Nhìn lại những điểm nhấn nổi bật tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

ANTD.VN - Lùi việc thông qua Luật đặc khu, thông qua Luật An ninh mạng… là những dấu ấn nổi bật tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc cuối tuần qua, một kỳ họp sôi nổi, đổi mới, tập trung trí tuệ để đưa ra nhiều quyết định quan trọng của quốc gia. 

Toàn cảnh một phiên họp tại kỳ họp thứ 5-Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp ngắn ngày nhất trong nhiều khóa

Kỳ họp thứ 5  -Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 21-5, bế mạc ngày 14-6, kéo dài trong 20,5 ngày làm việc chính thức (không tính ngày nghỉ). Đây là kỳ họp có nội dung và thời gian làm việc ngắn nhất trong nhiều khoá vừa qua.

Về nội dung kinh tế xã hội, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2018; thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Về chương trình xây dựng luật, tại kỳ họp này, trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 7 luật; cho ý kiến về 9 dự án luật. Ngoài ra, Quốc hội đã thảo luận, thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng khác.

Lần đầu tiên phiên chất vấn đổi mới theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”

Tại kỳ họp thứ 5-Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên phiên chất vấn tại Quốc hội được đổi mới theo hướng “hỏi nhanh, đáp gọn”. Cụ thể, mỗi ĐB chất vấn chỉ được đặt câu hỏi không quá 1 phút thay vì 2 phút như các kỳ họp trước. Sau khi 3 ĐB chất vấn thì Bộ trưởng được chất vấn sẽ trả lời luôn, thay vì 5 ĐB đặt câu hỏi như trước. Thời gian trả lời của mỗi Bộ trưởng cũng được rút ngắn, không quá 3 phút mỗi câu hỏi. 

Trong thời gian 3 ngày, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; LĐ-TB&XH, Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSND TC, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tài chính, Nội vụ cũng tham gia báo cáo, làm rõ vấn đề ĐB quan tâm.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, tranh luận sôi nổi, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn. Nhờ rút ngắn thời lượng hỏi lẫn trả lời nên đã khắc phục đáng kể tình trạng câu hỏi dài, câu trả lời lòng vòng đã từng xuất hiện tại các kỳ họp trước. Bên cạnh đó, số lượt chất vấn và tranh luận cũng được nhiều hơn. Tại các phiên chất vấn, đã có tới hơn 250 lượt ĐB chất vấn và tranh luận, số lượng lớn nhất so với các kỳ họp trước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên chất vấn

Quốc hội quyết định lùi thông qua luật đặc khu

Dự án Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật đặc khu) dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này vào ngày 14-6. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận tại hội trường Quốc hội còn có rất nhiều ý kiến khác nhau của các ĐBQH. Cùng đó, có nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cử tri và nhân dân cả nước về một số quy định cụ thể trong dự luật, đặc biệt là quy định về thời hạn cho thuê đất tối đa là 99 năm tại đặc khu kinh tế.

Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến các ĐBQH, nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, thận trọng, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của Dự án Luật.

Trước khi các ĐBQH biểu quyết điều chỉnh thời gian thông qua Luật đặc khu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cân nhắc và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của Dự thảo Luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm.

Điều này không chỉ thể hiện tính linh hoạt của Quốc hội mà còn cho thấy Quốc hội đã rất lắng nghe, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của ĐBQH, chuyên gia, các nhà khoa học, cử tri và nhân dân trong việc xem xét, quyết định thông qua một số luật quan trọng. 

Thông qua Luật An ninh mạng với 86,86% ĐBQH tán thành

Luật An ninh mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 12-6 với 423 trong tổng số 466 ĐBQH có mặt tán thành (tỷ lệ 86,86%). Luật gồm 7 chương, 43 điều.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng

Luật An ninh mạng được ban hành nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, TTATXH, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời, phải phù hợp với thực tiễn, khả thi, tránh sự lạm dụng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp.

Cũng giống như Luật đặc khu, việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó cũng còn có những ý kiến khác nhau.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại sao Quốc hội quyết định lùi Luật đăc khu nhưng thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ tán thành rất cao, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Về Luật An ninh mạng, sau khi các ĐBQH có ý kiến, phản hồi của các chuyên gia, ý kiến của cử tri đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu rất nhiều nội dung. Và khi đã lắng nghe, chỉnh lý, hoàn thiện rồi, việc Luật được thông qua với tỷ lệ tán thành cao là đương nhiên”.

Quốc hội kêu gọi người dân thể hiện lòng yêu nước đúng pháp luật

Không thể không nhắc đến sự kiện xảy ra trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 5 khi tại một số địa phương, đặc biệt ở Bình Thuận, có tình trạng người dân tụ tập đông người, một số có hành vi quá khích.

Phát biểu tại Quốc hội sáng 11-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc này cho thấy những việc Quốc hội, ĐBQH đang bàn ở hội trường đã lan tỏa ra ngoài xã hội. Song đáng tiếc là nhiều người dân không hiểu đúng bản chất của sự việc, ngộ nhận, hiểu nhầm vấn đề nên có sự quá khích. Bên cạnh đó, không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng trong việc này.

Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước nhưng đồng thời nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất TTATXH, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Quốc hội kêu gọi nhân dân cả nước bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước, sống và làm việc theo pháp luật. Quốc hội luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các luật, nghị quyết được thông qua.