Những nguyện vọng chính đáng cần được giải đáp
(ANTĐ) - Hơn 2.500 câu hỏi xung quanh các vấn đề về giáo dục đã được gửi đến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong buổi giao lưu trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 31-8 với chủ đề “Giáo dục-Đào tạo Việt Nam trước thềm năm học mới”. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đây là những nguyện vọng chính đáng cần được giải đáp thấu đáo.
Đổi mới phương pháp dạy và học là một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục |
Kinh nghiệm từ Bộ trưởng tiền nhiệm
Một trong số những câu hỏi sớm nhất và được Phó Thủ tướng nhận xét là câu hỏi khó là ý kiến của ông Trịnh Quang Vinh, cựu giảng viên ĐH đặt vấn đề về việc các vị Bộ trưởng tiền nhiệm đều có những chương trình dự án đổi mới, cải cách giáo dục. Vậy Bộ trưởng đã có những đánh giá sâu sắc về sự thành bại của họ trong quá khứ để xây dựng các dự án hiện nay không?
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong quá trình xây dựng chiến lược giáo dục từ năm 2007, Bộ cũng đã phân tích mặt được và những mặt chưa được của ngành giáo dục và rút ra một số bài học muốn chuyển biến ngành giáo dục cũng như các lĩnh vực công tác nói chung thì phải nghiên cứu nó chịu sự chi phối của quy luật nào? Ví dụ đầu tiên là quy luật quản lý hệ thống. Nếu đúng quy luật, nó tự phát triển, nếu không đúng thì tự nó không phát triển được.
Tiếp tục quan tâm tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, ông Nguyễn Văn Nam - Giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự đặt câu hỏi về khâu nào được coi là then chốt mang tính chất quyết định để nhanh chóng đạt được kết quả tốt nhất. “Đổi mới quản lý Nhà nước chính là khâu đột phá trong đó bên cạnh giải pháp lâu dài, cần chọn giải pháp trước mắt cho từng thời kỳ” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Cần phân cấp Bộ GD-ĐT làm gì, các Sở GD-ĐT làm gì, các trường làm gì? Bên cạnh đó Bộ cũng đang huy động sự tham gia giám sát của học sinh, phụ huynh và đặc biệt là của xã hội vào việc quản lý chất lượng giáo dục. Trên cơ sở đó, sẽ triển khai các biện pháp khác. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cần chuẩn hóa công tác quản lý. Chính sự hạn chế, yếu kém trong quản lý là khâu tắc nghẽn nặng nề nhất trong việc nâng cao chất lượng giáo dục”.
Vướng mắc về các khoản thu, đầu ra sau tốt nghiệp, chế độ giáo viên
Đại diện một phụ huynh học sinh tiểu học đặt câu hỏi Phó TT có chính sách gì chấn chỉnh ngay tình trạng lạm thu tiền của các trường tiểu học dưới danh nghĩa Hội Phụ huynh học sinh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đã có quy định trong Quy chế của Ban đại diện cha mẹ học sinh là Hội Cha mẹ học sinh hoạt động trên cơ sở nguyên tắc đồng thuận, ai không thuận thì không phải làm, chứ không bắt buộc và cũng quy định trách nhiệm của các nhà trường là nếu như Hội Phụ huynh có huy động thì nhà trường phải có trách nhiệm tham gia quản lý nguồn tiền này cho có hiệu quả, tránh lãng phí và phải thanh toán công khai với Hội Phụ huynh học sinh.
Đặt vấn đề về tiêu cực trong quá trình xin việc, một độc giả hỏi: “2 anh em tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội, sau khi ra trường tưởng xin việc đơn giản vì 2 ngành này Nhà nước luôn cần, nhưng qua tìm hiểu xin vào đâu cũng phải mất một khoản tiền khá lớn. Xin Bộ trưởng cho cháu một lời giải thích và chỉ cho chúng cháu một con đường?”.
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Xuân Mậu - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết, vấn đề tuyển thay mới hàng năm vẫn tiếp tục, đối với Cục Nhà giáo, là đơn vị quản lý chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, chúng tôi xin phép là cầu nối, nếu các bạn sinh viên sư phạm tốt nghiệp gặp khó khăn về việc làm, gia đình khó khăn… có thể liên hệ với Cục, thông qua các kênh liên lạc quản lý sẽ giới thiệu cho các bạn tới làm việc trực tiếp ở các địa phương có nhu cầu.
Phó Thủ tướng cũng phân tích, hiện tượng giáo viên khó tìm được việc làm cho thấy ngành giáo dục chưa có dự báo đầy đủ về nhu cầu giáo viên các cấp. Các trường sư phạm vẫn đào tạo theo khả năng, chưa theo nhu cầu của xã hội. Từ năm học này, ngành giáo dục có chủ trương trong 3 năm tới, các sở giáo dục phải quy hoạch lại nhu cầu giáo viên, tiến hành đào tạo theo đặt hàng cho các trường ĐH, CĐ.
Trả lời thắc mắc về thời điểm thực thi Đề án cải cách lương cho giáo viên và cán bộ QLGD, Phó Thủ tướng cho biết, 2011-2015, sẽ thực hiện phụ cấp nhà giáo, tăng thu nhập của giáo viên đồng thời tăng thêm sự gắn bó của giáo viên với ngành. Còn đối với cán bộ quản lý thì Quốc hội đã thông qua một chính sách đặc biệt là nếu thầy cô giáo dạy giỏi chuyển sang làm cán bộ quản lý ở Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục thì sẽ được giữ phụ cấp giảng dạy trong vòng 3 năm.
Vinh Hương (Ghi)