Những đêm Giao thừa không ngủ

ANTD.VN - Với đội ngũ y, bác sỹ trong lực lượng Công an, Tết lại là những ngày lao động vất vả hơn cả. Trong thời khắc mọi người được sum họp bên gia đình, những người lính mặc áo blouse trắng vẫn miệt mài với công việc...

Những đêm Giao thừa không ngủ ảnh 1Bất kể lúc nào, ngày Tết hay ngày thường, các y, bác sỹ Bệnh viện CATP luôn đặt mục đích phục vụ người bệnh lên hàng đầu

Những đêm 30 Tết không ngủ

Qua mấy lần hẹn, tôi mới gặp được Thượng tá, bác sỹ Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện CATP  Hà Nội vào dịp này bởi công việc của bệnh viện cuối năm khá bộn bề. Bên ly cà phê nóng, bác sỹ Phạm Văn Đức chia sẻ, ông ở Bệnh viện CATP Hà Nội nhiều hơn ở nhà. Và thời gian trực trong những ngày lễ, nhất là vào Tết Nguyên đán thì không tính được. Nhưng có đêm Giao thừa cách đây cũng khá lâu, mà bác sỹ Phạm Văn  Đức không thể quên được. 

Đó là 22h đêm 30 Tết cách đây đã hơn chục năm, khi thời khắc đón năm mới sắp tới, bác sỹ Đức thấy một phụ nữ hớt hải đi vào, khuôn mặt tái xanh, nhăn nhó trong đau đớn. Nhận ra đây là cán bộ đang công tác tại CATP Hà Nội, bác sỹ Đức khẩn trương tiến hành thăm khám. Hồi đó, bệnh viện vẫn chưa trang bị đủ thiết bị y tế hiện đại nên phương tiện khám còn thô sơ và chủ yếu là khám lâm sàng (dựa vào kinh nghiệm chuyên môn). 

Sau khi thăm khám, bác sỹ Đức chẩn đoán sơ bộ bệnh nhân hoặc bị viêm ruột thừa cấp hoặc là u nang buồng trứng. “Không chần chừ, tôi khẩn trương đưa bệnh nhân tới Bệnh viện 19-8. Đến nơi, bệnh nhân sau khi được siêu âm cấp cứu và được chẩn đoán là u nang buồng trứng xoắn có nguy cơ vỡ và phải mổ cấp cứu ngay lập tức. Với những ca như thế này, chỉ chủ quan, chậm trễ một chút, người bệnh rất dễ nguy hiểm đến tính mạng. “Hôm đó, tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc. Đó là kỷ niệm không thể quên vào đêm 30 Tết của tôi”,  bác sỹ Đức chia sẻ.

Trung tá, bác sỹ Lê Xuân Minh (Khoa Nội, Bệnh viện CATP Hà Nội) nhớ lại, cũng trong một đêm 30 Tết cách đây vài năm, đang xem lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân điều trị ngoại trú, BS Minh  bỗng nghe tiếng phanh két và chiếc taxi màu trắng đỗ xịch trước cổng Bệnh viện CATP Hà Nội. 

Một phụ nữ cùng anh lái taxi đỡ người đàn ông vào viện. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào cấp cứu trong tình trạng huyết áp tụt, mạch nhanh, nhỏ khó bắt và người này hầu như mất ý thức. Sau khi khẩn trương thăm khám và nghe lời kể của người nhà bệnh nhân, bác sỹ Minh chẩn đoán bệnh nhân bị tiêu chảy cấp đã qua ngày thứ hai. Sau khi truyền đến chai dịch thứ sáu, bệnh nhân bắt đầu hồi tỉnh và huyết áp dần ổn định, tỉnh táo và giao tiếp được. Nhìn đồng hồ đã qua Giao thừa, bác sỹ Minh thở phào nhẹ nhõm.

Những đêm Giao thừa không ngủ ảnh 2Y bác sỹ Bệnh viện CATP khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo khó khăn tỉnh Quảng Bình

Gạt đi những niềm riêng...

