Những thầy thuốc Công an Hà Nội chữa bệnh xuyên quốc gia

ANTD.VN - “Chữa bệnh cho người Việt đã khó, nhưng chữa cho những người “không phải người Việt” thì khó gấp đôi” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội vắn tắt như vậy khi kể về những chuyến đi sang tận Thủ đô Viêng Chăn khám khám chữa bệnh cho cán bộ chiến sỹ công an nước CHDCND Lào. Tôi bám theo một chuyến công tác như vậy của ông và chứng kiến những câu chuyện xúc động đến rưng rưng.

Thắt chặt tình hữu nghị

Thực ra không phải đến bây giờ Bệnh viện CATP Hà Nội mới thực hiện những chuyến “viễn chinh” sang nước bạn để làm công tác khám chữa bệnh cho các đồng nghiệp. Từ nhiều năm trước, đã có nhiều chiến sỹ mặc áo blu trắng liên tục có các chuyến đi mang theo quà, thiết bị y tế, thuốc thang... trực tiếp sang thăm khám cho những chiến sỹ Công an Lào. Không hẳn vì nước bạn không có đội ngũ y tế mà nói vui theo cách của Thượng tá Hùng thì: “Dù sao y tế của mình cũng có phần nhỉnh hơn, và đặc biệt là tâm lý của bạn cũng giống người Việt Nam, đó là “đồ ngoại” bao giờ cũng tốt”.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội khám bệnh cho chiến sỹ Công an Lào

Có lẽ những lời tếu táo của bác sỹ Hùng là sự thực bởi ngay khi đón đoàn công tác của Bệnh viện CATP Hà Nội tại trụ sở, Thượng tá Khamkat Cumman - Phó Giám đốc Công an Viêng Chăn đã khẳng định ngay: “Đây là sự giúp đỡ vô cũng quý báu của Công an Hà Nội dành cho chúng tôi. Đó cũng không phải là sự khéo léo theo kiểu ngoại giao mà hành động này đã được duy trì trong nhiều năm trời. Tôi nghĩ đó là sự chân tình, thủy chung mà chỉ những người bạn thực sự mới đối xử như vậy. Cách đây 4 năm, Công an Hà Nội cũng đã cử một đoàn y bác sỹ đến khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ của Công an Viêng Chăn. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng nhưng các bạn đã làm rất tốt phần việc chuyên môn của mình mà nhờ đó nhiều chiến sỹ của tôi đã chữa được bệnh, phục hồi sức khỏe. Đối với tôi, đó là một kỷ niệm khó quên và là minh chứng rõ ràng nhất cho một mối quan hệ ruột thịt về tình đồng chí, đồng đội keo sơn, bền chặt”.

Đến Viêng Chăn buổi sáng thì ngay buổi chiều, toàn bộ khu hội trường của CATP Viêng Chăn đã được trưng dụng để biến thành một bệnh viện dã chiến với đầy đủ các khoa phòng chuyên môn. Những người lính trẻ trong bộ sắc phục màu cỏ úa tíu tít giúp các y bác sỹ Việt Nam vận chuyển, máy móc, trang thiết bị y tế xuống lắp đặt.

Ở bên ngoài là hàng trăm chiến sỹ Công an Lào thứ tự chờ xếp hàng đến lượt vào khám. Có cảm giác như các chiến sỹ nước bạn đã chuẩn bị cho những việc này từ rất lâu và chỉ chờ đúng thời điểm là... nhập cuộc.

