Nhọc nhằn nghề giám định tâm thần

(ANTĐ) - Giám định pháp y tâm thần là một thành phần của hệ thống tổ chức giám định tư pháp và là chuyên ngành khoa học nghiên cứu khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người bệnh tâm thần ở từng thời điểm nhất định hoặc trong suốt quá trình trị bệnh. Hiện nay, các trường hợp cần giám định pháp y tâm thần ngày một nhiều và phức tạp, nhất là những đối tượng “giả tâm thần” nhằm thoát tội, đòi hỏi giám định viên bên cạnh kiến thức vững vàng về chuyên môn, kinh nghiệm lâm sàng còn cần có một đạo đức “sạch”, trách nhiệm với nghề, với những số phận con người.

Nhọc nhằn nghề giám định tâm thần

(ANTĐ) - Giám định pháp y tâm thần là một thành phần của hệ thống tổ chức giám định tư pháp và là chuyên ngành khoa học nghiên cứu khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người bệnh tâm thần ở từng thời điểm nhất định hoặc trong suốt quá trình trị bệnh. Hiện nay, các trường hợp cần giám định pháp y tâm thần ngày một nhiều và phức tạp, nhất là những đối tượng “giả tâm thần” nhằm thoát tội, đòi hỏi giám định viên bên cạnh kiến thức vững vàng về chuyên môn, kinh nghiệm lâm sàng còn cần có một đạo đức “sạch”, trách nhiệm với nghề, với những số phận con người.

Chúng tôi tìm đến Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương (Viện GĐPYTT Trung ương) vào một buổi chiều mùa đông. Trong khuôn viên viện, từng tốp bệnh nhân ngồi co ro trên ghế đá, tóc tai bù xù, những ánh mắt vô hồn, thẫn thờ nhìn ra ngoài trời với nụ cười ngờ nghệch, méo mó trên khuôn mặt bơ phờ. Họ không chỉ đơn giản là bệnh nhân tâm thần mà còn là tội phạm đã từng gây ra tội ác, phải điều trị bắt buộc tại đây. Phía bên trong, được cách ly hoàn toàn qua 3 lần cửa sắt là 17 đối tượng đang được theo dõi giám định.

Điều trị cho bệnh nhân tại Viện Giám định pháp y Tâm thần Trung ương
Điều trị cho bệnh nhân tại Viện Giám định pháp y Tâm thần Trung ương

Lật giở hồ sơ bệnh án, cũng như tiền án, tiền sự của những bệnh nhân đặc biệt này, tôi ớn lạnh trước những việc làm của họ. Vụ án Nguyễn Văn Tuyên (SN 1988), Hải Phòng là một trường hợp đặc biệt. Người anh cả của Tuyên mắc bệnh tâm thần và phải điều trị tại trại tâm thần Vĩnh Bảo. Người anh thứ hai tên là Nghĩa, được coi là “tỉnh” nhất nhà cũng mắc chứng tâm thần phân liệt và phải kiểm soát bằng thuốc suốt đời. Ở nhà hiện chỉ có Tuyên và Nghĩa  sống cùng mẹ đẻ nhưng lúc nào Tuyên cũng hoang tưởng sợ bị Nghĩa giết. Bình thường Nghĩa cũng bỏ nhà đi lang thang vài ngày mới về nên gia đình đã quen với chuyện đó.

 Hôm đấy, sau mấy ngày không thấy bóng Nghĩa đâu, người mẹ hỏi Tuyên thì Tuyên thản nhiên trả lời: Đập chết ném xuống ao rồi. Nghĩ con bị tâm thần, người mẹ không tin nhưng vài ngày sau, bà thấy xác Nghĩa nổi lên. Sau 5 tuần giám định, theo dõi, cơ quan giám định kết luận Tuyên mất khả năng nhận thức và không điều khiển được hành vi. Tuyên hành động theo bản năng do bị hoang tưởng ảo giác, rằng luôn nghĩ có người sẽ giết mình. Đến khi bệnh lý bột phát thì không còn ý thức và Tuyên đã bị sự hoang tưởng đó chi phối hành động. Với kết luận trên, Nguyễn Văn Tuyên đã được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và phải điều trị bắt buộc tại Viện GĐPYTT Trung ương.

