- 70 năm hành trình "Tất thắng"
- 2.450 thanh niên lên đường nhập ngũ
- Người lính đầu tiên nã đạn xuống cứ điểm Him Lam
Ký ức “lính mũ sắt”
Ông Tứ cùng các cựu binh của Tiểu đoàn 7 đi tìm hài cốt đồng đội trên đỉnh Chư Tan Kra (ảnh chụp năm 2009 do nhân vật cung cấp)
Hà Nội Tháng 5-2019, UBND TP Hà Nội đề cử tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của thành phố, trong đó có ông Nguyễn Xuân Tứ, cựu binh kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Ông Tứ là người đã cùng các đồng đội trong Ban liên lạc Trung đoàn 209 của mình tự bỏ công sức, tiền bạc để nhiều lần quay lại chiến trường Tây Nguyên tìm hài cốt của những người bạn đã ngã xuống trong một trận đánh để đời ngày 26-3-1968.
Với chứng nhận thương binh 4/4, ông Tứ bây giờ không còn nhiều sức lực, nhưng những ký ức bi tráng về trận đánh hơn 40 năm trước thì vẫn nhớ như in. Ông bảo, phổi ông có vấn đề. Có lẽ là do những lần hứng bom, chịu pháo thời trai trẻ ngoài mặt trận bây giờ về già mới phát tác. Cứ trái gió trở trời hay ngửi mùi thuốc lá là ông không chịu được, cảm giác như lồng ngực có ai rút sạch oxy.
Tháng 3-1967, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Tứ quê gốc Dương Hà, Gia Lâm (Hà Nội) xung phong đi bộ đội. Sau thời gian huấn luyện ở Bắc Thái, ông được biên chế về Trung đoàn 209. Đây là một đơn vị gồm toàn lính gốc Hà Nội thuộc Sư đoàn 312. Sát Tết Mậu Thân 1968, đơn vị của ông nhận lệnh hành quân dã ngoại lên Yên Lạc (Hòa Bình). Lúc ấy, cả đại đội vẫn nghĩ đó là một chuyến hành quân dài ngày bình thường ở hậu tuyến nên dù phải mang theo tất cả trang bị, tâm lý mọi người vẫn khá thoải mái. Nhưng những ý nghĩ ấy mau chóng thay đổi khi đang dừng chân đón Tết, các tiểu đoàn bỗng được thay thế vũ khí mới toanh. “Còn nhớ là lúc đó chúng tôi được lệnh trả súng cũ nhận súng mới còn xanh ánh thép. Quân phục Tô Châu, giày cao cổ cũng được cấp phát mới toanh, thậm chí chúng tôi còn được trang bị toàn mũ sắt. Vào thời điểm quân ta vẫn chủ yếu dùng mũ cối thì việc được cấp mũ sắt là “oách” lắm. Danh từ “lính mũ sắt” mà sau này mọi người vẫn gọi bắt nguồn từ đấy” - ông Tứ nhớ lại.
Khi chiến dịch Mậu Thân nổ ra thì cũng là lúc Trung đoàn 209 nhận lệnh từ điểm dừng chân tiến thẳng vào miền Nam. Sau khoảng nửa tháng hành quân liên tục thì Tiểu đoàn 7 vào tới Tây Nguyên, đứng chân tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum thuộc Bộ Tư lệnh B3. Đây là địa bàn chiến lược có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chiến trường miền Nam Việt Nam cũng như Lào và Campuchia.
Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở mặt trận Bắc Kon Tum mới được xây dựng dưới chân đỉnh Chư Tan Kra
Trận đánh đầu tiên
Trên bản đồ tác chiến, danh từ Kleng là một căn cứ biệt kích, thám báo của địch. Tại đây cũng có một sân bay dã chiến dùng để tiếp vận, yểm trợ hỏa lực và bảo vệ phía Đông thị xã Kon Tum. Nhiệm vụ của Trung đoàn 209 được xác định là tấn công căn cứ này để làm bàn đạp cho các nhiệm vụ về sau. Tuy nhiên, trong quá trình ém quân vào sát Kleng, do công tác trinh sát bị lộ nên quân ta buộc phải rút ra nhằm tránh thương vong. Ngửi thấy mùi “Việt Cộng”, Mỹ lập tức “nhảy” ra chiếm lĩnh đỉnh 995 Chư Tan Kra với quân số khoảng 1 tiểu đoàn (còn gọi là căn cứ hỏa lực M2 nằm giữa Kleng và Tiểu đoàn 7) để thiết lập một chốt chặn kiên cố nhằm bảo vệ mục tiêu quan trọng này. Bên cạnh đó, địch cũng cho máy bay, pháo kích và các toán thám báo liên tục tấn công vào khu vực chúng nghi ngờ có sự trú quân của Tiểu đoàn 7.
Nằm ở đỉnh núi đối diện, những người lính như ông Tứ có thể nhìn rõ những chiếc “cần cẩu bay” CH47 cẩu lên đỉnh núi xe ủi, pháo, lô cốt đúc sẵn bằng bê tông để xây dựng cứ điểm. Cấp trên nhận định, nếu để cho địch thiết lập xong vị trí thì sẽ rất kiên cố và khó đánh, vì vậy Tiểu đoàn 7 cần giải quyết cái gai này càng sớm càng tốt. Vậy là Chư Tan Kra trở thành trận đánh đầu đời của những chàng trai Hà Nội vừa chân ướt chân ráo vào chiến trường.
