường toàn cầu nhằm xây dựng trung tâm giáo dục môi trường nâng cao nhận thức của người dân về môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển du lịch bền vững. Hai dự án này đã giúp UBND xã Chi Lăng Nam bảo vệ được đàn cò vạc, bảo tồn loài gene quý hiếm của đất nước, đón nhiều lượt khách du lịch, trong đó có cả khách nước ngoài về tham quan nghiên cứu. Để bảo vệ đàn cò, BQL đã sử dụng hàng rào, thả bèo tây quanh đảo để chống nước xâm thực gây sạt lở. Bên cạnh đó chúng tôi còn phối hợp với các xã lân cận chống săn bắt, bẫy cò vạc. Ngoài ra, công tác nâng cao nhận thức của cộng đồng, vận động người dân không dùng thuốc trừ sâu, ngâm tre ảnh hưởng đến môi trường nước hồ cũng được BQL chú trọng”.

Cũng theo ông Ban, “Năm 2009 UBND tỉnh Hải Dương đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái đảo Cò. Song đến thời điểm hiện tại dự án này đang được tiến hành khá chậm chạp, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân tại khu vực. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành có sự hỗ trợ về tài chính để tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn cò vạc, dùng vật liệu cứng để chống sạt lở đảo, xây dựng thêm các hạng mục để thu hút khách tham quan du lịch”…

Nhìn những đàn cò trắng chấp chới chao nghiêng trên cánh đồng, đậu bình yên trên bông lúa, rặng tre... mới thấy cuộc sống thật thanh bình, khiến chúng tôi nhớ đến câu “đất lành chim đậu”. Để có được sự bình yên ấy, ý thức con người và sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương để phát triển và bảo tồn những giá trị mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng là một điều vô cùng cần thiết. Nếu được bảo vệ tốt, chúng tôi tin rằng Chi Lăng Nam có thể là cảnh quan nguyên sơ duy nhất còn giữ lại của vùng đất ngập nước ven sông Hồng, trở thành điểm du lịch sinh thái đặc sắc của tỉnh Hải Dương.

Ngọc Bảo - Huệ Anh