Nhìn về giáo dục phải nhìn một cách thấu đáo, toàn diện

ANTD.VN - Ngày 18-9, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức”. 

Hội thảo nhằm thông tin kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội về quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đồng thời, các đại biểu phân tích, thảo luận những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai đổi mới, đề xuất giải pháp để công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo thành công. Một số vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là đổi mới về tự chủ đại học; đổi mới thi và kiểm tra, đánh giá giáo dục; đổi mới giáo dục phổ thông...

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Khi nhìn về giáo dục phải nhìn một cách thấu đáo, toàn diện, không nóng vội. Trong quá trình đổi mới, có những việc có thể giải quyết được ngay trước mắt nhưng có những việc cần quá trình lâu dài. Để xây dựng chính sách mang tầm chiến lược cho giáo dục, không thể thiếu những nghiên cứu sâu của các chuyên gia.

Bộ trưởng đánh giá cao kết quả của 3 báo cáo do các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện. Dựa trên đề xuất với đầy đủ luận cứ, luận chứng khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước có thể tiếp thu, điều chỉnh trong quá trình triển khai các hoạt động đổi mới, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo đi tới thành công.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Nhóm nghiên cứu đã nêu những kết quả nghiên cứu về giáo dục phổ thông trong 5 năm kể từ khi có Nghị quyết 29. Nhóm nghiên cứu ghi nhận sự chuyển biến về chính sách được ban hành theo hướng chuyển dần từ mục tiêu giáo dục tăng cường kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học, chất lượng giáo dục phổ thông ở một góc độ nào đó được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới.

Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá được đổi mới theo hướng tăng cường đánh giá khả năng vận dụng, vận dụng bậc cao thay vì chỉ đánh giá kiến thức; kết hợp giữa đánh giá định tính và định lượng; tạo nhiều cơ hội cho học sinh thể hiện. Với giáo dục đại học, tự chủ đại học trở thành nhu cầu tự thân, được xem là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra... Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hơn trong tuyển sinh, liên kết đào tạo và mở ngành đào tạo. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học - công nghệ.