Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam nhìn từ hai phía (3): Ngày thứ Tư đen tối...

ANTĐ - Trận không chiến ngày 23-8-1967 được Mỹ gọi là “Ngày thứ Tư đen tối”, khi có đến 6 máy bay của Không quân và 1 chiếc của Hải quân bị bắn hạ. Tư lệnh dẫn đầu lại là một viên Đại tá phi công lọc lõi giàu kinh nghiệm từ Thế Chiến II – Robin Old.

Hiệp đồng tác chiến

Chiều 23-8-1967, Không quân Mỹ sử dụng đội hình lớn với hơn 60 chiếc, bao gồm 9 biên đội F-105 và 4 biên đội F-4 (trong đó, có một biên đội bay chế áp MiG), do Đại tá, phi công Ace, từ Chiến tranh Thế giới thứ II, Robin Old dẫn đầu. Đội hình bay vào từ Sầm Nưa, qua Yên Bái, rồi rẽ sang Tuyên Quang, trước khi men theo triền phía Đông Bắc dãy Tam Đảo đánh vào Hà Nội.

Để gây khó khăn cho lực lượng Phòng không và MiG, Không quân Mỹ sử dụng nhiễu cường độ rất lớn, nên tên lửa và cao xạ của phía Việt Nam rất khó phát hiện. Sở chỉ huy Không quân quyết định tổ chức đánh hiệp đồng giữa MiG-21 và MiG-17 để bảo vệ thủ đô. Phương châm chỉ đạo là “tấn công từ nhiều hướng, chia cắt đội hình địch, tập trung tiêu diệt địch trên một hướng”.

Biên đội Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương chiến thắng trận đầu, ngày 3-4-1965

Trung đoàn Không quân 921 giao nhiệm vụ cho biên đội Nguyễn Nhật Chiêu và Nguyễn Văn Cốc trực ban chiến đấu tại sân bay Nội Bài. Lúc 14g40, mạng tình báo xa bắt được tốp mục tiêu cách phía Nam Sầm Nưa 70km, Trung đoàn trưởng Trần Mạnh lập tức cho biên đội vào cấp 1. Đến 14g54, đội hình máy bay Mỹ đã bay vào biên giới...

Trung đoàn xin lệnh cất cánh. Bộ Tư lệnh Không quân đồng ý. Chỉ 2 phút sau, biên đội MiG-21 gồm Chiêu, Cốc được lệnh cất cánh từ sân bay Nội Bài làm nhiệm vụ chặn đánh địch từ xa. Sau khi cất cánh, biên đội được dẫn về hướng 250 độ Tây, bay trên độ cao thấp, sau đó tăng lực lên độ cao 6.000m, rồi vòng phải lên hướng Bắc, tiếp cận máy bay Mỹ ở góc vào 60 độ, đến cự ly 15km, trên độ cao có lợi.

Lúc 15g08, Nguyễn Nhật Chiêu báo cáo phát hiện mục tiêu, với đội hình 40 chiếc bao gồm cả F-4 và F-105 bay theo đường thẳng ở độ cao thấp hơn. Phán đoán đội hình F-4 chưa biết có MiG-21 bám theo, Nguyễn Nhật Chiêu lệnh vứt thùng dầu phụ vào công kích. Thấy thời cơ thuận lợi, Chiêu lệnh cho Nguyễn Văn Cốc sẵn sàng đánh theo phương án cả hai đồng thời công kích tạo thế bất ngờ, nâng cao hiệu quả chiến đấu.

Khi Chiêu định ép vào để bám theo tốp thứ 3 thì Cốc thông báo “phía sau hãy còn!”. Chiêu khẽ nghiêng cánh quan sát, phát hiện thêm 8 chiếc đang bay sau tốp thứ 3. Chiêu phân công Cốc công kích tốp cuối cùng, nhưng nhắc chưa tăng lực vội để không bị kéo khói, mất yếu tố bất ngờ.

Biên đội lao vào chiến đấu, bằng động tác nhanh chóng và chính xác. Phi công Nguyễn Nhật Chiêu tăng tốc độ, bám theo chiếc F-4. Khi đã đưa chiếc F-4 vào vòng ngắm ổn định ở cự ly 1.500-1.800m, tốc độ 1.100km/h, anh ấn nút phóng một quả tên R-3S, bắn rơi chiếc F-4 (tên lửa R-3S lúc đó mới nhận được về từ Liên Xô, rất tốt).

Chiếc F-4 bị phi công Chiêu bắn rơi ngay tại hẻm núi Thần Sấm cách Hà Nội 80km về phía Tây Bắc do Thiếu tá Charles Robert Tyler và Đại úy Ronald Nichalis Sittner thuộc Phi đoàn 555, Không quân 8TFW điều khiển. Thiếu tá Tyler nhảy dù và bị bắt, nhưng Đại úy Sittner đã bị chết.

Ngay lúc đó, Chiêu thấy một quả tên lửa bay vọt qua, lao vào chiếc F-4 khác phía trước. Đó chính là quả tên lửa của Cốc. Cốc từ vị trí yểm trợ thấy thời cơ thuận lợi, quan sát kĩ phía sau không có máy bay Mỹ, đã lao lên gần ngang hàng với máy bay của Chiêu, để bám theo chiếc F-4 bay bên phải.

Khi điểm ngắm đã ổn định, Cốc phóng tên lửa ở cự ly khoảng 1.000m, bắn rơi thêm chiếc F-4  thứ ba, chếch phía bên phải. Do phóng tên lửa quá gần, các mảnh vỡ máy bay Mỹ văng cả vào miệng hút động cơ khiến anh không thể tăng tốc tiếp. Về sau, khi hạ cánh, các thợ kĩ thuật đếm được 51 mảnh vỡ máy bay Mỹ nằm trong phần chóp nón động cơ.

