Những "bông hồng thép" bình dị của Công an Hà Nội trên tuyến đầu dập dịch Covid – 19.

ANTD.VN - Hơn 10 phụ nữ là các y tá, bác sĩ, cán bộ chiến sỹ Bệnh viện CATP đã chiến đầu cùng các đồng nghiệp trên tuyến đầu dập dịch Covid - 19 gần một tháng nay. Ngày Quốc tế Phụ nữ với họ, hạnh phúc chính là những niềm vui, tình người mà họ mang đến cho những người ở khu cách ly do chính họ chăm sóc bất kể là Việt Nam hay Hàn Quốc, Trung Quốc... Đó là những “bông hồng thép” không tên mà càng gió rét, cánh hoa càng thắm tươi…

Những "bông hồng thép" bình dị của Công an Hà Nội trên tuyến đầu dập dịch Covid – 19. ảnh 1

Những bông hồng đặc biệt

Hôm nay, ở Bệnh viện CATP Hà Nội (Văn Phú, Hà Đông), các nữ công dân Việt Nam và nước ngoài đang được cách ly để phòng chống Covid – 19 bất ngờ nhận được những món quà đặc biệt. Như thường lệ, các y bác sĩ Công an Thủ đô lại lên đo thân nhiệt, và kiểm tra sức khỏe từng người. Có khác, lúc này những “siêu nhân” trong bộ trang phục kín mít chẳng rõ chân dung ấy trên tay có những bông hoa hồng tươi thắm. Ngày Quốc tế Phụ nữ đến sớm với những niềm vui nhỏ bé nhưng thật giá trị biết bao bởi tình cảm và sự sẻ chia đến từ những y, bác sĩ Công an Hà Nội khoác áo blouse. Những người phụ nữ đến từ Hàn Quốc, Kazakhstan… cùng Việt Nam đều bất ngờ và cảm thấy thật vui.

Trung úy, Điều dưỡng Phạm Thị Việt Hồng (Bệnh viện CATP) người đề xuất ý tưởng ý nghĩa này cho biết: “Tôi cũng là người phụ nữ, cũng hiểu được tâm trạng của chúng tôi trong những ngày này. Những chị em đang cách ly trong này đủ các độ tuổi và thời gian này họ càng muốn ở bên gia đình người thân. Những món quà nhỏ nhưng nó là sự đồng cảm để mọi người vui vẻ, lạc quan cùng nhau chiến đấu, đánh bật Covid  - 19. Sáng kiến của tôi được sự ủng hộ, động viên của lãnh đạo bệnh viện nên triển khai nhanh chóng"

Bất ngờ nhận được những bông hoa tươi rói đầy sức sống, bà L.D.Y (56 tuổi, người Hàn Quốc, đang cách ly ở bệnh viện CATP từ 25-2) lúc đầu cảm thấy bất ngờ và lạ lẫm, sau khi được một du học sinh Việt Nam từ Hàn Quốc trở về phiên dịch rằng đây là món quà chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ, bà mới cười thật tươi và gửi lời cảm ơn chân thành. 

Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện CATP -  “Nữ Tư lệnh” phụ trách khu cách ly cho biết, từ ngày 9-2, sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo TP và CATP Hà Nội, Bệnh viện CATP đã chuẩn bị khu cách ly đúng quy chuẩn ở tầng 5,6 của bệnh viện với khoảng 90 giường. 2 nam bác sỹ và 6 nữ điều dưỡng thay phiên nhau ứng trực tiếp nhận, chăm sóc, theo dõi sức khỏe người nghi nhiễm. Các đồng chí nam thì không nói, nhưng các nữ điều dưỡng đều tự nguyện tham gia dù công việc đổ dồn, tất bật tối ngày…

“Chúng tôi đã gần 1 tháng cùng ăn ở với hơn 130 con người đến từ khắp nơi trên thế giới và Việt Nam. Mỗi người khi vào đây đều có chuyện đời khác nhau. Bên cạnh các quy trình, biện pháp phòng chống dịch Covid – 19 được thực hiện nghiêm ngặt, thì một trong những liều kháng sinh mạnh nhất chính là tình người trong những lúc thế này. Nhìn những niềm vui của họ, chúng tôi thấy chính mình hạnh phúc, những vất vả bay cả đi… dù rằng những bó hoa nhỏ ấy, nhiều nữ y bác sỹ chúng tôi vẫn còn chưa thấy đâu…”, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hiền nhẹ nói. 

Biểu tượng chiến thắng và niềm vui của những nữ công dân Việt Nam và Hàn Quốc tại khu cách ly ở Bệnh viện CATP Hà Nội

“Tiểu đội” toàn nữ với những hi sinh thầm lặng

Đằng sau công tác cách ly là cả “núi” những công việc bộn bề. Bên cạnh công tác chuyên môn về y tế,  việc đảm bảo hậu cần vất vả nhất với những phần việc không tên mà chỉ sơ qua có lẽ chẳng ai muốn làm như: dọn dẹp, chia cơm, đảm bảo vệ sinh, vận chuyển đồ đạc giúp người dân. “Tiểu đội” đảm nhiệm công tác này đều là những chị em – một nửa của thế giới. Đó là chị Phùng Thị Bích Hồng có 2 con trai sinh đôi mới 16 tháng tuổi; chị Võ Thị Minh Nga con nhỏ 23 tháng tuối; chị Bạch Thu Thủy: con gần 10 tháng tuổi; rồi chị Nghĩa, chị Thành, chị Hồng Thủy, chị An.

