Nhiều trường ĐH sai phạm trong đào tạo: Phạt nhẹ, khó răn đe

ANTĐ - Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa công bố hàng loạt sai phạm của các trường ĐH trong nước liên quan tới liên kết đào tạo, quản lý văn bằng, đào tạo liên thông... Trong đó, có trường đã phải chịu mức phạt hành chính lên tới hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức phạt như trên khiến nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng ngăn chặn triệt để sai phạm này.

Nhiều trường ĐH sai phạm trong đào tạo: Phạt nhẹ, khó răn đe ảnh 1
Sinh viên cần nghiên cứu kỹ thông tin về các chương trình liên thông, liên kết


Liên tục sai phạm

Được coi là cơ hội tốt cho những ai có nhu cầu học tập cao hơn, các khóa đào tạo liên thông được các trường liên tục mở ra để thu hút thí sinh, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh mạnh ở hệ chính quy, khiến nhiều trường rơi vào tình trạng khó khăn trong tuyển sinh. Điều này cũng dẫn tới hàng loạt sai phạm vừa được Thanh tra Bộ GD-ĐT xử lý.

Trường hợp bị xử phạt cao nhất trong tháng 5 vừa qua là trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân với số tiền 102,5 triệu đồng do thu nhận hồ sơ, tổ chức thi tuyển sinh để đào tạo liên thông trình độ trung cấp, cao đẳng, cao đẳng nghề lên trình độ đại học hệ chính quy ngành Quản trị kinh doanh đợt tháng 12-2012 và đợt tháng 4-2013 khi không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, trường này tuyển sai đối tượng 29 thí sinh đợt tháng 4-2013, vi phạm quy định, tổ chức đào tạo 2 lớp liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng, cao đẳng nghề lên trình độ đại học hệ chính quy chuyên ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh với 97 sinh viên từ tháng 12-2012 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Ngoài xử phạt hành chính, Thanh tra Bộ GD-ĐT buộc trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân hủy kết quả thi tuyển sinh từ trung cấp, cao đẳng lên đại học chính quy của kỳ thi tuyển sinh ngày 21-4-2013 và khắc phục hậu quả đối với các thí sinh đã dự thi; Chấm dứt việc đào tạo đối với các khóa đang liên kết đào tạo liên thông trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học hệ chính quy tại Trung tâm dạy nghề quận Bình Tân và khắc phục hậu quả đối với sinh viên đã đào tạo trái phép.

Cũng nằm trong số những sai phạm bị xử lý trong lĩnh vực đào tạo liên thông, trường ĐH Dân lập Hải Phòng vừa bị xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng do năm 2010, trường đã tuyển sinh và đào tạo 225 sinh viên từ trình độ cao đẳng liên thông lên trình độ đại học chính quy tại trường khi không được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo liên thông.

Bên cạnh đó, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị xử phạt 60 triệu đồng do tuyển sinh các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài sai đối tượng theo các quyết định cho phép thực hiện chương trình của Bộ GD-ĐT. Thanh tra Bộ buộc trường ĐH Kinh doanh  và Công nghệ Hà Nội phải kiểm tra, rà soát, cho thôi học và trả lại các khoản tiền đã thu cho người học, chịu mọi chi phí cho việc trả lại đối với số sinh viên đã tuyển sai đối tượng.

Hậu quả không nhỏ

Cũng trong công bố mới đây của Thanh tra Bộ GD-ĐT về xử phạt sai phạm của các trường, trường CĐ Sư phạm Lào Cai nằm trong danh sách này do năm 2010, trường đã tuyển sinh và đào tạo 310 sinh viên hệ vừa làm vừa học trình độ cao đẳng tại trường khi không được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo hệ vừa làm vừa học. Tuy nhiên, mức xử phạt với lỗi này chỉ là 4 triệu đồng. Liên quan tới việc liên kết đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ CĐ ngành Dược ở ngoài trường cấp bằng chính quy với 198 sinh viên khi chưa có văn bản cho phép của UBND tỉnh Nghệ An và của Bộ GD-ĐT, trường CĐ ASEAN phải chịu mức phạt là 35 triệu đồng. 

Có thể thấy hậu quả từ những sai phạm này hoàn toàn không nhỏ. Trường CĐ ASEAN bị buộc phải rà soát cho thôi học và hoàn trả kinh phí cho những người học không đủ điều kiện theo quy định về đối tượng đào tạo liên thông và chịu mọi chi phí hoàn trả do hành vi vi phạm về đối tượng tuyển sinh gây ra. Với những sinh viên đủ điều kiện để theo học liên kết đào tạo thì trường này phải chuyển đến những cơ sở được phép để đào tạo cấp bằng theo đúng quy định. Việc gây xáo động, đứt quãng quá trình học tập với gần 200 sinh viên như vậy sẽ gây những tác động xấu tới tâm lý cũng như vấn đề tài chính của gia đình thuộc những trường hợp này. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với 141 sinh viên chưa đủ điều kiện đào tạo liên thông của trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội.

Bàn về mức phạt quá thấp so với hậu quả để lại của những trường nói trên, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT thừa nhận mức phạt này là chưa hợp lý. “Hiện tại chúng tôi thực hiện việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo Nghị định 49 của Chính phủ. Tuy nhiên, do được quy định từ nhiều năm trước (NĐ 49 ban hành từ năm 2005) nên các mức phạt đưa ra đến nay không còn phù hợp với việc cảnh cáo, ngăn chặn các sai phạm trong lĩnh vực đào tạo. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định này để đưa ra mức phạt phù hợp thực sự có tác dụng răn đe” - ông Nguyễn Huy Bằng cho biết.