Mong hội ngộ với những người anh em

Trước lúc vào ngồi vào khám bệnh, Trung tá Khampeiw Vatthanaphone - Trưởng phòng Cảnh sát cơ động (Công an Viêng Chăn) có một hành động khá lạ lùng. Ông đi đến từng bàn khám chuyên khoa vốn được các bác sỹ của Bệnh viện CATP Hà Nội ngăn cách với nhau bằng những bức bình phong theo kiểu bệnh viện dã chiến. Tới bàn nào ông cũng chỉ ngó đầu vào quan sát các bác sỹ rồi thở dài đi tiếp sang bàn khác. Lý giải cho hành động lạ lùng này với bác sỹ Hùng, Khampeiw bảo: “Đồng chí biết đã bao lâu tôi chưa quay lại Việt Nam không?”. Nói rồi ông giơ lên 3 ngón tay: “Hơn 30 năm rồi đấy. Tôi muốn đi tìm xem trong số các đồng chí, có ai là bạn học cũ của tôi ngày xưa không”.

Các bác sỹ Bệnh viên CATP Hà Nội điều trị cho các chiến sỹ Công an Thủ đô Viêng Chăn

Trung tá Khampeiw nói tiếng Việt khá tốt, ông từng tốt nghiệp Trường C500 (Học viện ANND ngày nay) khóa 1978-1984 từ ngày trường còn đóng ở Tân Yên - Bắc Giang, và có khá nhiều bạn.

“Hồi đó còn khó khăn lắm, chúng tôi chia nhau từng điều thuốc đến cái bàn chải đánh răng. Là lưu học sinh Lào xa quê, nên thường xuyên thiếu thốn, tôi được bạn bè người Việt chia sẻ rất nhiều. Nhất là khi ốm đau không có ai bên cạnh, chính những người bạn Việt Nam hồi đó đã tận tâm chăm sóc tôi từng viên thuốc, bát cháo mỗi khi lên cơn sốt. Tình cảm đó đã theo tôi tới tận bây giờ. Sau này khi về nước, do điều kiện khó khăn hoặc do yêu cầu thuyên chuyển nhiệm vụ nên những người bạn cũ ấy cũng mất liên lạc với tôi. Nhưng trong trái tim tôi lúc nào cũng nhớ về những tháng ngày tuổi trẻ đầy ân tình khi đó” - Trung tá Khampeiw nói.

Cũng hoài niệm về những tháng ngày học tập ở Việt Nam, Thiếu tá Sengvan Thammasit - Phó trưởng Công an huyện Xaysettha lại nhớ da diết những con phố Hà Nội. Ông bảo: “Mình từng học ở Học viện ANND và tốt nghiệp năm 1996. Mình có thể kể tất cả những quán cơm bụi sinh viên trong chợ Phùng Khoang mà mình đã từng ăn. Nhớ những chuyến xe buýt chật ních sinh viên mỗi khi bọn mình lên Bờ Hồ chơi vào Chủ nhật. Lâu lắm rồi không được sang thăm Việt Nam, có lẽ bây giờ Hà Nội khác hồi mình còn đi học nhiều lắm”.

Lẽ ra hôm nay Thiếu tá Sengvan phải đi họp, nhưng nghe nói có đoàn bác sỹ của Công an Hà Nội sang tận nơi thăm khám cho cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô Viêng Chăn nên anh nhờ đồng nghiệp họp thay: “Mình đến khám bệnh là phụ, đến gặp các bạn là chính. Dẫu trong đoàn công tác này không có ai là bạn cũ thì mình cũng có điều kiện được nói tiếng Việt với những đồng nghiệp thân thiết. Có điều kiện ôn lại quãng thời gian thuở thanh niên”. Rồi ông nháy mắt vẻ hóm hỉnh: “Chỉ thế thôi là đủ, chứ nhìn mình khỏe như thế này, chẳng có bệnh gì đâu. Các bác sỹ có điều trị được bệnh nhớ bạn cũ, nhớ Hà Nội không?”.

Ngoài những ca khám bệnh thông thường thì năm ngày ở Viêng Chăn là năm ngày các y bác sỹ của Bệnh viện CATP Hà Nội phải “chữa” cho khá đông bệnh nhân như Trung tá Khampeiw, như Thiếu tá Sengvan. Chuyến công tác tưởng chừng sẽ rất nặng nề bởi khối lượng bệnh nhân quá lớn bỗng trở nên nhẹ đi rất nhiều.