Những "hiệp sĩ" xe ôm thầm lặng

ANTĐ - Xe ôm là một nghề phổ biến. Họ làm việc cần mẫn bất kể thời tiết nắng mưa, bất kể ngày đêm, họ phơi thân ngoài đường, ăn gió nằm sương, tiếp xúc mọi hạng người và thuộc mọi cung đường như thổ địa. Cũng vì đặc thù công việc như vậy nên chuyện gì cánh xe ôm cũng biết, từ những chuyện hàng quán, phố xá đến cả chuyện quốc tế, thời sự. Nhưng khi thấy ở Phong Hiền (Phong Điền, TT.Huế) thành lập tổ xe ôm phòng chống tội phạm (PCTP) thì quả thực tôi cũng tò mò, muốn tìm hiểu xem họ chống tội phạm ra sao…

Ăn cơm nhà và những việc không tên

Dưới cái mưa như trút nước của những ngày ảnh hưởng hoàn lưu bão. Tôi vẫn nhác thấy mấy chiếc xe ôm đội mưa liệng xe đón khách khắp khu vực chợ An Lỗ (Phong Hiền, Phong Điền, TT.Huế). Theo chỉ dẫn của người dân, tôi tìm đến tổ trưởng tổ xe ôm PCTP, ông Nguyễn Đình Bông, quê ở xã Phong An (huyện Phong Điền, TT.Huế) năm nay dù đã bước vào tuổi 55 nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh lắm, dáng người chắc nịch, bước chân chậm rãi, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Giở cuốn sổ đen kẹp một xấp dày giấy má lộn xộn, ông lấy tờ quy chế hoạt động của tổ còn mới tinh ra đọc: “Tổ xe ôm PCTP gồm 14 thành viên, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ban Công an xã Phong Hiền, nhiệm vụ chủ yếu là phối hợp với công an xã tham gia giữ gìn an ninh trật tự khu vực xã Phong Hiền, mà trung tâm là khu vực ngã tư An Lỗ”. Ông cho biết công việc của mấy anh em trong tổ đều tự nguyện hết, không có lương lậu hay thu nhập gì. “Nói thành lập tổ xe ôm PCTP cho có cái danh để làm việc rứa thôi, chớ tụi tui đã làm công việc giữ gìn an ninh trật tự như ri được hơn 11 năm rồi, làm vì cái tâm mình muốn xã hội thật sự an bình thôi chứ mô cần công xá chi!” - ông Bông chia sẻ. 

Bà con trong huyện ai nấy đều biết tiếng tổ “hiệp sĩ” 14 người này, họ “đóng quân” ở chợ An Lỗ từ năm 2002, có người đến đây từ năm 1989. Ông Bông vốn là cựu chiến binh, đi chiến trường Campuchia từ năm 1979, sau về bảo vệ tổng đài Đông Dương ở Hà Nội, năm 1989 xuất ngũ trở về làm nghề xe ôm ở chợ An Lỗ từ bấy tới giờ, mấy anh em trong tổ cũng đều là dân ở hai huyện Phong Điền và Quảng Điền tập trung lại đây làm nghề cả, đến 2002 xã thành lập tổ xe ôm tự quản, cũng bắt đầu từ đó, mọi người trong tổ tự động làm nhiệm vụ giữ an ninh trong khu chợ này. “Mấy người  nhiệt tình lắm, ai nhờ chi cũng giúp, nhờ họ mà mấy năm nay mọi người yên tâm làm ăn, bà con ai cũng quý!”, chị Thoa một tiểu thương cho biết. Khi nghe tôi đùa rằng mấy ông làm việc nghĩa như vậy lẽ ra phải lấy tên “tổ xe ôm hiệp sĩ” mới phải, ông Bông xua tay cười: “Hiệp sĩ chi chú, tụi tui toàn xử mấy vụ thường thường thôi mà!”. Quả thực, khi nghe kể về những thành tích của tổ, có thể nhiều người sẽ thất vọng nếu muốn nghe những câu chuyện rượt đuổi, khống chế các đối tượng vi phạm ly kì như trong phim hành động. Nhưng những công việc nhỏ mà họ vẫn thực hiện hàng ngày đã góp phần rất lớn cho công tác đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn.

Hằng ngày, tổ bắt đầu làm việc từ 5 giờ sáng, đến tối phân công nhau trực tới nửa đêm, ngoài công việc chạy xe ôm, tổ luôn có người túc trực ở chợ để xử lý những vụ gây rối trật tự, hay đơn giản là hướng dẫn mọi người đi đường đúng luật, giữ nguyên hiện trường tai nạn giao thông, bắt trộm cướp, chuyên chở người bị nạn và nhiều việc không tên khác. Suốt hơn mười năm qua, nhờ có tổ xe ôm 14 người này, bà con trong khu chợ được yên ổn làm ăn, không sợ côn đồ tới gây rối, đập phá, xe bỏ ngoài chợ không lo trộm cắp, cũng nhờ có những người trong đội xe ôm trực đêm mà nhiều kẻ định đột nhập vào chợ ăn trộm đều bị bắt quả tang và giải về đồn công an. Ông Bông nói: “Ngày xưa cái chợ này lộn xộn lắm, côn đồ hay tới quấy rối, sách nhiễu bà con, bọn tôi thấy chướng quá mới ra dẹp, bắt được đối tượng là đưa lên đồn để các anh công an giải quyết nên giờ mấy thằng ăn trộm cũng không dám vãng lai tới nữa!”. Còn anh Đen, năm nay mới 35 tuổi, là người trẻ nhất trong đội nhưng cũng là người xông xáo nhất. Nghe tôi hỏi: “Anh có sợ bị trả thù không?”, anh cười khà khà: “Mình làm đúng, mình bảo vệ tính mạng và tài sản cho bà con thì ai dám làm gì mình chứ!”.