Đêm 25, rạng sáng 26-3-1968, Tiểu đoàn 7 của ông Tứ đồng loạt nổ súng tấn công vào vị trí của địch. Các cỡ súng tiểu liên, cối, B40, B41 thay nhau nã đạn cùng tiếng thét xung phong vang dội. Địch choáng váng vì lần đầu tiên có một tiểu đoàn bộ binh đối phương dám “chơi ngang cơ” với một tiểu đoàn Mỹ trú phòng với đầy đủ công sự, hầm hào, hỏa lực mạnh cùng không quân yểm trợ. Bởi trên lý thuyết quân sự, khi đánh công kiên, lực lượng tấn công phải gấp từ 3 đến 5 lực lượng đồn trú thì mới có thể dành ưu thế. Tuy nhiên, dù đã bị đánh đến mức phải co cụm lại lô cốt cuối cùng trên đỉnh, nhưng sau đó quân Mỹ nhanh chóng được tiếp sức bởi pháo bầy, máy bay C130 Hỏa Long, B52, mình định hướng thổi ngược xuống chân núi và đến sáng thì có thêm trực thăng đổ quân tiếp viện. Trước tình hình này, Tiểu đoàn 7 buộc phải rút ra…
Đỉnh M2 - Chư Tan Kra sau khi quân Mỹ dùng pháo và bom phát quang “dọn dẹp” để xây dựng căn cứ hỏa lực (ảnh hồ sơ do cựu binh Mỹ cung cấp)
Nhiệm vụ cuối cùng
Trận đánh đêm ấy, hơn 200 người con của Hà Nội đã vĩnh viễn không trở về. Đổi lại, quân Mỹ cũng trả giá khi có hơn 200 lính thiệt mạng. Trận đánh này gây rúng động giới quân sự cũng như dư luận Mỹ bởi sau chiến dịch Tết Mậu Thân, rõ ràng Quân Giải phóng không hề kiệt quệ như chúng rêu rao mà vẫn rất mạnh và sẵn sàng đối đầu với quân Mỹ. Riêng với ông Tứ và những cựu binh Tiểu đoàn 7, các trận đánh tiếp theo lại cuốn họ đi cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, nhưng nỗi niềm canh cánh về những đồng đội nằm lại đỉnh Chư Tan Kra vẫn chưa bao giờ nguôi.
Ông Tứ bảo: “Chư Tan Kra theo tiếng đồng bào Tây Nguyên nghĩa là “ngọn núi chính giữa”. Đáng buồn là những bạn bè tôi nằm lại chính giữa Tây Nguyên suốt mấy chục năm thì lại không mấy ai hay”. Bắt đầu từ năm 2009, ông Tứ cùng 4 người lính của Đại đội hỏa lực (Đại đội 5) gồm Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc, Phạm Văn Vĩnh, Phạm Minh Ngọc đã tự bảo nhau cơm nắm muối vừng quay lại Chư Tan Kra. Sau nhiều lần trèo đèo lội suối tìm kiếm không có kết quả, cuối cùng nhờ một số bạn trẻ thông thạo Internet, các ông cũng tìm được mối liên hệ với các cựu binh Mỹ từng là đối thủ của mình. “Qua nhiều lần liên lạc, phía Mỹ cũng giúp chúng tôi trong việc tìm lại sơ đồ, các vị trí mà họ từng thiết lập trên Chư Tan Kra trong hồ sơ lưu trữ của quân đội Mỹ. Khi ấy, để thu dọn chiến trường, họ đã dùng xe ủi đào hố rồi chôn tất cả tử sỹ của chúng ta ở đó” - ông Tứ nói.
Các chuyến đi tìm đồng đội về sau, nhóm ông Tứ không chỉ còn 5 người mà có thêm rất nhiều sự góp mặt của các cựu binh khác thuộc Trung đoàn 209 và sự hỗ trợ của Ban chỉ huy quân sự địa phương cũng như của TP Hà Nội. Sau 2 năm miệt mài “ăn rừng ngủ núi” các cựu binh đã quy tập được hơn 100 hài cốt liệt sỹ, trong đó có hơn 80 hài cốt tìm thấy trên đỉnh Chư Tan Kra. Và ngày đánh trận mở màn 25-3-1968 được các cựu binh Trung đoàn 209 lấy làm ngày giỗ trận. Hàng năm, cứ vào dịp này, ông Tứ và những người lính năm xưa lại tìm về Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội ở mặt trận Bắc Kon Tum dưới chân ngọn “núi chính giữa” năm nào để rót một chén rượu và thắp hương cho những người ở lại.
Nỗi niềm duy nhất của ông Tứ và các cựu binh Trung đoàn 209 mà nay chân đã chậm, mắt đã mờ là cố gắng làm sao tìm cho đủ hài cốt của những anh em khác đã hy sinh. Với họ, đó chính là nhiệm vụ cuối cùng.
Sau 2 năm miệt mài “ăn rừng ngủ núi” các cựu binh đã quy tập được hơn 100 hài cốt liệt sỹ, trong đó có hơn 80 hài cốt tìm thấy trên đỉnh Chư Tan Kra. Và ngày đánh trận mở màn 25-31968 được các cựu binh Trung đoàn 209 lấy làm ngày giỗ trận. Hàng năm, cứ vào dịp này, ông Tứ và những người lính năm xưa lại tìm về Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội ở mặt trận Bắc Kon Tum dưới chân ngọn “núi chính giữa” năm nào để rót một chén rượu và thắp hương cho những người ở lại.