Bác sỹ là “nghề làm dâu trăm họ”, nếu không có tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn nghề này… Đặc biệt, với những người chiến sỹ Công an khoác áo blouse trắng, họ không chỉ yêu nghề mà còn luôn nỗ lực giúp đỡ con người hướng thiện....

Các bác sỹ Bệnh viện CATP Hà Nội thường xuyên được tăng cường đảm bảo công tác y tế trong các trại tạm giam. Trung tá, bác sỹ Chu Đức Huy (Khoa Cận lâm sàng, Bệnh viện CATP Hà Nội) nhớ lại, cách đây 20 năm, bác sỹ Huy được tăng cường tại Trại tạm giam Hòa Lò (cũ). Vào đêm trực cuối cùng trước khi chuyển giao năm cũ sang năm mới, có can phạm gọi cấp cứu với biểu hiện nôn ra máu. Sau khi thăm khám và bằng trực giác nghề nghiệp, bác sỹ Huy phát hiện can phạm dùng thuốc để cố tình gây nôn ra máu. Bằng sự nhạy bén và cương quyết của người nhiều năm trong nghề, bác sỹ Huy động viên, đề nghị can phạm nói thật.

Sau khi nghe lời khuyên của bác sỹ Huy, can phạm xúc động và nói trong nước mắt:  “Cháu nhớ nhà quá, nhớ vợ con và bố mẹ cháu. Chỉ vì một chút dại dột nghe lời bạn bè mà cháu đã phải vào vòng lao lý. Cháu chỉ muốn ra ngoài buồng giam để đón Tết với gia đình một lúc thôi ạ”. Nhiệt độ ngoài trời đêm hôm đó xuống thấp. Đồng hồ cũng vừa điểm 12h. Bác sỹ Huy nghe tâm sự của can phạm thấy cay cay nơi sống mũi. “Với các y, bác sĩ trong trại tạm giam, họ luôn kiên cường và vững tâm trong công việc của mình. Chúng tôi luôn cố gắng hết mình  cảm hóa can phạm, để họ hướng thiện bằng tình cảm chân thành”,  bác sỹ Huy nói.

Nữ điều dưỡng, Đại úy Dương Thùy Linh (Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện CATP Hà Nội) chia sẻ, chị đã công tác hơn 10 năm tại Bệnh viện CATP Hà Nội. Cũng trong lần đầu tiên tham gia trực vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch, điều dưỡng Linh đã có những cảm xúc rất đặc biệt. Nhận ca trực từ sớm nên không kịp ăn bữa tất nhiên cùng gia đình, chị Linh chỉ kịp mang vài gói mỳ tôm đi ăn cho qua bữa. 

Điều dưỡng Linh kể: “Tôi là chị cả trong gia đình có 4 chị em nên việc gì cũng đến tay. Trong những ngày giáp Tết, ngoài thời gian làm việc ở bệnh viện, về nhà, tôi có nhận làm thêm một số việc giúp bố mẹ để gia đình có cái Tết đủ đầy hơn. Nhìn ngoài đường thấy mọi người hối hả, tất bật chuẩn bị đón Giao thừa mình cũng thấy tủi thân, nhưng vì nhiệm vụ và công việc đã lựa chọn nên tôi cũng tự nhủ phải cố gắng hơn. Cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong những ngày lễ, Tết”.

Trong những ngày Tết, khi mọi gia đình sum họp, quây quần, những người chiến sỹ Công an khoác áo blouse trắng của CATP Hà Nội phải gạt đi những nỗi niềm riêng để dành hết tâm sức, thời gian cho những ca bệnh. Bởi với họ, mùa xuân an lành đến với mỗi nhà chính là niềm vui, hạnh phúc...

Bác sỹ là “nghề làm dâu trăm họ”, nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn nghề này… Đặc biệt, với những người chiến sỹ Công an khoác áo blouse trắng, họ không chỉ yêu nghề mà còn luôn nỗ lực giúp đỡ con người hướng thiện....