Cũng ở đây, đã từng có nhiều đối tượng hoàn toàn bình thường nhưng lại cố ý muốn mình trở thành kẻ tâm thần, với hy vọng có thể trốn tránh được sự trừng trị của pháp luật. Theo BS.Ths Ngô Văn Vinh, Quyền Viện trưởng, đối tượng Nguyễn Văn K, Hưng Yên từng nằm điều trị, giám định tại đây với biểu hiện tâm thần nhưng sau 6 tháng theo dõi, cuối cùng dòng chữ: hoàn toàn bình thường đã được ghi vào bệnh án và hắn phải chịu hình phạt trước pháp luật. Hay trường hợp bị can Hoàng Văn Thụ ở Phú Thọ, phạm tội hiếp dâm một bé gái 10 tuổi. Theo giám định tâm thần của Phú Thọ, bị can không đủ năng lực để chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng chỉ sau 2 tháng nằm viện, bộ mặt thật của tên Thụ đã lộ rõ, hắn chỉ giả điên để không phải chịu trách nhiệm cho hành động thú tính của mình. Cũng theo bác sĩ Vinh, hiện Viện GĐPYTT Trung ương chưa để lọt một đối tượng “giả điên” nào.

Giám định pháp y tâm thần khác với giám định y khoa. Một bên là mổ xẻ những ý thức rất trừu tượng, còn một bên là mổ xẻ cơ thể người. Bác sĩ giám định phải nghiên cứu đối tượng trên cả 2 mặt: cắt dọc (sự phát triển tâm lý người đó từ bé đến lúc xảy ra án) và cắt ngang (thăm khám hiện tại). Do đó thời gian tối thiểu để giám định cần từ 6-8 tuần, nhiều khi giám định viên phải về tận nơi can phạm sinh sống, công tác để tìm hiểu tất cả các mối quan hệ. Ngoài ra, đối tượng giám định còn phải được làm các thử nghiệm đánh giá trí tuệ, khả năng nhận thức cũng như các xét nghiệm máu, điện não, X-quang, thậm chí chụp CT, MRI nếu cần thiết.

Thời gian có hạn (vì liên quan đến thời hạn điều tra, truy tố xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự), trong khi giám định tâm thần cần thời gian, để nắm bắt quy luật, theo dõi các thói quen sinh hoạt... của người bệnh. Theo nhiều giám định viên, trong nhiều vụ việc, đặc biệt những vụ phức tạp họ không đủ thời gian để đưa ra những kết luận chắc chắn và thực tế, đã có những vụ phải giám định lại nhiều lần. Trong khi đó, các loại bệnh lý về tâm thần rất khó “nhận diện”, lúc phát bệnh lúc không hoặc bị bệnh nhưng dưới dạng “ẩn”. Thậm chí trong nhiều trường hợp, sự thất thường trong mức độ nặng nhẹ của người bệnh cũng làm các giám định viên đau đầu. Vấn đề mệt mỏi nữa với các giám định viên là phải theo “hầu” tòa nhiều lần cho các can phạm.

Vụ án Đồng Đăng Phúc phạm tội giết người tại TP.HCM là một ví dụ về sự trúc trắc trong giám định pháp y tâm thần. Sau khi bắt giam, Phúc có biểu hiện tâm thần. Kết quả giám định cho thấy Phúc bị bệnh tâm thần phân liệt, không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và cần đưa đi chữa bệnh một thời gian. Không tin tưởng kết quả này, giám định lần hai, Phúc vẫn phải chữa bệnh. Tuy nhiên khi kết luận chuyển hướng Phúc bị “rối loạn nhân cách do sử dụng rượu”, Phúc bị tòa tuyên án chung thân. Song tại phiên tòa phúc thẩm, Phúc tỏ ra rất bình thường, không có biểu hiện tâm thần. HĐXX cũng đã chỉ ra những điểm mâu thuẫn trong 3 lần giám định và hủy án. Lần thứ 4 giám định, kết quả thật bất ngờ là Phúc hoàn toàn bình thường và hắn phải chịu mức án tử hình.

