Lao động Việt Nam tại Libya
Nhiều người đã trở về an toàn
(ANTĐ) - Chuyến bay mang số hiệu SHJ 5k241 của hàng không Bồ Đào Nhà hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài lúc 4h ngày 26-2 đã đưa theo 176 lao động Việt Nam đầu tiên trở về từ Libya. Sau đó liên tiếp trong ngày, hàng trăm lao động Việt Nam khác tiếp tục bay về nước từ vùng đất bất ổn.
>>>Về đến Tổ quốc mới thấy cái giá của hạnh phúc, bình yên
Nước mắt ngày về
Sân bay Quốc tế Nội Bài lúc 4h sáng ngày 26-2 trở nên huyên náo với sự có mặt của chừng gần 30 phóng viên, một số ít thân nhân và 176 lao động Việt Nam vừa trở về từ Libya. Hầu như tất cả các phóng viên đều đã trải qua 2 đêm chờ đợi tại khu vực sảnh đến quốc tế của sân bay và 176 người lao động cũng đã phải trải qua chừng đó thời gian vừa bay, vừa quá cảnh để có thể về đến quê nhà.
Lên ôtô về nghỉ ngơi sau chuyến bay dài |
Anh Phan Văn Trung, một thanh niên chưa vợ 27 tuổi, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thuật lại: Tôi ở một thị trấn vùng ven, không phải trung tâm thành phố, tuy nhiên cứ nửa đêm dân chúng đi biểu tình và bắn súng rất ghê gớm. Điều này khiến toàn bộ công nhân ở trong lán trại lâm vào cảnh “ăn không ngon, ngủ không yên”, nói chung ai cũng lo sợ không biết số phận mình sẽ ra sao. Trước khi lên máy bay tôi có gọi điện báo về cho người nhà để bớt phần lo lắng, tuy nhiên đến giờ cũng không thấy ai có mặt tại sân bay Nội Bài.
Một lao động khác, anh Trần Văn Hải (25 tuổi, quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng sang Libya được 10 tháng để làm công nhân đường ống. Anh cho hay thu nhập sau khi trừ ăn uống để ra được 3,5 triệu đồng/tháng. Tiền đóng để đi lao động ban đầu là 38 triệu đồng.
“Do tình hình xã hội Libya bất ổn nên va chạm với người dân xảy ra thường xuyên suốt 2 tháng nay, đến tuần này là nặng nhất. Toàn bộ trại có 200 người đều đã ngưng làm việc được gần 1 tuần, cuộc sống khổ sở nhưng anh em lao động rất đoàn kết” - anh Hải kể về cuộc sống của mình nơi đất khách quê người - “ Khi bắt đầu di tản, vào đến sân bay Tripoli của Libya nhìn mà thấy sợ. Mất an ninh trật tự kinh khủng, dân tràn vào ném đá, ném sỏi thậm chí có cả tiếng súng nổ mà an ninh địa phương không thể kiểm soát. Đoàn của tôi may mà cất cánh rời Libya được. Hiện giờ có những đoàn của Việt Nam đã chờ đến 3-4 ngày vẫn chưa thể về nước, người ta chỉ có tấm chăn mỏng chống chọi với trời mưa rét”. Được lên máy bay song anh Hải cũng mất đến 16 tiếng trên máy bay, và hơn 1 ngày chờ quá cảnh tại các sân bay khác nhau mới về được đến Việt Nam.
Khuyến khích các lao động tiếp tục xuất ngoại
Ông Nguyễn Văn Hiệp, quyền Tổng giám đốc Công ty CP Nhân lực và thương mại Vinaconex cho hay: Chúng tôi là chủ sử dụng lao động, thuê một chuyên cơ chở 176 lao động Việt Nam về nước. Trước mắt tất cả các lao động được đưa về trường của chúng tôi để nghỉ ngơi, sau đó công ty có trách nhiệm đưa lao động tới các địa điểm thuận lợi nhất để có thể về quê: bến xe, bến tàu.
Trước mắt chúng tôi cũng ứng trước 1 triệu đồng/người cho các lao động trong lúc khó khăn này. Về quan điểm lâu dài thì công ty sẽ thanh lý hợp đồng và không để thiệt thòi cho người lao động; làm theo đúng quy định Nhà nước. Công ty cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện cho các lao động có nhu cầu đi lao động tại các thị trường khác.
Đại diện cho cơ quan quản lý, ông Đào Công Hải - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thêm thông tin: Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã cử 4 tổ công tác sang nằm ở các quốc gia có biên giới sát với Libya như Tuynidi, Manta, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập… để phối hợp với Bộ Ngoại giao, các tổ chức quốc tế hỗ trợ lao động Việt Nam về mọi mặt: hồ sơ, sức khỏe… để có thể trở về an toàn. Đối với các trường hợp bị mất hộ chiếu thì được cấp ngay giấy thông hành để trở về.
Sau khi lao động trở về thì Quỹ hỗ trợ lao động việc làm ngoài nước của Bộ LĐ-TB&XH sẽ hỗ trợ mức 1 triệu đồng/lao động. Sau khi nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe, các công ty sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng với lao động. Chúng tôi khuyến khích lao động sau khi trở về nước nếu có nguyện vọng tiếp tục đi lao động ở một nước khác thì các công ty sẽ hỗ trợ - ông Hải nói.
Về việc thanh lý hợp đồng lao động, ông Hải lưu ý các công ty sử dụng lao động cần bám theo các quy định của pháp luật, cần điều chỉnh theo mức thời gian lao động làm nhiều hay làm ít, dưới 1/2 thời gian ra sao hay trên 1/2 thời gian thì thế nào… tùy các trường hợp cụ thể thì công ty sẽ thanh lý hợp đồng với người lao động.
Được biết đến trưa hôm qua (26-2) tiếp tục có khoảng 400 lao động Việt Nam tiếp theo (của 2 công ty cung ứng) về nước; chiều tối cùng ngày có thêm 11 lao động của Công ty Lilama về đến sân bay Nội Bài và 95 lao động về sân bay Tân Sơn Nhất.
Cao Minh