Nhìn từ vụ Formosa, có ngăn được Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ?

ANTD.VN -Đây là băn khoăn chung của các đại biểu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, tại phiên họp sáng nay, 13-9. 

Trình bày tờ trình về dự thảo luật này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, việc sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ cần hướng tới mục đích cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam, để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh báo cáo tại phiên họp

Trên thực tế, hiện nay Việt Nam vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị. Phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, với tình trạng công nghệ như vậy thì việc sửa luật cần khắc phục tình trạng lỗ hổng trong kiểm soát công nghệ hiện nay, nhất là đối với việc kiểm tra sau chuyển giao công nghệ, như trường hợp Formosa, bauxite Tây Nguyên, các dự án chế biến gỗ dăm, xăng sinh học…

Các ý kiến cũng cho rằng cần tăng cường trách nhiệm quản lý công nghệ của Bộ Khoa học Công nghệ, các Bộ có liên quan trong việc kiểm soát công nghệ tại các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), dự án sử dụng Ngân sách Nhà nước… Trong đó, riêng việc tổ chức đánh giá, định giá và giám định công nghệ, nhiều ý kiến đề nghị phải có chế tài phù hợp với bản chất về trình độ công nghệ để ngăn ngừa tình trạng “lách luật” đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ ra những hậu quả của công nghệ lạc hậu không những ảnh hưởng đến môi trường mà thực tế đã cho thấy còn có tác động đến cả tình hình an ninh trật tự, đời sống, an sinh và lao động, sản xuất của người dân. “Từ đó đặt ra câu hỏi có phải ta chưa đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ, luật Chuyển giao công nghệ 2006 còn hạn chế, hay do quản lý Nhà nước chưa tốt? Theo tôi là cả hai, và phải khắc phục cả hai vấn đề này” - ông Uông Chu Lưu nói.

Trong khi đó, lấy ví dụ về sự cố môi trường nghiêm trọng do Formosa gây ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn đặt vấn đề: dự thảo luật lần này liệu có khắc phục, ngăn chặn và xử lý được tình trạng Việt Nam đang trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới hay không?

“Qua Formosa chúng ta mới thấy rằng vai trò của công nghệ quan trọng đến đâu, vậy thì việc kiểm soát công nghệ khi nhập vào được sửa đổi trong các dây chuyền sản xuất của ta như thế nào? Đó là yêu cầu mà chúng ta phải cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 20 đã quy định và phải khắc phục cho được câu hỏi: Luật này rồi có khắc phục được Việt Nam đang và sẽ trở thành bãi rác công nghệ hay là có giải quyết được vấn đề kiểm soát công nghệ và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn.