Những dấu mốc của Đoàn thanh niên trải qua 86 năm

ANTD.VN - Ngày 26-3-1931, Đoàn TNCS Đông Dương (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) chính thức được thành lập. Trải qua 86 năm hoạt động, tổ chức đoàn đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Sự ra đời của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức Đoàn. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, diễn ra tại Sài Gòn từ ngày 20 đến 26-3-1931, đã dành một thời gian quan trọng để bàn về công tác thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn.

Xuất phát từ ý nghĩa đặc biệt ấy, được Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 đã quyết định lấy ngày 26-3-1931 làm ngày thành lập Đoàn hàng năm. Đồng chí Nguyễn Lam được bầu làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

 Chặng đường 86 năm xây dựng và trưởng thành

Ngay sau khi thành lập, Đoàn Thanh niên cộng sản Đông Dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô - Viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào cách mạng giai đoạn này đã xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh oanh liệt, tiêu biểu là người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác".

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ I : Từ ngày 7 đến ngày 14-2-1950 với chủ đề "Chiến đấu và xây dựng tương lai". Phát huy thành công của Đại hội, hàng vạn nam nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch.

Tháng 5-1954, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường, dũng cảm như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện...

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IITừ ngày 25-10 đến ngày 4-11-1956, Bác Hồ đã ân cần căn dặn"Đảng và Chính phủ ta có thể tự hào đã tạo nên một thế hệ thanh niên dũng cảm như các cháu, và mong các cháu tiếp tục phấn đấu hăng hái cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước nhà".

Từ sau Đại hội, tuổi trẻ miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III: Từ ngày 23 đến ngày 25-3-1961, được triệu tập tại Hà Nội, Đại hội đã phát động phong trào "Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất".

Tháng 8-1964, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc, tuổi trẻ Thủ đô đã phát động phong trào "Ba sẵn sàng". Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đoàn, phong trào đã phát triển sâu rộng trong cả nước.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV: Từ ngày 20 đến ngày 22-11-1980, đã được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào "Ba xung kích" thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

 Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V: Từ ngày 27 đến ngày 30-11-1987, đã phát động phong trào "Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI: Từ ngày 15 đến 18-10-1992. Tháng 2 năm 1993, Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI đã quyết định triển khai 2 phong trào lớn là "Thanh niên lập nghiệp" và "Tuổi trẻ giữ nước", được đông đảo đoàn viên thanh niên cả nước hưởng ứng sôi nổi và nhiệt tình.

 Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII: Từ ngày 26 đến ngày 29-11-1997 đã quyết định tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào trên lên một tầm cao mới. Năm 2000, Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định là "Năm thanh niên Việt Nam". Từ thời điểm này phong trào "Thanh niên tình nguyện" có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII: Từ ngày 08 đến ngày 11-12-2002 đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đại hội đã phát động phong trào lớn "Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" và kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam cùng siết chặt tay dưới lá cờ vinh quang của Đoàn.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX: Diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 17 đến 21-12-2007. Đại hội đã khẳng định: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới toàn diện, phấn đấu thực sự trở thành người bạn thân thiết của thanh niên, định hướng cho thanh niên đến với lý tưởng cách mạng và những giá trị cao đẹp, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X: Nhiệm kỳ 2012 – 2017 được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 12 năm 2012 tại Thủ đô Hà Nội đã nêu cao khẩu hiệu "Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định vai trò to lớn của tuổi trẻ Việt Nam đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong các thời kỳ cách mạng và trong nhiệm kỳ qua.

Đoàn TNCS HCM đã tích cực tham gia vào nhiều sự kiện, hoạt động chính trị, đối ngoại quan trọng của tuổi trẻ trong khu vực và trên thế giới, góp phần vun đắp tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa thế hệ trẻ Việt Nam với các nước trên thế giới.

Trải qua 86 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau viết nên những truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước.

Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng, gắn bó chặt chẽ với lợi ích dân tộc, với nhân dân và chế độ XHCN; truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...