Nhiều phi công Vietnam Airlines báo ốm hoặc xin nghỉ việc: Họp khẩn để tháo gỡ

ANTĐ - Liên quan đến việc hàng loạt phi công xin nghỉ việc tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, tại cuộc họp báo chiều qua 12-1, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động bay của hãng. 

Nhiều phi công Vietnam Airlines báo ốm hoặc xin nghỉ việc: Họp khẩn để tháo gỡ ảnh 1Hàng loạt phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc vì cho rằng thu nhập thấp

- Mức  lương của phi công Việt Nam tại Vietnam Airlines được cho là thấp, thưa ông?

- Ông Phạm Ngọc Minh: Chúng tôi đã có lộ trình cải cách tiền lương của lao động trong đó có phi công từ năm 2008. Lộ trình 5-7 năm, mức lương của phi công Việt Nam tại Vietnam Airlines sẽ tiệm cận, bằng 80% thu nhập của phi công nước ngoài ở vị trí tương tự.

Theo đó, nửa đầu năm 2015, tổng thu nhập của phi công Việt Nam VNA được tăng lên ở các mức: Với dòng Boeing 777/B787, chức danh cơ trưởng từ 163-203 triệu đồng/tháng, cơ phó là 103 triệu đồng/tháng. Dòng máy bay A321, cơ trưởng từ 143-183 triệu đồng/tháng, cơ phó là 85 triệu đồng/tháng. Dòng máy bay ATR 72, cơ trưởng từ 114-153 triệu đồng/tháng, cơ phó là 70 triệu đồng/tháng. Đây là mức tổng thu nhập của phi công gồm nhiều khoản như: phụ cấp giờ bay, lưu trú, tiền ăn… Dự kiến, nửa cuối năm 2015 sẽ tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng.

- Hiện VNA đang trả tiền thuê phi công nước ngoài và lương phi công nước ngoài tại các hãng hàng không khác như thế nào?

- Ông Phạm Ngọc Minh: Phi công “ngoại” hiện được VNA thuê với mức lương từ 10.000-12.000 USD/người/tháng, tùy nhà cung cấp. Còn thu nhập của phi công tại một số hãng hàng không trong khu vực, như Turkish Airlines là xấp xỉ 12.000 USD/tháng, hãng Jestar Singapore là hơn 12.600 USD/tháng. 

- Có thông tin, dịp Tết Dương lịch 2015 đã có hàng loạt phi công nghỉ ốm, cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Ông Phạm Ngọc Minh: Từ đầu năm 2014, tại VNA đã có hiện tượng kỹ sư, thợ máy nộp đơn xin nghỉ việc. Nửa cuối 2014, đến lượt lực lượng phi công nộp đơn xin nghỉ việc. 

Từ ngày 30-12-2014 đến 4-1-2015 có tới 117 lượt phi công báo ốm, cao gấp hai lần so với cùng kỳ, trong đó 90% ở đội ngũ phi công dòng máy bay Airbus. Trong 117 lượt nghỉ ốm này thì chỉ có 10 trường hợp có chứng nhận của cơ quan y tế. Sự việc được chúng tôi đánh giá là bất thường và nghiêm trọng. Ngay sáng 5-1, lãnh đạo VNA đã phải họp khẩn để đánh giá tình hình và có giải pháp tháo gỡ.

Không thể xem đây là việc đơn lẻ cá nhân, đây là hiện tượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và tâm lý đội ngũ phi công đang làm việc ở VNA. 

- Việc Vietnam Airlines có Nghị quyết về việc này cũng như Bộ GTVT có Chỉ thị can thiệp vào vấn đề sử dụng lao động có vi phạm luật?

- Ông Phạm Ngọc Minh: Việc một hãng hàng không quốc gia lâm vào tình trạng như hiện nay không phải chưa có tiền lệ trên thế giới. Trước đây đã từng có việc phi công của Cathay Airlines, rồi hãng Quantas cũng từng trong tình huống tương tự. Tuy vậy, trong hầu hết các trường hợp, Chính phủ các nước đều có sự can thiệp. Như tại Trung Quốc vào năm 1998, Chính phủ đã yêu cầu hãng Cathay Airlines không được đàm phán về mức thu nhập với phi công… 

Chúng tôi có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước khi thấy xảy ra hiện tượng bất thường. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có chỉ đạo phù hợp, chứ chúng tôi không ra quyết định. Còn Nghị quyết của Hội đồng thành viên VNA cũng chỉ đưa ra chủ trương, báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước để cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra hướng giải quyết.

