Những điều ít biết về "người lính" dẫn giải

ANTĐ - Lặng lẽ, bình dị và thậm chí dưới con mắt nhiều người, công việc dẫn giải can phạm, phạm nhân của những “người lính” công an còn khá tẻ nhạt. Nhưng khi tìm hiểu cặn kẽ công việc của các anh, chúng tôi mới cảm nhận được hết sự vất vả, khổ cực và đầy cam go mà mỗi CBCS thực thi nhiệm vụ luôn phải đối mặt.

Những điều ít biết về "người lính" dẫn giải ảnh 1Trung tá Phạm Hữu Vĩnh cùng đồng đội trong một lần dẫn giải bị cáo đặc biệt nguy hiểm đến tòa

Những con số “biết nói” 

Sau mấy lần nói lời “xin lỗi” vì công việc quá bận rộn thì cuối cùng chúng tôi cũng gặp được Trung tá Trần Trọng Thắng - Đội trưởng Đội CSBV số 1 - Trại Tạm giam số 1 (CATP Hà Nội) ngay tại “bản doanh”. Chiều chủ nhật, căn phòng làm việc của Trung tá Thắng cùng đồng đội thật đơn sơ, nhưng lại bộn bề công việc. Đơn giản bởi trước mắt chúng tôi toàn là bảng biểu công tác, lịch trực, kế hoạch đi tòa, gác viện, trích xuất, giao phạm… Mời khách chén trà đặc, Trung tá Thắng mở lời: “Ba ngày nay đã được về nhà đâu. Anh em đều tối mắt, tối mũi cả, mình cũng không thể lơ là”. Thì ra ngày cuối tuần, người chỉ huy này lại phải bước vào ca trực tại trại tạm giam. Trước khi gặp chúng tôi, anh vừa tranh thủ “đảo qua” một vòng Bệnh viện Hà Đông - nơi đang có hàng chục can phạm điều trị bệnh. 

Được hỏi về công việc của đơn vị, Trung tá Trần Trọng Thắng nhẩm tính, sơ sơ đã thấy 6 tháng cuối năm 2015, Đội CSBV của anh dẫn giải gần 3.000 bị cáo đến hơn 1.600 phiên tòa. Từ đó có thể thấy, chỉ với quân số khiêm tốn nhưng trung bình mỗi ngày các anh phải đảm đương sự an toàn tuyệt đối cho khoảng 15 can phạm đến tòa phục vụ công tác xét xử. Thực tế thì vào các tháng 9 và tháng 12 hàng năm, số bị cáo được dẫn giải tới tòa có khi lên đến vài chục mỗi ngày.

Mảng công việc thứ hai của đơn vị là quản lý phạm nhân khi đưa họ ra ngoài điều trị bệnh tật. Con số này thường hơn chục phạm nhân, song nỗi vất vả của CBCS là lúc nào cũng phải ứng trực 24/24h. Vì thế, chỉ huy đội buộc phải phân nhân lực và chia thành 5 ca khép kín. Đến đầu tháng 12-2015, Đội CSBV số 1 đã dẫn giải gần 400 lượt bị can, bị cáo khám ngoại viện, trong đó có hơn 300 trường hợp phải nằm lại điều trị dài ngày. Còn ở nhiệm vụ trích xuất can phạm từ khắp mọi miền Tổ quốc về Hà Nội phục vụ công tác xét xử, Trung tá Trần Trọng Thắng cùng các đồng đội đã đưa về đơn vị gần 100 trường hợp, đồng thời hoàn trả lại các địa phương hoặc trại cải tạo hơn 80 bị can, bị cáo. 

Sau cùng là mảng dẫn giải phạm nhân đến các trại cải tạo trên mọi miền đất nước, trong đó chủ yếu từ Quảng Ngãi trở ra. Từ đầu năm đến nay, Đội CSBV số 1 đã hoàn thành hàng chục chuyến đi xa với tổng số hơn 3.050 phạm nhân được giao nhận đầy đủ. 

Với những con số “biết nói” nêu trên, Đội trưởng Đội CSBV số 1 thổ lộ: “Đó thực sự là một chiến công của đơn vị, bởi lẽ tất cả đều được đảm bảo tuyệt đối an toàn về mọi mặt. Hơn nữa, trong khi số lượng con người rất thiếu thì không ít phương tiện, kỹ thuật của trại hiện đã ở vào tình trạng “tậm tịt”. Khối lượng công việc luôn ngập đầu như thế nên anh em trong đội có khi cả tuần không về qua nhà được một lát và thường xuyên bị vợ con giận hờn là chuyện bình thường”. Nói về những trăn trở, Trung tá Trần Trọng Thắng cho rằng công tác quản lý, dẫn giải phạm nhân còn chứa đựng vô vàn rủi ro, bất trắc. Đó là sự phơi nhiễm bệnh tật của CBCS; tội phạm có tính chất ổ nhóm, côn đồ, đặc biệt nguy hiểm ngày càng nhiều và nhiệm vụ trích xuất thì có thể phải đi bất cứ đâu. Trong khi ấy, đơn vị vẫn còn một số CBCS trẻ chưa qua đào tạo bài bản và thiếu kinh nghiệm trong công tác.   

