Niên hạn sử sụng xe taxi không quá 8 năm là quá ngắn

ANTD.VN - Ngày 10- 5, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quy chế của UBND TP Hà Nội về “Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Quản lý xe taxi phải dựa trên quy luật cung cầu và ích lợi nhất cho người dân

Hiện nay, thành phố có 77 hãng taxi là thành viên của Hiệp hội Taxi Hà Nội với gần 20.000 xe taxi và 18.000 xe hợp đồng hoạt động như xe taxi cùng với hàng chục nghìn xe Grab đang tham gia hoạt động như xe taxi truyền thống. Hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi hàng năm vận chuyển trung bình trên 100 triệu lượt hành khách, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của nhân dân.

Cùng với sự tăng trưởng nhanh, hoạt động vận tải hành khách bằng taxi đang bộc lộ nhiều bất cập, chất lượng cung ứng dịch vụ thấp, chất lượng xe, chất lượng lái xe, quản trị doanh nghiệp… chưa tạo ra được hình ảnh văn minh, văn hóa trong nếp sống, đi lại. Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ mới và việc ứng dụng công nghệ thông tin, cách quản lý vận hành cũ đến nay đã có nhiều bất cập. 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định sự cần thiết của việc ban hành Quy chế. Quy chế nên xây dựng trên quan điểm coi trọng lợi ích trách nhiệm của các chủ thể, nhất là khách hàng; tập trung cải cách hành chính, giảm cơ chế “xin cho”, thúc đẩy kinh tế phát triển nói chung, phát triển taxi theo hướng văn minh hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của hành khách.

Cho rằng việc quy niên hạn sử sụng xe taxi không quá 8 năm kể từ năm sản xuất (khoản 2, điều 5 trong dự thảo) là quá ngắn, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đinh Hạnh cho rằng, niên hạn sử dụng phụ thuộc vào mức độ sử dụng xe nhiều hay xe ít; thương hiệu, giá trị của xe và thống số kỹ thuật của từng loại xe... Vì vậy nên kết hợp sử dụng nhiều tiêu chí như: Thời hạn sử dụng, mức độ hao mòn, giám định kỹ thuật, xác nhận mức độ an toàn…

Cũng tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, hiện chưa có sự tranh bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Việc ban hành quy chế quản lý cần phải đi theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý taxi, tạo thuận lợi cho taxi, đồng thời phải xem xét lợi ích đầy đủ của các bên liên quan.

Các đại biểu cũng thống nhất, dịch vụ taxi phải tuân theo quy luật cung cầu, việc phân vùng như trong dự thảo sẽ không hiệu quả. TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội nhận định, việc phân vùng sẽ gây cản trở cho người đi xe taxi, không phù hợp với cơ sở quy hoạch của Hà Nội, gây cản trở giao thông; việc này chỉ nên thực hiện khi có hệ thống hạ tầng đầy đủ...

Để ổn định số lượng phương tiện, đảm bảo chất lượng phục vụ, các đại biểu cho rằng không nên áp đặt mà nên khuyến khích những đơn vị có thể ra đời sau nhưng tổ chức tốt, ứng dụng công nghệ mới; cần thiết xây dựng trung tâm điều hành taxi chung; xây dựng điểm đỗ xe tập trung cố định để hướng tới đô thị thông minh, giảm bớt điểm đỗ xe tạm thời...