Nhớ Giao thừa độc lập đầu tiên

ANTD.VN - Những vần thơ của Bác luôn đem đến cho nhân dân lời cổ vũ, động viên tinh thần học tập, lao động, chiến đấu, một niềm tin lớn lao vào thắng lợi và tương lai của dân tộc. 

Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác Hồ rời Hà Nội vào Hà Đông chuẩn bị lên chiến khu Việt Bắc. Kháng chiến mới bắt đầu, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Người vẫn dành thời gian làm thơ chúc đồng bào nhân dịp năm mới. Đêm 30 Tết Đinh Hợi (1947) trong mưa phùn giá rét, Bác Hồ đã lặn lội đến chùa Trầm (Chương Mỹ - Hà Tây) nơi sơ tán của Đài tiếng nói Việt Nam để đọc thơ chúc Tết. Trong tình thế đầy khó khăn, nhưng vần thơ của Người vẫn mang âm điệu chiến thắng hào hùng, phản ánh đầy đủ nội dung chủ đạo của đường lối kháng chiến của Đảng và ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân ta:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng

Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Đúng là tiếng kèn xung trận vừa dồn dập, vừa hùng dũng để khẳng định sự nghiệp kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đây cũng là Tết đầu tiên Bác đọc thơ chúc Tết qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để lan tỏa tới mọi miền Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài. Từ đó, hình thành một truyền thống mới của dân tộc, mỗi độ Tết đến xuân về, trong thời khắc thiêng liêng của Giao thừa, cả dân tộc ta cùng chờ đón để lắng nghe Bác đọc thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước.