Những áp lực và thách thức đi liền Cách mạng Công nghiệp 4.0

ANTD.VN - Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại các nước phát triển đã ảnh hưởng và đem lại cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam như thế nào, Báo ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Mai Thị Ánh Tuyết -  Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Những áp lực và thách thức đi liền Cách mạng Công nghiệp 4.0 ảnh 1ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ

- Phóng viên: Bà có thể cho biết cần làm gì để nhận diện được cuộc CMCN 4.0?

- Bà Mai Thị Ánh Tuyết: Cuộc CMCN 4.0 đã và đang đến, đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó sẽ diễn biến rất nhanh. Cuộc cách mạng sản xuất mới này được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân khắp toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất.

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực khoa học, các xu thế lớn của công nghệ mới có thể được chia thành 3 nhóm: vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Cả ba đều liên quan chặt chẽ và thâm nhập vào nhau, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng và có giá trị sử dụng cao, thậm chí có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực.

Đây cũng là thời kỳ ra đời của nhiều loại vật liệu mới có những tính năng đặc biệt, vừa nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế và dễ thích ứng. Gần đây đã xuất hiện loại vật liệu thông minh có thể tự phục hồi hoặc tự làm sạch, các kim loại có khả năng khôi phục lại hình dạng ban đầu, gốm sứ và pha lê biến áp lực thành năng lượng và nhiều vật liệu khác nữa.

- Theo đánh giá của bà, cuộc CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với Việt Nam?

- Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Tuy nhiên, cuộc CMCN 4.0 cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đó là thách thức về sự tụt hậu, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn. Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng, tất cả là nhờ vào sự sáng tạo của con người. Điều này đặt ra nhiều áp lực với người lao động vì khi đó đòi hỏi người lao động phải có trình độ quản lý và sử dụng công nghệ tin học, ngoại ngữ tốt. Trong khi đó, lao động Việt Nam có kỹ năng tin học, ngoại ngữ còn ở mức thấp, lao động có trình độ cao còn thiếu, vì thế độ rủi ro về thất nghiệp cũng rất cao.

Đặc biệt, những lao động là nữ giới sẽ chịu áp lực lớn hơn nam giới. Bởi thực tế hiện nay ở các nhà máy, khu công nghiệp thì công nhân nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với nam giới. Chính vì vậy, khi đưa công nghệ và tri thức cao vào vận hành sản xuất thì sẽ tạo áp lực dôi ra một lượng lớn đội ngũ lao động. 

Những áp lực và thách thức đi liền Cách mạng Công nghiệp 4.0 ảnh 2Đội ngũ lao động cần trang bị đầy đủ kỹ năng để theo kịp cuộc Cách mạng 4.0

- Vậy chúng ta cần làm gì để đón nhận cuộc CMCN 4.0 này, thưa bà?

- Để hội nhập với thế giới văn minh đang tiến bước mạnh mẽ vào kỷ nguyên CMCN lần thứ tư, điều quan trọng trước hết là phải đổi mới đúng hướng hiện đại hóa của nền giáo dục nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động có đủ tri thức và kỹ năng thích ứng với thời đại mới.

Theo ý kiến phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống sẽ là kỹ năng lập trình. Người dân sẽ viết ra những sản phẩm tùy biến phục vụ cho nhu cầu của họ và được hoàn thiện thông qua công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI). Nhật Bản là nước tiên phong đưa kỹ năng lập trình vào chương trình phổ cập.

Đón đầu cuộc cách mạng này, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước ta, hơn lúc nào hết cần đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nội dung, chương trình cũng như phương pháp giảng dạy và học tập nghiên cứu để tạo ra tiền đề quan trọng nhất cho quá trình thích ứng và hội nhập vào nền văn minh hiện đại của nhân loại.

Về phía Chính phủ, dưới tác động của cuộc cách mạng này, công tác điều hành của Chính phủ cũng sẽ có được sức mạnh công nghệ mới để tăng quyền kiểm soát, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. Song cũng như các Chính phủ khác trên thế giới, Chính phủ Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách tiếp cận hiện tại của mình để hoạch định và thực hiện chính sách, trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của người dân trong quá trình này. 

Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận được với các công nghệ hiện đại, cải thiện phẩm chất, tốc độ, giá cả mà khi được chuyển giao nó có giá trị hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có được những quyền lợi nhất định khi sự minh bạch ngày càng rõ hơn, quan tâm của người tiêu dùng, và các khuôn mẫu mới về hành vi của người tiêu dùng buộc các doanh nghiệp phải thích nghi với cách mà họ thiết kế, tiếp thị, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ. Khi công nghệ và tự động hóa lên ngôi, họ sẽ đối mặt với áp lực cần nâng cao chất lượng, cải tiến và đổi mới các dây chuyền công nghệ, tuyển nhân lực có năng lực về công nghệ, đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của doanh nghiệp nước ngoài. 

Ngoài ra, để tồn tại và phát triển trong nền công nghiệp 4.0, lực lượng lao động trong nước phải tự trau dồi và nâng cao các kỹ năng. Đồng thời các doanh nghiệp và Chính phủ cũng phải tham gia nâng cao kỹ năng cho người lao động, tạo điều kiện cho họ dịch chuyển một cách tự do.

- Xin cảm ơn bà!