70 năm truyền thống lực lượng thông tin liên lạc CAND:

Những người lính lặng thầm lập công: Nhớ tháng ngày gian khó

ANTĐ - Kể từ khi thành lập đến nay, lính thông tin liên lạc của Công an Hà Nội cứ lặng lẽ đóng góp sức lực vào các chiến công của toàn lực lượng. Cần cù, tỉ mẩn, sáng tạo, họ làm công việc đảm bảo mọi mệnh lệnh thông tin từ trên xuống dưới luôn luôn bí mật và thông suốt.

Không “nổi tiếng” như lính hình sự, ma túy, điều tra với những chiến công vang dội trong trấn áp tội phạm, cũng chẳng hào hoa như những chàng CSGT; kể từ khi thành lập đến nay, lính thông tin liên lạc của Công an Hà Nội cứ lặng lẽ đóng góp sức lực vào các chiến công của toàn lực lượng. Cần cù, tỉ mẩn, sáng tạo, họ làm công việc đảm bảo mọi mệnh lệnh thông tin từ trên xuống dưới luôn luôn bí mật và thông suốt.

Để hiểu thêm về truyền thống 70 năm lực lượng Thông tin liên lạc CAND, chúng tôi tìm gặp Thượng tá Thiệu Kim Lương - vị trưởng phòng Thông tin liên lạc đầu tiên của Công an Hà Nội. Thượng tá Lương năm nay đã 87 tuổi, mắt ông đã mờ, chân đã chậm nhưng biết có khách đến hỏi chuyện về những tháng ngày mới thành lập “binh chủng” của mình, ông hồ hởi kể như quên bẵng những căn bệnh tuổi già đang hành hạ.

Những người lính lặng thầm lập công: Nhớ tháng ngày gian khó ảnh 1Các "chiến lợi phẩm" thu được của địch từ thời chiến tranh là phương tiện chủ yếu của lực lượng Thông tin liên lạc CATP những ngày đầu thành lập

Chưa quên những chiếc máy cũ kỹ, sứt mẻ 

Thượng tá Thiệu Kim Lương sôi nổi nhớ lại: “Trước năm 1954, toàn lực lượng Công an chỉ có 1 tổng đài điện thoại gọi là Tổng đài từ thạch 49 số đặt tại Hà Nội và 1 tổng đài loại nhỏ đặt tại Hải Phòng, nhưng chưa được tổ chức thành hệ thống riêng. Phương thức liên lạc thời kì này chủ yếu vẫn sử dụng kiểu “giao thông liên lạc”, nghĩa là lính thông tin chúng tôi phải truyền đạt mệnh lệnh bằng… miệng và phải chạy bộ (hoặc di chuyển bằng xe đạp) từ nơi này sang nơi khác. Gian khổ lắm! Tới đầu năm 1954, lực lượng Công an mới thành lập hệ thống thông tin liên lạc riêng. Từ đó, các đài thông tin vô tuyến điện được tổ chức sắp xếp lại, các tổng đài đầu tiên tại cơ quan Bộ và một số đơn vị được xây dựng”.

Thời điểm ấy, tại Sở Công an Hà Nội, lực lượng Thông tin liên lạc chưa được biên chế thành một đơn vị cụ thể mà lồng ghép với tổ chức biên chế của Văn phòng tổng hợp thuộc Sở. Mặc dù vậy, lực lượng Thông tin liên lạc Công an Hà Nội vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo thông tin thông suốt, an toàn, giúp Ban giám đốc Sở lãnh đạo, chỉ đạo thành công trong việc ngăn chặn, bắt giữ hàng trăm vụ án đổi tiền trái phép, chuyển tiền Đông Dương và tiền Liên bang xuống Hải Phòng, Quảng Ninh để tiêu thụ vào năm 1954.

Sau này, khi được trang bị thêm một số phương tiện kỹ thuật lực lượng thông tin, liên lạc khai thác có hiệu quả, giúp lãnh đạo Công an Hà Nội kịp thời chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ phá thành công nhiều vụ án lớn. Tiêu biểu là vụ bắt đối tượng Trần Đình Hạnh, 28 tuổi, trú tại phố Hàng Bột về tội phản tuyên truyền chống lại chính quyền nhân dân (ngày 15-3-1961); vụ bắt và đưa ra xét xử các đối tượng: Trịnh Thị Thanh, Trịnh Tiến Phú, Bùi Thị Vân về tội hoạt động gián điệp (ngày 26-4-1961); vụ bắt đối tượng Trịnh Quang Tường về tội hoạt động phản cách mạng (ngày 30-6-1961)…

Thượng tá Lương về nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Thông tin liên lạc từ năm 1981, thời điểm lực lượng này tách khỏi Văn phòng tổng hợp của Công an Hà Nội để đảm nhiệm khối lượng công việc ở mức độ cao hơn, nhiệm vụ nặng nề hơn. Lúc đó, ông cùng cấp phó của mình là Thượng tá Phạm Thượng Hiền bắt tay vào xây dựng đơn vị từ cơ sở vật chất gần như chẳng có gì.

