Những "cánh chim" tìm về tổ ấm

ANTĐ - Ngay từ sáng sớm hôm nay 31-8, hàng trăm người nhà, bạn bè của 68 phạm nhân chấp hành án tại Trại tạm giam số 2, CATP Hà Nội đã có mặt ở cổng trại để đón những người cha, người chồng, người con, người em sau bao tháng tích cực cải tạo và được Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9-2015. 

Giây phút mong chờ người thân được trở về

Ngày về

Bà Nguyễn Thị Hòa, 78 tuổi, ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội không khỏi vui mừng cho biết, mấy ngày nay, biết con mình được đặc xá, bà không thể ngủ được. Cứ chợp mắt là hình ảnh đứa con trai nó lại xuất hiện. Hôm nay, 5h sáng, bà đã cùng người thân có mặt ở cổng Trại tạm giam số 2 để chờ đón đứa con một thời lầm lỗi của mình.

Chỉ vì a dua theo đám bạn bè,  Nguyễn Anh Đức (con bà Hà) từ một đứa con ngoan hiền, học giỏi đã vi phạm pháp luật. Lúc đầu nghe tin con bị bắt, bà ngất lên ngất xuống, còn chồng bà cũng vì thế mà bị tai biến. Được người thân động viên, bà cố gắng vượt qua những thời khắc khó khăn nhất. Khi Đức có án, bà và người thân thường xuyên vào thăm theo quy định. Những phút gặp nhau ngắn ngủi, bà dành nhiều thời gian khuyên con cải tạo tốt và giấu mọi nỗi đau vào lòng. Được sự cảm hóa, giáo dục của cán bộ quản giáo và anh em trong trại, Đức đã nhận ra sai lầm và chuyên tâm cải tạo, rồi may mắn có tên trong đợt đặc xá lần này.

Những thủ tục cuối cùng

Cùng tâm trạng với bà Hòa, anh Lê Mạnh Thắng, anh trai của phạm nhân Lê Văn Chỉnh, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội cũng không khỏi vui mừng cho biết, hôm nay anh cùng mẹ và em gái có mặt từ rất sớm để đón Chỉnh sau hơn 2 năm cải tạo và có thành tích tốt, được đặc xá trở về với gia đình.

Tại buổi lễ, Thượng tá Nguyễn Hữu Nguyệt – Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hình sự CATP Hà Nội cho biết, thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945/2-9-2015), ngày 10-7-2015, Chủ tịch nước đã ký quyết định ban hành đặc xã năm 2015 đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời  hạn đang chấp hành án tại các Trại giam, Trại tạm giam, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Hoa và nước mắt
Những "cánh chim" tìm về tổ ấm ảnh 4

Thực hiện quyết định của Chủ tịch nước, CATP Hà Nội đã tham mưu Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các Sở ban ngành phối hợp thực hiện tốt công tác đặc xá năm 2015; đồng thời thành lập Tiểu ban chỉ đạo về đặc xá của CATP, xây dựng kế hoạch, triển khai công tác đặc xá năm 2015 theo đúng hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá và chỉ đạo của Bộ Công an.

Được đặc xá, giảm án là những phạm nhân chấp hành tốt quy định của Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, tích cực học tập lao động. Trong quá trình chấp hảnh án phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.

Đứng lên sau vấp ngã

Là 1 trong 68 phạm nhân có tên trong danh sách đặc xá, anh Nguyễn Đức Hiệp, SN, quê Ân Thi, Hưng Yên cho biết, từng là một doanh nhân thành đạt, từng có một mái ấm gia đình với người vợ trẻ và đứa con trai kháu khỉnh. Trong cuộc sống, khi sa chân vào thế giới phồn hoa, trước sự cám dỗ của đồng tiền, Hiệp đã trở thành kể lừa đảo. 

Ngày về cho người biết ăn ăn, hối cải

Kể từ khi bị bắt và thi hành án, Hiệp được đưa về cải tạo tại Đội 1, phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam số 2. Bao sự hỗn độn vây quanh. Mất mát. Hoang mang. Hoảng sợ, thậm chí muốn buông xuôi. Nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi khi Hiệp được những cán bộ quản giáo ngày đêm gần gũi động viên yên tâm cải tạo, lao động chấp hành hình phạt cho tốt để sớm được về với gia đình. Bằng sự đấu tranh tư tưởng và quyết tâm làm lại sau vấp ngã, Hiệp đã vỡ ra những điều hay lẽ phải, lấy lại niềm tin và hối hận một cách sâu sắc, biết yêu cuộc sống hơn và hiểu hơn về giá trị được làm người, giá trị của cuộc sống tự do. Hiệp chuyên tâm cải tạo, lao động và chấp hành nội quy của trại, chấp hành pháp luật của Nhà nước. Thế rồi, hạnh phúc đã vỡ òa khi Hiệp biết mình có tên trong danh sách đặc xá.

Trong tâm trạng tràn đầy xúc động, dù chưa đủ điều kiện được đặc xá trong dịp này, phạm nhân Phùng Văn Thành, SN 1970, hiểu rằng, đặc xá là thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với những người phạm tội biết ăn năn hối cải. “Với tình cảm và sự chân thành, chúng tôi mong các anh em được đặc xá, trở về với gia đình và xã hội hãy thực hiện tốt nghĩa vụ của một người công dân với xã hội, hãy gạt đi quá khứ tội lỗi để thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”, Thành nhắn nhủ những người được đặc xá, và hứa sẽ cùng những phạm nhân khác chưa được đặc xá lần này tiếp thu những lời căn dặn động viên của Ban giám thị trại tạm giam, của Hội đồng đặc xá, yên tâm tu dưỡng, tích cực lao động, học tập. 

"Giấy thông hành" trở về với cộng đồng

Ông Hoàng Tiến Long, ở huyện Thường Tín, Hà Nội, bố đẻ của Hoàng Văn Đức, SN 1992 (năm 2013, Đức bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 34 tháng tù về các tội Cố ý làm hư hỏng tài sản và Cướp tài sản) cho biết, con ông cũng như các phạm nhân được đặc xá ngày hôm nay là nhờ công lao dạy bảo, tận tình, sự cảm hóa giáo dục của Ban giám thị và Hội đồng cán bộ trại tạm giam. Ông Long bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước đã khoan dung, độ lượng đối với những người phạm tội biết ăn năn hối cải, sửa chữa sai lầm, sớm được trở về đoàn tụ với gia đình và xã hội.

Ngay sau khi nhận quyết định được đặc xá, các phạm nhân đã làm các thủ tục theo quy định. Trong giờ phút chia tay, giữa họ (những phạm nhân được đặc xá và phạm nhân đang còn thời hạn cải tạo) dường như không còn khoảng cách. Những cái ôm, bắt tay chúc mừng, động viên như những người thân trong một đại gia đình. Người về không quên dặn người ở lại cố gắng cải tạo để được sớm trở về với gia đình, người thân.