Nhiều trường đại học công lập tự chủ thu vượt quy định hàng chục tỷ đồng

ANTD.VN - Kết quả kiểm toán các trường đại học công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy các trường đã thu ngoài quy định 14,5 tỷ đồng.

Không thu thì thiếu, thu thì vi phạm

Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập đã giúp các trường huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư, hiện đại hoá cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III, các trường đại học công lập thực hiện tự chủ tài chính bị áp lực tăng thu dẫn đến một số trường còn tình trạng thu vượt, thu sai quy định, lạm thu các khoản thu ngoài quy định.

Một số trường còn dựa vào lợi thế ngành để tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh mà chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước dẫn số liệu kiểm toán tại một số trường đại học công lập cho thấy số thu học phí vượt quy định, thu học lại, thu cải thiện điểm, thu tiền nhập học, tiền làm thẻ, tài liệu cho sinh viên... ngoài quy định lên tới hơn 14,5 tỷ đồng.

Cụ thể, 5/7 cơ sở giáo dục được kiểm toán trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thu ngoài quy đinh hơn 702 triệu đồng. 5/9 cơ sở giáo dục đại học được kiểm toán thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cũng thu ngoài quy định gần 4,5 tỷ đồng; tại 5/13 đơn vị được kiểm toán thuộc Bộ Giáo dục và Đạo tạo - xấp xỉ 9,4 tỷ đồng.

Do cơ chế còn bất cập nên nhiều trường buộc phải thu ngoài quy định (Ảnh minh họa)

Tuy vậy, theo ông Lê Đình Thăng, do không có quy định rõ ràng với các khoản thu trên nên các trường “nếu không thu thì có khi không đủ bù chi, mà thu thì rủi ro rình rập người đứng đầu”.

Những dịch vụ trên theo ông Thăng là nhu cầu có thật, các trường phải bỏ chi phí thật nhưng lại vướng mắc ở cơ chế.

Trong khi việc tăng thu dịch vụ đào tạo theo lộ trình làm gia tăng gánh nặng đóng học phí lên người học nhưng Nhà nước chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc các cơ sở giáo dục công lập phải duy trì và nâng cao năng lực của quỹ học bổng.

Hầu hết các trường đại học công lập không chú trọng việc tạo lập quỹ học bổng, chưa có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học

Điều này dẫn tới tình trạng người dân nghèo hiếu học, học giỏi nhưng không được học do mức học phí cao.

Ông Lê Đình Thăng dẫn số liệu kiểm toán cho thấy một số đơn vị chi quỹ học bổng chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 8% quy định. Tổng số học bổng chi thiếu 42,6 tỷ đồng tại 8/12 trường đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được kiểm toán năm 2017.

Thu vượt quy định do… cơ chế

Chỉ ra nguyên nhân vấn đề, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, hiện nay, cơ cấu nguồn thu của cơ sở giáo dục đại học chủ yếu là từ học phí mà chưa có sự đa dạng hóa các nguồn thu dịch vụ.

Một phần nguyên nhân bởi việc thành lập, sử dụng các quỹ hiến tặng, việc thu hút các dự án đầu tư không hoàn lại cho trường đại học còn phức tạp cả về thủ tục lẫn cơ chế quản lý và sử dụng.

Trong khi đó, mức thu học phí của cơ sở công lập hiện còn thấp, khung học phí định mức do Nhà nước quy định chưa tính đúng, tính đủ mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo.

Cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ sở giáo dục đại học công lập còn mang tính bình quân, chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra.

Cách phân bổ này khiến cho các trường chỉ tập trung vào việc tăng quy mô, số lượng đầu vào mà chưa chú trọng tới việc nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng, không quan tâm tới đào tạo các ngành học khó, các ngành khoa học cơ bản với chi phí đào tạo cao.

Để giải quyết vấn đề, bà Đoàn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Công nghiệp Tiêu dùng, Cục Quản lý giá, Bộ Tài Chính cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương đánh giá mức độ bù đắp chi phí của giá dịch vụ giáo dục đào tạo, học phí hiện nay.

Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất xây dựng mức giá dịch vụ trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.