Nhớ những ngày xây dựng Lăng Bác

ANTD.VN - Ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân cả nước. Năm 1970, công tác chuẩn bị đã được tiến hành, song do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt ở miền Bắc, nên phải đến năm 1973 công tác xây dựng Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được thực hiện. 

Các đơn vị tham gia đang khẩn trương thi công để hoàn thành tiến độ

Làm việc bằng cả tấm lòng với vị Cha già dân tộc 

Để bảo vệ quá trình xây dựng Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Công an thành lập Ban Bảo vệ xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Quốc Thân, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Thái, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội, Bộ Quốc phòng và đồng chí Trần Long, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Kinh tế, Bộ Công an làm Phó trưởng ban. Trung đội Công an vũ trang thuộc Trung đoàn 600 được phân thành 4 tiểu đội, lập 4 trạm gác ra vào công trường.

Các cán bộ lao động và bảo vệ trên công trình cảm thấy rất vinh dự, tự hào và làm việc bằng cả tấm lòng với vị Cha già dân tộc. Có lẽ cũng vì vậy nên không có bất kỳ một vụ lộn xộn hay mất mát nào xảy ra trên công trình. 

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đoàn khách của Trung ương và địa phương, các đoàn cán bộ trước khi vào Nam chiến đấu đến thăm công trường đều được đón tiếp ân cần và bảo vệ chu đáo. Hàng ngàn cán bộ chiến sỹ ở các đơn vị cơ quan đoàn thể ở Trung ương và Hà Nội, sinh viên các trường đại học, cao đẳng đến công trường tham gia lao động xây dựng Lăng đều được tổ chức quy củ, trật tự và an toàn.

Nhớ lại những ngày ấy, đồng chí Trần Long, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Kinh tế còn kỷ niệm sâu đậm hơn khi là người có công lớn tìm ra nguồn cát tại huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình và đá đỏ Bá Thước tại Thanh Hóa, phục vụ cho công trình giàu ý nghĩa này trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Đồng chí Đỗ Mười, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trần Long, Phó trưởng Ban Bảo vệ tại công trường 1975 

Tìm cát xây Lăng Bác 

Theo yêu cầu của chuyên gia Liên Xô, cát xây dựng công trình phải là loại cát có mô-đun hạt nhỏ đều, sạch không lẫn bùn, đất bẩn. Các mẫu cát được đưa về công trường tuyển chọn, nhưng chỉ riêng có cát ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đạt yêu cầu. Bộ Kiến trúc đã lập một đoàn công tác do Thứ trưởng Chu Đỗ làm trưởng đoàn đi khảo sát, nhưng lại cho rằng mỏ cát ở Kim Bôi không đủ khối lượng cung cấp cho công trình.

Theo tiến độ, ngày 27-10-1973, mẻ xi măng đầu tiên sẽ được đổ. Mọi thứ đã chuẩn bị xong, chỉ thiếu cát đạt chất lượng. Qua tham khảo ý kiến với lực lượng công binh, đồng chí Trần Long biết được dải cát tại Kim Bôi có sự bổ sung liên tục phù sa dồn về.

Phó Ban Bảo vệ xây dựng công trình Lăng mạnh dạn đề xuất với đồng chí Đỗ Mười lúc đó giữ trọng trách Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kiến trúc, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, để về nghiên cứu lại trữ lượng cát tại Kim Bôi. Đồng chí Đỗ Mười đồng ý cử đồng chí Trần Long lên khảo sát gấp, nếu đủ trữ lượng thì cho chở về ngay công trường xây dựng Lăng. 

Lên khảo sát tại huyện Kim Bôi, các bậc cao niên đều khẳng định nguồn cát đạt yêu cầu khắt khe và có thể cung cấp đủ như thế. Sau khi trao đổi với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về quyết định chọn cát tại Kim Bôi, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình rất vui mừng vì cát Kim Bôi được chọn để xây dựng Lăng Bác là niềm tự hào và vinh dự cho địa phương. Tại huyện Kim Bôi, nhân dân tưng bừng tổ chức mít tinh tham gia “Xúc cát về xây dựng Lăng Bác Hồ”.

60 tấn đá đỏ Bá Thước kịp chuyển về 

Công trình xây dựng Lăng cũng dần dần hoàn tất, theo dự kiến sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 30 năm Quốc khánh ngày 2-9-1975. Theo thiết kế trong phòng thi hài Bác có hai lá cờ là cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Sau khi xem xét các mẫu đá, đồng chí Trường Chinh quyết định chọn đá đỏ ở huyện Bá Thước làm nền cho hai lá cờ. Đá đỏ Bá Thước có xuất xứ từ dải đá thạch anh bị kẹp bởi hai núi lửa, khi phun trào, nung chảy dải đá thạch anh tạo nên những viên đá quý có màu đỏ, 2.000 năm nay trên mặt đất vẫn không đổi màu. 

Sau nhiều tháng tìm kiếm ta mới khai thác được 4 tấn, trong khi theo yêu cầu phải có tới 60 tấn đá đỏ mới đáp ứng đủ. Ban chỉ đạo họp tìm biện pháp tháo gỡ trong không khí căng thẳng. Đồng chí Trần Long đề xuất biện pháp “xăm thăm dò tìm kiếm đào bới”, bởi ông nhớ lại có lần Giáo sư Phạm Huy Thông tại công trường khai quật di chỉ khảo cổ học tại huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên có giải thích về những hiện vật bị chôn vùi dưới đất do hàng năm bị phủ lên một lớp tro, trải qua hàng ngàn năm. 

Trọng trách đi Thanh Hóa tìm đá đỏ lại được đồng chí Đỗ Mười giao cho đồng chí Trần Long. Sau khi trao đổi bàn phương án tìm đá đỏ tại Bá Thước với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, công tác xăm thăm dò, đào bới tìm kiếm được triển khai. Ngày thứ nhất không kết quả. Ngày thứ hai không kết quả. Ngày thứ ba, tin vui báo về cho biết đội thi công tìm thấy đá ở độ sâu hơn 1m.

Các xe Gin 5 tấn lần lượt chở đá về công trường xây dựng Lăng. Đến xe thứ 22, xưởng đá An Dương thông báo đã đủ yêu cầu. Sau khi biết được thành công của việc tìm kiếm đủ 60 tấn đá đỏ Bá Thước, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn rất vui mừng và kịp thời biểu dương đóng góp của đồng chí Trần Long.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Câu chuyện của hơn 4 thập niên trước, của những người xây Lăng Bác và bảo vệ công trình ngày ấy, giờ nghe lại vẫn thấy thân thương, ấm áp!

(Ghi theo lời kể của đồng chí Trần Long nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an)