Dẫn phạm chẳng kém gì... đánh án

Với Trung tá Phạm Hữu Vĩnh - một trong những “cây đa, cây đề” ở Đội CSBV số 1 và đồng đội, dẫn giải bị can, bị cáo lúc nào cũng phải “đóng đinh” trong đầu các mục tiêu là chống trốn; chống tự thương, tự sát và chống tấn công; chống thông cung và sau cùng là sự an toàn của CBCS. 

Theo “người lính” dẫn giải kỳ cựu này, mỗi nhiệm vụ đều chứa đựng những tình huống khó lường. Đơn cử như việc dẫn giải bị cáo đến tòa án, nếu xảy ra tình huống căng thẳng và cam go thì ngoài việc phối hợp chặt chẽ và kịp thời đề nghị chi viện từ các lực lượng khác, mỗi cán bộ chiến sỹ luôn phải chuẩn bị nhiều phương án tác chiến, nếu không nhiệm vụ đưa can phạm đến hầu tòa an toàn sẽ không thể hoàn thành.

Nếu bị cáo có suy nghĩ tiêu cực thì khi ra tòa, CBCS dẫn giải càng phải tỉnh táo, tinh tường và nhạy bén hơn. Chỉ một chút lơ là, bị cáo có thể dùng ngay vành móng ngựa hoặc bất cứ vật gì để tự thương hoặc thậm chí lao đầu từ trên cao xuống đất. Hay như đối với bị cáo thuộc dạng bất mãn, manh động thì những người ngồi trên bàn xét xử rất dễ trở thành mục tiêu tấn công. Tương tự, ở nhiệm vụ chống thông cung cũng thế, các bị can, bị cáo sẽ sử dụng mọi thủ đoạn từ ám hiệu, khẩu hình đến những mẩu giấy được giấu, nhét tinh vi. Trong khi ấy, phiên tòa lại là nơi dễ dàng thông cung nhất. “Do vậy, ngoài việc tuyệt đối tuân thủ quy trình, quy phạm dẫn giải thì mỗi CBCS đều phải tự trau dồi, học hỏi lẫn nhau” - Trung tá Vĩnh chia sẻ.

Trong câu chuyện về nghề nghiệp, Trung tá Phạm Hữu Vĩnh kể, mới đây anh cùng đồng đội nhận lệnh lên Tuyên Quang trích xuất một phạm nhân về trại để sau đó đưa ra Tòa án Hà Nội xét xử theo một tội mới. Mọi thứ đều diễn ra bình thường kể từ lúc các anh đưa phạm nhân lên xe. Thế nhưng khi chiếc xe “đặc chủng” vừa lăn bánh sang phần đất Thái Nguyên, “mục tiêu” của các anh bất ngờ kêu la dữ dội. Phạm nhân còn nôn thốc, nôn tháo. Trung tá Phạm Hữu Vĩnh bảo: “Ban đầu tớ cũng nghĩ phạm nhân bị đau ruột thừa hoặc ngộ độc thức ăn. Nhưng sau khi xem xét, hỏi han và bằng kinh nghiệm nhiều năm tớ nhận thấy đối tượng có dấu hiệu “làm trò”. Tuy nhiên, để “mục tiêu” phải “tâm phục, khẩu phục” và cũng để loại trừ mọi rủi ro, tớ buộc phải gọi điện xin ý kiến Ban Giám thị, mặt khác liên lạc ngay với trại cải tạo để nắm rõ tiền xử bệnh lý của anh ta”. 

Sau đó, Trung tá Vĩnh quyết định cho chiếc xe “đặc chủng” ghé vào một bệnh viện gần nhất. Trước khi can phạm được đưa vào phòng cấp cứu, anh cũng đã kịp liên hệ với công an địa phương để nắm bắt tình hình tại khu vực bệnh viện. Và sau hơn 2 giờ được bác sĩ thăm khám, “mục tiêu” dẫn giải của các anh đã “ngoan ngoãn” lên xe về “Hỏa Lò” với sức khỏe hoàn toàn bình thường. Về sau, Trung tá Vĩnh được biết, “ca bệnh” bất ngờ ở Thái Nguyên đóvẫn không hề có triệu chứng gì bất thường. “Đến giờ tớ cũng không dám khẳng định phạm nhân ở lần trích xuất ấy có mưu mô đào tẩu bất thành. Nhưng qua tìm hiểu, tớ biết phạm nhân đó cũng không phải “dạng vừa” - Trung tá Vĩnh khép lại tình huống bất ngờ của mình.