Một ngày công việc họ thật “đơn giản”: sáng sớm dọn dẹp các phòng, thay. Giặt ga gối, dọn dẹp vệ sinh, rồi chia phát cơm cho cả trăm con người, chiều lại lặp lại như vậy. Cũng là phụ nữ đấy nhưng họ cũng nào là chữa điện, sửa nước…

Nhìn thôi chứ chưa nói đến trải nghiệm, chắc ai cũng hiểu sự hi sinh của họ. Tôi đã mặc cả bộ quần áo bảo hộ phòng dich. Mỗi lần mặc mất 15 phút. Che kín mít từ đầu đến chân. Khẩu trang, kính bảo hộ thắt chặt. Đi bộ từ tầng 1 lên khu cách ly cũng cảm giác thấy thiếu oxi. Trong cũng bộ đồ ấy, trung bình một ngày các chị phải làm việc 6-8 tiếng. Những lúc cao điểm, cởi đồ là ngủ ngay ở đơn vị. Mặt các chị, ai cũng lấm tấm mụn bởi bị che quá lâu trong khẩu trang phòng dịch, tóc tai thì đủ dạng bởi ai cũng phải tìm cách gọn ghẽ nhất để thuận tiện cho công việc.

Chân dung những "Bông hồng thép" của Công an Hà Nội trên tuyến dầu đập dịch

Nghĩ mà cảm phục sự hi sinh của các chị. Sau những tấm lưng nhỏ ấy là con thơ, là gia đình, là những giọt mồ hôi giữa lúc gió mùa… Họ gần như là những người không tên mà chắc sau này những người cách ly có gặp lại cũng chẳng nhận ra. Nhưng chắc hẳn, cũng như tôi, ai cũng có cảm xúc thật sự trân trọng và muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất trong tâm khảm với các chị…

 “Chống dịch thì cả bệnh viện đều vào cuộc. Ai cũng phải hi sinh chứ. Anh em cũng vất vả không kém nhưng “Tiểu đội” của chúng tôi nhất quyết không thua ai cả nhé. Công việc thì nhiều thật, cũng có lo lắng ban đầu, nhưng “ai cũng dành việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Chỉ cần không ai nhiễm Covid -19, là hạnh phúc. Sau này cũng có thể kể với 2 đứa nhóc nhà tôi rằng, mẹ con cũng chiến đấu trên tuyến đầu dập dịch đấy nhé”, chị Phùng Thị Bích Hồng vừa tất tả làm việc vừa tâm sự.

“Không mệt, hết dịch mới về nhé”

Trung úy Phạm Thị Việt Hồng cho tôi xem những dòng chat với những người nước ngoài đang cách ly ở Bệnh viện CATP.  Có cả người Trung Quốc và Hàn Quốc. Trước sự ngỡ ngàng của tôi, Trung úy Hồng “bật mí”: “Lúc lên thăm khám thì chúng tôi nhờ luôn các lưu học sinh Việt Nam từ Hàn Quốc về cũng đang được cách ly ở đây phiên dịch luôn. Nhưng sau có nhiều vấn đề mà mọi người muốn hỏi nên chat thêm qua mạng xã hội. Chúng tôi cài phần mềm chuyển ngữ để cơ bản trò chuyện với nhau. Lúc đầu ai cũng mong được về nhà. Nhưng nói chuyện nhiều, họ cũng hiểu và nhận thức việc cần bảo vệ cho chính mình cũng như có trách nhiệm với xã hội”.

“Cám ơn bạn”, “hôm nay ngày nghỉ, bạn có phải đi làm không”, “Lên nói chuyện với chúng tôi nhé”…những mẩu chuyện hàng ngày thật bình dị nhưng đáng quý biết bao. Câu chuyện đó giúp những con người xích lại gần nhau cũng như xóa đi tấm cửa kính cách ly nặng nề để cùng tin tưởng vào đời sống cùng chiến đẩu đẩy lùi Covid – 19.

Đã có hơn 130 người Việt Nam và nước ngoài được cách ly ở Bệnh viện CATP. Gần nửa số ấy đã ra viện và về với gia đình. Trong diễn biến phức tạp của Covid – 19, chắc hẳn công việc của các chị và đồng nghiệp còn chưa có hồi kết. Ngoài vất vả thì cũng là phụ nữ điều tối thiểu là quyền được làm đẹp nhưng ở đây các chị hàng ngày chỉ có duy nhất một loại phụ kiện trang điểm là cồn. Rửa tay bằng cồn; xịt cồn khử trùng khắp người… Thế mà khi được hỏi “Có mệt, có sợ không?”, ai cũng cười nói : “Hết dịch mới về nhé”...

Những người phụ nữ bình dị hy sinh thầm lặng vì sự bình yên của nhân dân

Những y bác sỹ trong sắc phục Công an Nhân dân ấy cũng thật bình dị như chính những cây hoa nhỏ mà các chị trồng trước cửa cơ quan. Gió càng rét lại càng nở hoa. 8-3 đã gần lắm, bông hoa nào xứng đáng cho các chị, chắc không ai trả lời được. Cởi bộ blouse, họ lại vội vã trở về với gia đình. Trong dòng người tấp nập, chẳng ai nhận ra họ cũng không sao bởi với họ, hạnh phúc lớn lao chính từ những công việc nhỏ nhất, những niềm vui bé nhất của người dân. Điều đó chân thành và thật nhất bởi nó đến từ trái tim của người bác sỹ cùng với trách nhiệm thiêng liêng với màu sắc phục cũng như sự hi sinh vô bờ bến của những người phụ nữ Việt Nam…