Nhiều ổ dịch Covid-19 đã mất dấu F0 nên giãn cách xã hội là cấp thiết

ANTD.VN - Theo phân tích của các chuyên gia dịch tễ, bản chất việc cách ly xã hội (giãn cách xã hội) không chỉ là giải pháp quan trọng mà còn là bắt buộc trong bối cảnh dịch Covid-19 đã lây ra cộng đồng…

Nhiều ổ dịch Covid-19 đã mất dấu F0 nên giãn cách xã hội là cấp thiết ảnh 1Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong những ngày cách ly xã hội phòng Covid-19

Khi mất dấu F0

Bắt đầu từ ngày 1-4, cả nước đã thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội 15 ngày theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là vấn đề được quan tâm hàng đầu, liên quan trực tiếp đến nhân dân cả nước. Với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ai cũng hiểu được giãn cách, cách ly là giải pháp quan trọng để kiểm soát dịch lây lan. 

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho rằng, thời gian đầu dù đã có những ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, song hầu hết chúng ta đều xác định được ca F0 (ca bệnh đầu tiên). Tuy nhiên, đến thời điểm này, 2 ổ dịch lớn nhất cả nước là quán bar  Buddha (TP.HCM) và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thì chúng ta đã “mất dấu”, không thể xác định được ca F0. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta không tìm ra nguồn lây từ đâu, không biết hết được ai đang mang mầm bệnh nên không khoanh vùng được trong cộng đồng. Do không khoanh vùng được nên những nơi tập trung đông người như: chợ, siêu thị, nhà dưỡng lão, bệnh viện... cần phải đặc biệt quan tâm. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, 80% số ca mắc Covid-19 là nhẹ, không có các biểu hiện bệnh, khoảng 20% còn lại có dấu hiệu mạnh. Ngay tại nước ta cũng đã có những trường hợp được phát hiện dương tính với Covid-19 nhưng khi nhập viện không có biểu hiện triệu chứng. Do vậy, thực hiện giãn cách xã hội lúc này là vô cùng quan trọng, là bắt buộc.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cũng cho biết, chính nhờ Việt Nam có chiến lược phù hợp và làm tốt ngay từ giai đoạn đầu nên đã trì hoãn thời gian dịch Covid-19 lây ra cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao nên cần thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo có thể chống dịch thành công. 

Việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh sẽ không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng. Nói cách khác, nếu họ có nhiễm Covid-19 thì đây là cách để cách ly tại nhà, khiến virus hết đường lan truyền ra ngoài, dịch sẽ tự hết trong cộng đồng. Nếu không thực hiện giãn cách xã hội, dịch lan quá nhanh không khoanh vùng được sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế, khi đó tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao.

Hiểu đúng để không thực hiện sai

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, 2 tuần cách ly xã hội tới đây là thời điểm quan trọng để ngăn chặn dịch tại nước ta. Do đó, việc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là vô cùng quan trọng. Bản chất cách ly xã hội là giãn cách tiếp xúc của con người. Người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và phải thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đó là cần giữ khoảng cách giữa người với người tối thiểu 2m, đeo khẩu trang đúng cách.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu tiên triển khai thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ đã có một số địa phương tiến hành rào đường để ngăn không cho người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, một số đơn vị cho tạm dừng các công trình xây dựng. Về việc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc “ngăn sông cấm chợ” là thực hiện sai chỉ đạo của Thủ tướng. Bởi việc đi lại của người dân từ nơi này sang nơi khác Chính phủ không cấm, chỉ khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách để đối phó với tình huống nguy hiểm, ngăn chặn bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, phong tỏa xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc Hà Nội lập các chốt kiểm soát trên các trục đường ra vào cửa ngõ Thủ đô để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, điều tra dịch tễ là tốt vì sẽ sàng lọc được những người nghi ngờ nhiễm bệnh để có giải pháp phù hợp. Hiện tại, Chính phủ vẫn đồng ý cho nhà máy, phân xưởng hoạt động nhưng yêu cầu cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Tuy nhiên, nếu để xảy ra trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.