Sau khi phóng tên lửa, Cốc lập tức phóng gấp thoát li. Thấy trước mắt bốc lửa, nhiều mảnh kim loại bay tung tóe, biết thoát ly quá gần, Cốc kéo lượn vòng chiến đấu lên độ cao 10.000m. Chiếc F-4 bị trúng tên lửa của Cốc do Đại úy Larry Edward Carigan và Trung úy nhất Charles Lane điều khiển. Đại úy Carigan nhảy dù và bị bắt ngay, nhưng Trung úy Lane được ghi nhận là đã chết trận.

Thực hiện đúng chiến thuật đánh nhanh rút nhanh, Trung đoàn trưởng Trần Mạnh lệnh biên đội thoát ly về sân bay Kép hạ cánh. Nghe báo cáo máy bay của Cốc bị thương, Chiêu quay lại để yểm trợ cho Cốc về hạ cánh. Trong khi vòng máy bay lại, Chiêu phát hiện đội hình máy bay Mỹ đang bay thẳng ngay trước mũi chiếc MiG của mình. Những chiếc F-4 đang bay phía trước vẫn chưa biết sự xuất hiện của MiG-21. Thấy thời cơ quá thuận lợi, và biết chắc Cốc không bị F-4 bám theo, Chiêu quyết định tăng tốc bay lên bám theo chiếc F-4 đang bay ngoài cùng, ở cự ly 1.500m. Và khi nghe âm lượng của tên lửa kêu tốt, anh ấy nút phóng quả tên lửa R-3S thứ hai. Chiếc F-4 trúng tên lửa, khựng lại, rồi bốc cháy. Lúc đó Chiêu không kịp quan sát điểm nổ. Nhưng nghe Cốc hô “Hoan hô, lại cháy rồi!”.

Đây là chiếc F-4 do Thiếu tá Robert Ralston Sawhill và Trung úy nhất Gerald Lee Gerndt điều khiển. Cả hai phi công nhảy dù và đều bị bắt. Lúc này các máy bay F-4 của Mỹ mới phát hiện MiG. Chiêu nhanh trí lao thẳng vào đám mây và thoát ly khỏi khu chiến. 

Giây phút sinh tử

Ghi theo lời kể của phi công Nguyễn Nhật Chiêu:

“Chiều ngày 23-8-1967, Phi đội 1, E-921 trực chiến 2 chiếc MiG-21 tại Nội Bài. Trong lúc tôi và Cốc đang mặc quần áo bay ngồi trực, nghe qua đài bài Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ do Tân Nhân hát, khi giọng ca Tân Nhân đang lên khúc cao nhất thì chuông điện thoại reo. Đầu bên kia là Trung đoàn trưởng Trần Mạnh, ông nói: “Hôm nay thời tiết tốt có lợi cho cả hai phía. Cậu nhắc anh em chuẩn bị tốt sẵn sàng cất cánh”. Được một lúc thì anh Mạnh lệnh vào cấp 1 và mở máy ngay.

Cuối trận không chiến này đã diễn ra một chuyện rất kì lạ, hiếm có trong lịch sử không chiến hiện đại. Đó là khi quay về hạ cánh, máy bay của Cốc bị thương, hỏng chóp nón. Khi đến ngang Vĩnh Yên, với vị trí đội trưởng, tôi không yên tâm, hỏi Cốc xem đang ở đâu. Cốc trả lời ngang Vĩnh Yên, tốc độ 600km/h.

Phi đội Quyết Thắng sau trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4-1975

Lúc đó, ngay đầu sân bay rất nhiều máy bay F-4 và F-105 của Mỹ đang bay để đón lõng, khi các máy bay MiG trở về đã gần cạn dầu sẽ lao vào công kích. Nhưng buổi chiều ngày 23-8-1967 điều kì lạ đã xảy ra, đến bây giờ vẫn chưa lí giải được. Lúc đó tình hình rất phức tạp. Trên bầu trời dày đặc máy bay Mỹ đang không chế sân bay. Trong khi MiG-21 của Cốc đã bị thương và gần cạn dầu, không thể tăng tốc để không chiến.

Cùng lúc đó, trên vòng ba gần sân bay, cả máy bay MiG-21 và các máy bay Mỹ bay rất gần nhau như chung 1 đội hình. Thậm chí nhìn thấy cả số hiệu trên đuôi và khuôn mặt các phi công Mỹ đội mũ bay trắng trong buồng lái. Mọi người dưới sân bay đều nín thở.

Phi công Nguyễn Văn Cốc sẵn sàng cho trận không chiến không cân sức. Nhưng không hiểu sao, như có một phép lạ. Sau vài vòng lượn, các máy bay F-4 và F-105 bỏ quay ra, không bên nào tấn công bên nào. Điều gì đã xảy ra vậy? Phải chăng các phi công Mỹ sợ MiG gài bẫy, hay các phi công Mỹ đã biết đây là phi công Ace tương lai của Việt Nam – người giữ kỉ lục dùng MiG-21 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất trong chiến tranh hiện đại – nên e ngại?

Đây được coi là một chuyện lạ có thật xảy ra vào ngày 2-8-1967 trên bầu trời sân bay Nội Bài”.

Ace là danh hiệu ghi nhận cho phi công ưu tú. Đa số các quốc gia quy định phi công bắn hạ 05 máy bay đối phương sẽ được công nhận là Ace. Trong chiến tranh trên không ở Việt Nam, ta có 16 phi công Ace. Phi công Ace Nguyễn Văn Cốc giữ kỉ lục bắn rơi tổng cổng 11 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.