Những lời biện hộ phi lý

ANTĐ - Phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore ngày 7-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngang nhiên tuyên bố trái ngược với lịch sử rằng, những hòn đảo trên Biển Đông thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời cổ xưa và Trung Quốc có trách nhiệm phải “giữ gìn chủ quyền và lợi ích biển của mình” (?). 

Ngay cả học giả Trung Quốc cũng không thể hiểu nổi dựa trên cơ sở nào mà Chính phủ của họ tuyên bố chủ quyền ở gần như toàn bộ Biển Đông với “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” phi lý. 

Giáo sư Thời Đoạn Hoằng, Đại học Nhân dân Trung Quốc từng cho rằng: "Toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc ư? Nếu nói vậy, thế giới sẽ không chấp nhận đâu". Ông Lý Lệnh Hoa, học giả nổi tiếng của Trung tâm hải dương Trung Quốc cũng nêu rõ: " “Đường 9 đoạn” trên Biển Đông là hư ảo. Tiền nhân của chúng ta đã vạch ra “đường 9 đoạn” mà không hề có kinh độ và vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý".

Không chỉ người Trung Quốc,  cả thế giới đều đã biết về sự phi lý của “đường lưỡi bò”. Thế nên, làm sai lệch lịch sử để biện minh cho tham vọng độc chiếm Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế. Trong công hàm Trung Quốc đệ trình lên Liên hợp quốc để thể hiện yêu sách về “đường lưỡi bò”, nước này cũng chỉ đưa ra khái niệm mập mờ, không có trong luật pháp quốc tế. 

Cũng tại Singapore cuối tuần qua, trước đông đảo học giả, nhà nghiên cứu Singapore và quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc hoan nghênh các quốc gia ngoài ASEAN có sự đóng góp tích cực đối với hòa bình và phát triển tại châu Á, đồng thời giải thích rằng, những hoạt động xây dựng của Bắc Kinh trên Biển Đông là nhằm mục đích hòa bình (!?).

Ông Tập nhấn mạnh, Trung Quốc đang tìm cách giải quyết những vấn đề tồn tại giữa họ và các nước đang “chiếm một số đảo” (dù những đảo này không thuộc chủ quyền của Trung Quốc) ở Biển Đông thông qua đối thoại hòa bình. Như vậy, không chỉ biện hộ phi lý về chủ quyền của các hòn đảo trên Biển Đông, tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc còn nhằm biện minh cho những hoạt động xây dựng trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông - thực chất là đơn phương xây đảo nhân tạo trái phép, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

 “Tôn trọng lẫn nhau” - từ được Chủ tịch Trung Quốc nói đến, chỉ ít giờ đồng hồ trước khi tới Singapore. Song, những tuyên bố ấy và hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông khác xa nhau. Nói như Giáo sư Trương Thử Quang, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thì nước này cần “tỏ cho thiên hạ thấy sự thành tín của mình”. Điều này Trung Quốc chưa làm được. 

Những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm ồ ạt bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, không tôn trọng hiện trạng, không tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS năm 1982, không thể được coi là “đối thoại hòa bình” - như cách diễn giải của ông Tập Cận Bình ở Singapore. “Tôn trọng lẫn nhau” - có nghĩa là các quốc gia bình đẳng về chủ quyền, theo luật pháp quốc tế. Các nước dù lớn hay nhỏ, kể cả Trung Quốc, đều phải tôn trọng những điều ước quốc tế đã ký kết, mà UNCLOS là một điển hình.

Đề xuất "giải quyết các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng lịch sử, đúng theo luật pháp quốc tế, thông qua các cuộc thảo luận và đàm phán" càng phải được các quốc gia có liên quan như Trung Quốc nghiêm chỉnh thực hiện.

Chủ quyền quốc gia, vấn đề đại sự, liên quan đến vận mệnh của một quốc gia, không bao giờ là chuyện nhỏ. Biển Đông, theo cách nhìn của Chủ tịch Trung Quốc đã được quốc tế hóa trong một bài nói chuyện trước đông đảo học giả ở Singapore. Nó cho thấy Trung Quốc cần làm đúng những gì đã tuyên bố về đối thoại hòa bình và an ninh hàng hải. Những gì Trung Quốc hành xử sẽ là phép thử đúng đắn nhất cho những cam kết mà nước này rao giảng về hòa bình và an ninh hàng hải.