Những người giữ bình yên trên các cung đường "nóng"

ANTD.VN - Đối diện với tôi là Trung tá Nguyễn Đức Thịnh - người đàn ông có đôi mắt sáng trên khuôn mặt đôn hậu. Với vóc dáng cân đối, khỏe khoắn, trông anh càng rắn rỏi khi khoác trên mình bộ sắc phục công an nhân dân.          

Trung tá Nguyễn Đức Thịnh nguyên Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông (CSGT) số 14, đang nghỉ dưỡng thương vì bị đối tượng đi xe máy vi phạm giao thông đã tông thẳng vào người khi anh yêu cầu dừng lại. Sau cú tông xe đầy chủ ý, Trung tá Nguyễn Đức Thịnh đã bị vỡ đầu gối. Dẫu được điều trị tích cực nhưng anh vẫn không thể đi lại một cách bình thường được.   

Những người giữ bình yên trên các cung đường "nóng" ảnh 1Đồng đội thăm hỏi, tặng quà động viên Trung tá Phạm Văn Tuyến

Vừa pha trà mời khách, Trung tá Nguyễn Đức Thịnh vừa quay sang nói: “Xin giới thiệu đây là Trung tá Phạm Văn Tuyến, đồng đội, hiện là Phó đội trưởng Đội CSGT số 14. Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 5 năm liền…”.  

Tôi thấy Trung tá Phạm Văn Tuyến chỉ im lặng trước những lời giới thiệu nồng hậu của đồng đội. Sau đó, với giọng nói trầm ấm còn phảng phất thổ âm miền quê Hưng Yên, Trung tá Phạm Văn Tuyến tâm sự: “Tôi đã công tác trong lực lượng Công an hơn 38 năm, trong đó 26 năm làm CSGT thuộc CATP Hà Nội, liên tục 20 năm giữ an toàn giao thông trên các tuyến đường mà cấp trên đã giao trách nhiệm”. Tôi tự ngẫm, sau 38 năm học tập, rèn luyện, phấn đấu, anh luôn giữ cốt cách và phẩm chất của người chiến sĩ CAND, nên từ người chiến sĩ, Phạm Văn Tuyến đã từng bước được kinh qua nhiều địa bàn công tác, từ Phó đội trưởng Đội CSGT số 5 đến Phó đội trưởng Đội CSGT 2 và hiện nay là Phó đội trưởng Đội CSGT số 14. 

Nói không với tiêu cực

Trung tá Phạm Văn Tuyến chia sẻ: “Đội CSGT 14 dưới sự chỉ huy của  Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội. Địa bàn Đội CSGT 14 quản lý là cửa ngõ phía Nam Thủ đô. Đây là tuyến giao thông Pháp Vân - Cầu Giẽ, nơi các phương tiện giao thông từ trung tâm Hà Nội đi về các tỉnh phía Nam và chiều ngược lại. Do lưu lượng giao thông dày đặc nên tại đây thường ùn tắc, nhất là vào dịp lễ Tết. Những ngày ấy tất cả CBCS phải ứng trực 100% quân số tại đơn vị. Thậm chí Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội còn điều động bổ sung thêm các lực lượng ở đội khác đến hỗ trợ”. 

Phụ trách tuyến phức tạp, có ngày các anh lập biên bản hàng trăm lái xe, nhưng vẫn có người vi phạm đến 3, 4 lần. Không ngại, tôi hỏi Trung tá Phạm Văn Tuyến: “Có hay không những đối tượng vi phạm Luật Giao thông cố tình hối lộ để “thoát”?”.