Thượng tá Hiền bảo: “Sở dĩ nói rằng chúng tôi bắt đầu với hai bàn tay trắng, là bởi vì lúc ấy đất nước mới ra khỏi chiến tranh chưa được bao lâu, điều kiện kỹ thuật, phương tiện còn cực kỳ hạn chế. Hầu hết trang thiết bị của anh em dùng để phục vụ công tác thông tin liên lạc cho Công an Hà Nội chủ yếu là chiến lợi phẩm thu được của địch trong kháng chiến chống Mỹ.

Những chiếc máy cũ kỹ đã sứt mẻ trong chiến đấu nay được trang bị lại cho công tác. Tôi còn nhớ, sau một thời gian sử dụng, phương tiện hỏng hóc rất nhiều mà không có nguồn linh kiện thay thế. Anh em phải xoay trần suốt ngày đêm, tháo lắp từng viên pin nhỏ như cúc áo để dồn từ cục pin hỏng thành cục pin tốt. Hàn từng mối hàn nhỏ để biến những chiếc máy hỏng thành chiếc máy tốt phục vụ công tác. Ấy thế mà trong suốt chừng ấy năm, mọi nhiệm vụ được cấp trên giao đều vẫn hoàn thành”.

Những người lính lặng thầm lập công: Nhớ tháng ngày gian khó ảnh 2Hai đối tượng tử tù Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam bị bắt lại có sự góp công không nhỏ của chiến sĩ thông tin liên lạc (Ảnh chụp lại từ hồ sơ lưu trữ của Công an TP Hà Nội)

Cuộc truy lùng tên tử tù nguy hiểm

Trong suốt những tháng năm công tác, có một câu chuyện mà Thượng tá Hiền đến bây giờ vẫn nhớ như in; đó là việc đơn vị của ông tham gia truy bắt đối tượng Thân “rau muống” - một tử tù trốn trại Hỏa Lò trong suốt 17 ngày của tháng 10-2001. Vụ án ấy, đích thân ông cử đồng chí Phạm Ngọc Cơ - khi đó là Đội trưởng Đội Thông tin vô tuyến điện tham gia nhiệm vụ đảm bảo thông tin cho lực lượng truy bắt.

Thượng tá Cơ dù về hưu đã lâu, nhưng câu chuyện của mình thì ông vẫn nhớ như in. Ông bảo: “Vụ đó đình đám lắm. Thân “rau muống” cùng Nam “cu chính” là hai đối tượng đã giết nhiều người và bị biệt giam tại K3 Hỏa Lò với án tử hình. Cả 2 đã dùng chính những chiếc bánh xe bật lửa ghép lại để cưa cùm trốn thoát. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ đã vào cuộc truy lùng, cuối cùng Nam sa lưới, còn Thân thì trốn được đến bãi ngô Trường Sinh. Mặc dù sau đó lực lượng truy bắt đã khoanh vùng được đối tượng, nhưng nơi đây rộng mênh mông, hàng trăm hecta ngút ngàn cây ngô và dâu, tiếp giáp với xã Trung Châu, Thọ Xuân của huyện Đan Phượng và một phần của huyện Mê Linh. Vì thế, việc bắt Thân là rất khó. Đối tượng lĩnh sẵn án tử hình nên sẽ quyết chống trả đến cùng, ban chuyên án cũng không loại trừ khả năng Thân mang vũ khí. Do đó việc bắt Thân mà đảm bảo không có đổ máu là yêu cầu tối thượng được đặt ra”.

Một đề xuất lúc đó được đưa ra, đó là thay vì tổ chức lực lượng lớn để  truy lùng công khai tên tội phạm nguy hiểm ở khu vực bãi ngô rộng mênh mông này, trinh sát sẽ hóa trang thành người dân đi làm đồng. Khu vực bãi ngô cũng sẽ được chia thành nhiều ô vuông, mỗi nhóm trinh sát sẽ chịu trách nhiệm 1 ô. Nhóm nào phát hiện dấu vết đối tượng thì sẽ báo về sở chỉ huy rồi huy động lực lượng bủa vây khu vực đó. Cách làm này vừa đảm bảo bí mật, vừa nhanh gọn tránh bị đối tượng nghi ngờ, phát hiện.

Thượng tá Cơ nhớ lại: “Yêu cầu lúc đó là trang bị bộ đàm thế nào để đảm bảo cho anh em không bị lộ nếu bất ngờ gặp Thân? Chúng tôi yêu cầu trinh sát thay vì thông báo bằng giọng nói, anh em chỉ cần bóp nút phát sóng theo tín hiệu đã định. Nhận được thông tin, ban chỉ huy sẽ phối hợp hỗ trợ hành động ngay. Chúng tôi phải chạy khắp các đơn vị gom toàn bộ số máy móc đã trang cấp chỉ để phục vụ nhiệm vụ này. Gắn máy lên người trinh sát và hóa trang xong, tôi ngồi ở nhà căng mắt trực tín hiệu báo về từ các nhóm. Cuối cùng thì cũng có một tín hiệu lóe lên với 3 tiếng tút… tút… tút… Ngay lập tức, Ban chỉ huy điều động chiến sỹ ập tới và Thân “rau muống” - tên tội phạm nguy hiểm, lập tức bị tóm gọn”.

Còn tiếp


Bài 2: Chuyện về chuyên gia phần mềm đầu tiên của Công an Hà Nội