“Nhựa đổ ra rồi, lỗ bỏ không”?
(ANTĐ) - “Lẩy” câu thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương: “Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”, Ký Phường có vẻ khoái vì sự liên tưởng có phần mù mờ và khá... gợi của mình, nhưng Ký Thật - vốn khô khan và cụ thể bèn “chỉnh” một cách cụ thể và khô khan:
- Cái sự vui xuân của bà Xuân Hương ngày xưa khác xa với cái sự đào đường lên, lấp đường xuống, rồi lại đào lên, lấp xuống bây giờ. Ông liên tưởng hơi bị khập khiễng đấy!
Ký Phường vẫn chưa hết khoái nhưng vẫn phải chịu Ký Thật và phân bua:
- Thì tôi có nói đến sự sướng đâu. Tôi chỉ nói cái sự khổ của tôi, của ông và bao công dân khác, khi mà Tết nhất đến nơi rồi, lại đang mùa khô bụi, thế mà người ta đang hùng hục đào đường, lát hè. Để kịp tiến độ thi công, để lập thành tích chào mừng, để có thêm một đoạn trong báo cáo tổng kết thành tích năm... người ta cấp tập đào, đào và đào...
- Thì trong đợt mưa lụt vừa rồi, nhiều nẻo đường thành phố bị hư hại, người ta phải làm lại, mừng quá đi chứ.
- Làm lại là đúng, nhưng chẳng ai biết chất lượng ra sao, khi mà có đoạn phố chỉ một đêm trải nhựa đường, cho xe “lu” cán vài lượt, thế là sáng hôm sau đã thành một đoạn đường nhìn rõ mát mắt, chả ai biết “cốt” đường cũ có được bóc đi không, nhưng mà nhìn thấy rõ ràng là đường mới cao hơn đường cũ, vài trận mưa to là nhà mặt phố lại biến thành ao vì nhà thấp hơn đường.
- Thôi thì “tốt nước sơn” hơn “tốt gỗ”, chấp nhận đi.
- Nói với ông chán phè! Còn thêm một chuyện nữa là người ta lẽ ra phải làm đêm để tránh ùn tắc giao thông, thế mà nhiều nơi bây giờ cả ban ngày vẫn làm, nguyên vật liệu tập kết, cát bụi mù trời, xong đoạn nào coi như hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ có điều, chỗ nào có nắp hố ga là bị chừa lại, sâu hoắm, xe đang ngon trớn, lao vào đấy coi như “toi”.
- Hóa ra câu ông nói “Nhựa đổ ra rồi, lỗ bỏ không”, cũng có lý đấy chứ. Nhưng chữ “lỗ” chưa chuẩn vì các cái nắp hố ga toang hoác như thế. Gọi là gì nhỉ?
Ký Thật