Theo Viện GĐPYTT Trung ương, đến tháng 12-2009, nước ta có 12 trung tâm giám định pháp y tâm thần với 162/2.461 giám định viên đã được cấp thẻ. Từ năm 2005 đến 2009, cả nước đã thực hiện được 3.595 ca giám định, trong đó Viện GĐPYTT Trung ương thực hiện được 876 ca, tính riêng từ tháng 1-2010 đến ngày 30-11-2010 là 102 ca, điều trị bắt buộc 69 ca. Tổng số cán bộ nhân viên là 70, với 20 bác sĩ, giám định viên trong đó có nhiều người kiêm nhiệm. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay tại nhiều địa phương, số giám định viên pháp y tâm thần vẫn thiếu, chỉ tập trung ở các thành phố lớn.

Cũng theo Viện GĐPYTT Trung ương, số giám định viên được đào tạo cơ bản, có trình độ cao, có kinh nghiệm sống nhiều người đã lớn tuổi, theo quy định sắp phải nghỉ hưu. Không chỉ giám định pháp y tâm thần đối với can phạm, Viện còn phải quản lý và điều trị đối tượng phạm pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần, đây cũng là công việc vô cùng nguy hiểm, khó khăn và phức tạp bội phần. Trong khi đó việc tuyển giám định viên là rất khó. Trong 3 năm, từ năm 2007 đến nay Viện chỉ tuyển được 1 bác sĩ.

Điểm đặc biệt của những đối tượng phạm tội tâm thần là vừa không kiểm soát được hành động vừa có tính cách côn đồ, do đó giám định viên phải đối diện với rất nhiều hiểm nguy. Bác sĩ Dương Văn Lương, Trưởng khoa Giám định, Viện GĐPYTT Trung ương tâm sự: Việc các giám định viên bị bệnh nhân tấn công là chuyện bình thường. Ở đây hầu hết ai cũng từng “dính” đòn. Bản thân tôi đã nhiều lần bị các đối tượng đe dọa, một đối tượng cầm ghế đập vào đầu. Do đó giám định viên cần hết sức khéo léo trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện.

Vì là tội phạm, nhiều đối tượng từng ra tù vào tội, mắc các bệnh như HIV, lao nên khả năng lây nhiễm là rất lớn. Khi bị kích động, họ có thể bất ngờ đánh luôn giám định viên, hoặc trả thù. Nhất là những người tâm thần giả, bị giám định viên vạch mặt, mối nguy hiểm cũng rất tiềm tàng. Tại Nha Trang, Khánh Hòa từng xảy ra vụ án đối tượng tìm đến nhà giết giám định viên.

Theo bác sỹ Vinh, quản lý đối tượng là một công việc muôn vàn khó khăn. Các trường hợp đều có công an phối hợp quản lý nhưng cơ sở y tế vẫn phải chịu trách nhiệm chính. Nếu đối tượng bỏ trốn, việc truy cứu trách nhiệm sẽ rất nặng nề.

Mặc dù công việc giám định rất quan trọng trong quá trình tố tụng, giải quyết vụ án, nhưng cơ sở vật chất tại các trung tâm giám định hầu hết đều còn thiếu thốn. Tại Viện GĐPYTT Trung ương, mỗi đối tượng giám định cần được ở riêng một phòng với các thiết bị theo dõi. Song mặc dù là tuyến Trung ương nhưng Viện vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ phòng giám định, nên hiện tượng quá tải vẫn thường xuyên xảy ra. Các trung tâm giám định tuyến địa phương còn thiếu thốn hơn nhiều.

Đời sống của cán bộ công nhân viên tại các viện giám định pháp lý tâm thần đều rất khó khăn trong khi áp lực công việc, áp lực trước pháp luật rất lớn. Hầu hết bệnh nhân tại đây không có người nhà chăm sóc nên các bác sĩ, điều dưỡng viên phải chăm lo từng giấc ngủ, bữa ăn cho họ. Tuy vậy, ngoài lương và phụ cấp 0,3% đối với giám định viên, bác sĩ và điều dưỡng viên không có khoản thu nhập nào khác. Đây cũng là bài toán nan giải đối với lãnh đạo viện nhưng hiện tại vẫn chưa có cách nào giải quyết.

Khánh Huyền