Những điểm yếu của giáo viên trước yêu cầu đổi mới

ANTĐ - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, với điều kiện hiện nay khi áp dụng chương trình, SKG mới thì 90-95% nhà trường đã đủ điều kiện để thực hiện. Tuy nhiên, lời khẳng định này lại khiến các nhà giáo, nhà quản lý lo ngại trước thực tế không đơn giản.
Những điểm yếu của giáo viên trước yêu cầu đổi mới ảnh 1

Học nhóm sẽ giúp học sinh tự tin hơn

Băn khoăn con số 90% 

Với con số  90-95% nhà trường đã đủ điều kiện để thực hiện chương trình, SGK mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giải thích thêm, điều kiện đi kèm là giáo viên phải bồi dưỡng thêm, nhà trường phải đổi mới quản lý, cơ sở vật chất phải được cải thiện... Ngoài ra, việc triển khai áp dụng chương trình và SGK mới phải thực hiện đồng loạt từ năm 2018, nhưng  với mỗi trường sẽ có một mức độ khác nhau.

Trước nhận định này, ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT quốc tế Wellspring cho rằng, để thực hiện theo chương trình mới sẽ “vướng” về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Hiện, giáo viên đào tạo theo phương pháp cũ, giờ đổi mới, phải đào tạo lại. “Theo tôi, ngay năm 2016, cần đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Sau khi đào tạo, có kiểm tra, đánh giá xem giáo viên nào đạt chuẩn, đủ điều kiện để thực hiện theo chương trình mới. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm phải đi trước một bước, đào tạo ngay giáo viên theo phương pháp mới”, ông Đặng Đình Đại cho biết.

Bộ GD-ĐT đánh giá, giáo viên phổ thông hiện nay đang dạy học theo phương pháp truyền thụ kiến thức lý thuyết một chiều cho học sinh dẫn đến học sinh ghi nhớ kiến thức thụ động, thiếu sáng tạo không biết vận dụng kiến thức vào thực tế. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT) đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu vì sự tiến bộ và phát triển năng lực học sinh.

100% đạt chuẩn nhưng vẫn cần được bồi dưỡng 

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ: “Điều tôi lo ngại nhất là việc tổ chức thực hiện như thế nào để đúng với tinh thần của chương trình. Đây là vấn đề Bộ GD-ĐT cần tính toán kỹ”. Trước đó, Bộ   GD-ĐT khẳng định, đội ngũ giáo viên phổ thông đã cơ bản đủ về số lượng, gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức nhà giáo tốt. Có thể giữ nguyên đội ngũ giáo viên hiện nay, tổ chức bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu thực hiện CTGDPT mới. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, riêng về đội ngũ giáo viên, nếu cứ nhìn vào bằng cấp giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn thì khó có thể đánh giá đúng khả năng tiếp nhận, thực thi chương trình mới. Giáo viên cần được tập huấn kỹ về phương pháp dạy học, đánh giá học sinh, phương pháp giáo dục.

Qua thực tế triển khai mô hình trường học mới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận kỹ thuật tổ chức nhóm của giáo viên   chưa tốt. Học nhóm cũng như họp nhóm không phải đơn giản là giao vấn đề rồi để học sinh giải quyết, kết luận. Học nhóm là cách học sinh tự nêu ra vấn đề, tự tìm hiểu, trong khi làm thì có thể trao đổi với nhau. Chưa ra vấn đề thì có thể tham khảo hướng dẫn của giáo viên. Học sinh cũng không nhất thiết phải đưa ra kết luận vào cuối buổi học. Các em chỉ cần được định hướng để tự hiểu, tự viết kết luận theo cách của mình. “Kỹ thuật tổ chức học nhóm của giáo viên còn yếu, cần hướng dẫn lại” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

“Bên cạnh đó, cán bộ quản lý cũng phải bồi dưỡng, phải có tầm nhìn, đặc biệt là phải thay đổi cách đánh giá năng lực giáo viên. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là việc lâu dài, nhưng khi thay SGK giáo viên sẽ được bồi dưỡng trực tiếp. Khi dùng SGK mới rồi vẫn phải tiếp tục bồi dưỡng để giáo viên làm tốt hơn nhiệm vụ của mình” - Thứ trưởng cho biết. 

Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: “Khi nhà trường được tự chủ về thực hiện CTGDPT thì giáo viên bắt buộc phải linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm để bảo đảm chất lượng theo yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực cho học sinh”.