Những “hiệp sĩ” thầm lặng

Nói về đội xe ôm hiệp sỹ với những công việc thầm lặng này, ông Hoàng Ngọc Toàn, trưởng công an xã Phong Hiền, người chịu trách nhiệm trực tiếp làm việc và thường xuyên trò chuyện với tổ xe ôm PCTP nói: “Ngã tư An Lỗ có vị trí đặc biệt, là cửa ngõ phía Bắc của thành phố Huế, phía Đông thông về thị trấn Sịa, có chợ An Lỗ là trung tâm buôn bán của toàn huyện Phong Điền, đây là khu vực có diễn biến phức tạp, bọn tội phạm thường hay lui tới. Nhận thấy tổ xe ôm tự quản đã có nhiều thành tích tốt trong việc giữ gìn an ninh trật tự nên theo chỉ đạo của Công an huyện Phong Điền, xã đã thành lập tổ xe ôm PCTP, có nhiệm vụ trợ giúp công an giữ an ninh trong toàn xã. Thời gian qua họ đã làm rất tốt, các thành viên đều là những người nhiệt tình, thẳng thắn, nên giao họ phụ trách khu vực này chúng tôi rất yên tâm!”. 

14 anh em trong tổ đã đồng loạt kí đơn tự nguyện gia nhập vào tổ xe ôm PCTP. Mỗi người được cấp 2 áo đồng phục, loại sơ mi xanh dài tay, không lương, không phụ cấp. Từ ngày mặc trên mình chiếc áo đồng phục, tổ xe ôm vui hơn vì ban công an đã đánh giá cao công việc mà họ đã làm suốt bao năm qua. Nhìn vào chiếc áo đồng phục mới toanh mà mình đang mặc, ông Hào đội phó nói một cách tự hào: “Có tụi tôi ngồi đây, thằng ăn trộm lấy trộm cái ly uống nước thôi cũng sợ. Chúng tôi còn được học kĩ năng nhận biết tội phạm, con mắt tụi tôi có nghề hơn, ai đi xe tôi cũng để ý cái giỏ xách, phát hiện nghi vấn là tôi chở thẳng lên công an!”. 

Hiện tại, trong số 14 người làm công việc đặc biệt này thì đã có 9 người trên 50 tuổi, đặc biệt nhất là ông Lê Đình Xít, năm nay vừa tròn 65 tuổi, cháu nội cháu ngoại đề huề mà vẫn ham mê làm việc chung, con cái khuyên ở nhà nghỉ ngơi nhưng ông chẳng chịu ngồi không, bởi công việc chính là niềm vui của ông. Hầu hết gia cảnh các thành viên đều thuộc diện khó khăn. Hằng ngày, ngoài đi xe kiếm cơm, ông Bông còn tranh thủ khuân vác hàng hóa thuê, vợ thì bán trái cây ngoài chợ, cần kiệm nuôi ba đứa con ăn học. Anh Đen, người trẻ nhất trong đội cũng đang vất vả nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Dẫu biết công việc của mọi người là tự nguyện, đều bắt nguồn từ tinh thần hiệp nghĩa nhưng tôi vẫn thấy rất băn khoăn, bởi hầu hết các thành viên đều đã lớn tuổi, đều là trụ cột trong gia đình cả. Những lúc làm nhiệm vụ cũng rất nguy hiểm. Chẳng hạn như vụ trấn áp tên tội phạm buôn ma túy Phú “rê” ở Vũng Chùa năm trước. Theo chỉ đạo của công an tỉnh, mọi người trong tổ làm nhiệm vụ ở vòng ngoài, tuy chẳng ai bị thương nhưng làm sao đảm bảo được mọi chuyện sau này sẽ không có điều gì đáng tiếc. Trưởng công an xã Hoàng Ngọc Toàn nói: “Cuối năm này sẽ cấp mỗi người một thẻ bảo hiểm, kinh phí lấy từ quỹ an ninh quốc phòng của xã, riêng mỗi khi tổ lập được thành tích, xã sẽ báo cáo lên ban công an huyện thưởng nóng”. 

Theo anh Toàn, sắp tới huyện sẽ thành lập thêm một tổ xe ôm PCTP nữa ở Phong An. Quả thực ban công an đã rất nhạy bén khi thành lập mô hình này và sử dụng lực lượng xe ôm vào nhiệm vụ giữ an ninh trong khu vực, nhờ họ luôn túc trực ngoài đường suốt ngày, mạng lưới thông tin rộng, lại có sẵn xe máy bên cạnh nên khả năng linh hoạt rất cao, tuy nhiên rõ ràng là ngành chức năng cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo sự an toàn cho mỗi thành viên. 

Trước khi chia tay, tôi hỏi: “Tổ ông bây giờ làm việc cho Nhà nước mà không đòi hỏi chế độ gì à?” Tổ trưởng Nguyễn Đình Bông nói: “11 năm nay tụi tôi vẫn làm mà có đòi hỏi gì đâu”. Lời nói khẳng khái ấy khiến mọi người càng vững tin hơn, công việc họ làm hơn 10 năm qua họ coi đó chính là cuộc sống, là niềm vui cống hiến mà không mang trong mình ý niệm phải chờ ai đền đáp.