Nhức nhối hàng lậu đi tàu: Khó quy trách nhiệm!?

ANTĐ - Tình hình trộm cắp hàng hóa niêm phong, kẹp chì, lợi dụng đường sắt để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong dịp giáp Tết Nguyên đán. Thêm vào đó, nạn ném đá, chất bẩn lên tàu đang trở thành nỗi ám ảnh với hành khách.

Nhức nhối hàng lậu đi tàu: Khó quy trách nhiệm!? ảnh 1

Lợi dụng sự kiểm soát thiếu chặt chẽ nhiều đối tượng đã đưa hàng lậu lên tàu

Thống kê từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy, trong năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, phối hợp xử lý 28 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản của khách đi tàu; 10 vụ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc hợp pháp vận chuyển trên các đoàn tàu; 15 vụ toa xe hàng bị cắt dây gia cố, kẹp chì niêm phong để trộm hàng hóa. Đặc biệt, lực lượng chức năng đã phát hiện  vụ vận chuyển 5kg ma túy tổng hợp trên tàu.

“Hiện tượng cắt khóa, mở kẹp chì niêm phong để trộm cắp hàng hóa đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trên một số tuyến từ ga Yên Viên đi các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An… Một số đơn vị báo cáo, có những chuyến tàu mất cả nửa toa tàu hàng. Chúng tôi rất khó kiểm soát việc trà trộn để buôn hàng lậu, hàng cấm trên tàu”, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng giám đốc VNR nhìn nhận. 

Cụ thể, sáng 1-10-2015, tại khu gian Mỹ Trạch (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), khi kiểm tra chuyến tàu mang số hiệu ĐH42 chạy tuyến Huế - Đồng Hới (Quảng Bình), lực lượng Cảnh sát đường sắt đã phát hiện 2.864 bao thuốc lá các loại và 150 hộp sữa Ensure nhập ngoại không rõ nguồn gốc. Sau khi thu giữ số hàng trái phép trên, lực lượng chức năng đã củng cố hồ sơ và bàn giao cho cơ quan điều tra xử lý. Còn tại ga Hà Nội, giữa tháng 9-2015, trong khi đang làm nhiệm vụ, tổ bảo vệ ga Hà Nội đã phát hiện vụ vận chuyển 406 chiếc điện thoại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Trước đó, sáng 9-5-2015, khi đoàn tàu SE2 vừa vào ga chợ Si (Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An), lực lượng trinh sát đã khống chế 2 thanh niên mang theo 3 túi du lịch vừa xuống tàu. Kiểm tra nhanh 3 chiếc túi, lực lượng công an phát hiện có 31 sừng tê giác được ngụy trang rất kín bên trong, tổng trọng lượng chừng 37kg. Cùng với đó, tình trạng buôn lậu gỗ, hàng gia dụng qua đường sắt cũng diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trên các tuyến từ biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai về Hà Nội…

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, trong 5 năm qua (2011-2015), các lực lượng chức năng địa phương phối hợp với ngành đường sắt đã phát hiện, làm rõ và hoàn thiện hồ sơ xử lý 352 vụ buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên đường sắt; tạm giữ 1.617 kiện hàng hóa các loại, trị giá khoảng 9,2 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa khoảng 2,7 tỷ đồng; bắt giữ hơn 4.000 bao thuốc lá Zet lậu… “Tình trạng lợi dụng phương tiện đường sắt để vận chuyển hàng nhập lậu vẫn xảy ra, nhưng không quy trách nhiệm được cho tổ chức hay cá nhân nào do phía cơ quan chức năng không thông báo cho ngành đường sắt biết kết quả kiểm tra, xử lý”, ông Đoàn Duy Hoạch nói.

Để hạn chế tình trạng lợi dụng đường sắt để vận chuyển hàng lậu, ông Đoàn Duy Hoạch cho hay, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra đột xuất, đặc biệt vào dịp cuối năm trên các tuyến trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hoặc thường xảy ra các vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Trong đó, có các tuyến Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - TP.HCM; các ga Hà Nội, Giáp Bát, Đồng Đăng, Lào Cai, Sóng Thần, Sài Gòn… Đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho rằng, cần thành lập các chuyên án, tập trung vào các điểm “nóng”, tuyến “nóng”, để tăng tính răn đe. 

Khách đi tàu khiếp sợ bị ném đá
Cùng với nạn buôn lậu gia tăng, dịp cuối năm, các vụ ném đá, chất bẩn lên tàu cũng đe dọa an toàn của hành khách. Có những vụ ném đá lên tàu không những gây vỡ kính mà còn làm bị thương cả hành khách người nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Bính, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết: “Tình trạng ném đất đá, chất bẩn lên tàu đang diễn ra tại nhiều địa phương, “nóng” nhất là tàu qua Quảng Bình, Yên Bái, Lào Cai. Những vụ việc này  để lại hình ảnh rất xấu trong mắt du khách nước ngoài”.  Ở khu vực phía Nam, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng cho biết, trong năm 2015 đã xảy ra hơn 280 vụ ném đất đá, chất bẩn lên tàu.