Không phải suy nghĩ lâu, anh bình thản trả lời: “Các vụ ấy ở địa bàn thuộc Đội CSGT 14 quản lý tuyệt nhiên không có. Cách đây chưa lâu, một xe tải chở hơn 2 tấn mỡ đã bốc mùi hôi thối vào Hà Nội tiêu thụ. Lái xe đưa tiền, năn nỉ xin, nhưng tôi kiên quyết mời Đội Cảnh sát Môi trường, CAQ Hoàng Mai và Trạm thú y quận Hoàng Mai đến xử lý ngay. Hay là vụ một chiếc xe tải chở băng đĩa lậu, lái xe cũng tỏ ý hối lộ, tôi đã kiên quyết xử phạt và bàn giao cho lực lượng Quản lý thị trường. Nếu kể ra những vụ việc tương tự thì nhiều lắm. Cán bộ chỉ huy và chiến sĩ Đội CSGT số 14  tuyệt đối không để những vụ việc tiêu cực ấy xảy ra”. 

Lao vào việc khó, đối mặt với hiểm nguy           

Cùng lúc, Trung tá Nguyễn Đức Thịnh Thịnh đã đưa tôi xem những tấm hình người dân chụp được về hành động giúp người bị nạn của Trung tá Phạm Văn Tuyến rồi kể: “Có lần nhặt được túi tiền giá trị không nhỏ, cậu ấy đã bảo anh em đem nộp cho Kho bạc Nhà nước!”. Lướt qua những tấm ảnh là hình ảnh Trung tá Phạm Văn Tuyến cứu người dẫn đến việc suýt bị tàu hỏa cán, hình ảnh anh cứu người tàn tật bị ngã xe lăn trên đường...

Thấy tôi dừng lại ở tấm hình anh bị thương, Trung tá Phạm Văn Tuyến từ tốn kể lại: “Đêm ấy, một tổ công tác của Đội CSGT 14 do tôi chỉ huy tại khu vực đầu đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bất chợt phát hiện một nam thanh niên vừa gào thét vừa ném gạch đá tới tấp vào người đi đường. Thấy biểu hiện bất thường, mấy chiến sĩ trẻ xin tiến về phía đối tượng, nhưng tôi không đồng ý, bởi đối tượng vẫn rất hung hãn manh động, nếu thấy lực lượng cảnh sát tới gần đối tượng sẽ manh động, có thể làm anh em khó tránh khỏi thương vong.

Hơn nữa tôi có kinh nghiệm không chế đối tượng nên anh em cứ lùi lại để mình tôi tiếp cận hắn. Nhưng vừa tới gần, tôi chưa kịp lên tiếng đối tượng đã cầm nửa viên gạch ném về phía tôi với một lực rất mạnh. “Lúc ấy nếu tôi không phản xạ nhanh, giơ cánh tay che mặt thì không biết hậu họa sẽ ra sao nữa”. 

Đặt tấm ảnh xuống bàn, tôi hỏi: “Sau đấy sự việc xảy ra thế nào?”. Vừa giơ cánh tay bị thương anh vừa nói: “Anh em đưa tôi vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu, kết quả cánh tay đòn bị gẫy phải mổ ngay trong đêm. Đồng thời chỉ huy Đội yêu cầu nhanh chóng truy tìm danh tính và địa chỉ nam thanh niên kia. Biết tội chống đối người thi hành công vụ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên người nhà đối tượng đã vào bệnh viện đặt vấn đề nhờ tôi gỡ tội cho con em họ. Tôi kiên quyết không nhận. Bởi nhận hối lộ sẽ không thể răn đe được những kẻ côn đồ khác…”.

Theo tôi được biết, trừ những CBCS CSGT đã hy sinh khi làm nhiệm vụ thì hiện có 128 CBCS vẫn đang khám thương theo chế độ định kỳ tại Bệnh viện CATP Hà Nội. Tôi thầm nghĩ, nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì những chiến sĩ CSGT đã dễ gì thắng nổi những tình huống hiểm nguy rình rập mà các anh đã và đang đối diện. Tạm biệt Trung tá  Phạm Văn Tuyến tôi càng thêm nể trọng những người mang sắc phục CAND. Họ là những người đang đêm ngày giữ bình yên cuộc sống quanh chúng ta. Tôi thầm cảm ơn họ!