- VNA đã tính toán đến việc yêu cầu các phi công nghỉ việc phải bồi thường hợp đồng, chi phí đào tạo?

- Ông Phạm Ngọc Minh: Chi phí đào tạo cần thời gian và quy chuẩn để tính toán. Chi phí đào tạo một phi công ngoài chi phí thật như đào tạo, ăn ở, đi lại... thì việc tích lũy kinh nghiệm  thông qua hàng nghìn giờ bay tại VNA sẽ được tính như thế nào? Đơn cử như một phi công, hàng năm phải đào tạo sát hạch 2 lần, nếu phi công đó nâng cấp chuyển ngạch thì cần nhiều hơn. Những phi công đã nộp đơn xin nghỉ việc ở VNA chúng tôi chưa chấm dứt hợp đồng lao động và yêu cầu lao động phải quay lại, thực hiện nghĩa vụ với VNA.

- Giải pháp hành chính can thiệp để giữ người chỉ là cấp bách, về lâu dài VNA sẽ giải quyết việc này như thế nào?

- Ông Phạm Ngọc Minh: Chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan Nhà nước để giải quyết thấu đáo, triệt để việc này. Về phía doanh nghiệp, sẽ nâng cao quản trị, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công nhân viên…, từ đó nâng cao thu nhập lao động của VNA, nâng cao đời sống của anh em làm sao tiệm cận với mức quốc tế. Nếu không giải quyết được bài toán nâng cao hiệu quả, năng suất kinh doanh thì sẽ còn vấp phải tình trạng này.

- Đã tăng lương đáp ứng đề nghị của đội ngũ phi công Việt Nam, nhưng liệu VNA có đủ sức chạy theo việc này?

- Ông Phạm Ngọc Minh: Chúng tôi không chủ trương chạy theo sự biến động của thị trường. Chúng tôi đã có kế hoạch điều chỉnh lương của toàn bộ lao động theo lộ trình, không riêng gì lực lượng lao động kỹ thuật cao. 

Hơn nữa, số lượng phi công nộp đơn xin nghỉ việc không phải quá nhiều, trong đó đã có một số người rút đơn. VNA là hãng hàng không quốc gia, chúng tôi lên kế hoạch, chuẩn bị lực lượng bay theo đúng năng lực mình có. Bên cạnh đó, VNA luôn có lực lượng dự bị, từ máy bay, phụ tùng đến con người. Vì vậy, đợt Tết Dương lịch 2015 vừa qua có 117 lượt phi công nghỉ ốm nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo kế hoạch khai thác.

Hiện tượng bất thường

Báo cáo Bộ GTVT, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên 
Vietnam Airlines cho hay, dịp Tết Dương lịch vừa qua, số phi công thuộc Đoàn bay 919 báo ốm tăng bất thường. Số lượng phi công nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động với Vietnam Airlines cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, việc này gây xáo trộn lịch bay và ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ phi công.

Vietnam Airlines cho rằng, các phi công này có thể muốn chuyển việc sang các hãng hàng không khác, do vậy, hãng kiến nghị Bộ GTVT không chấp thuận việc lôi kéo chuyển dịch lao động giữa các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2020; kiến nghị Cục Hàng không không cấp bằng, chứng chỉ với các phi công, kỹ sư máy bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc chuyển nơi khác. “Nếu không có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm, tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn trong dịp cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Phạm Viết Thanh đánh giá. Vietnam Airlines kiến nghị, Cục Hàng không, Bộ GTVT xem xét việc các hãng hàng không nội địa chỉ được mở rộng quy mô phát triển đội bay và được cấp phép khai thác khi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (phi công, kỹ sư máy bay, điều hành khai thác bay, tiếp viên).