Nhiều khó khăn vì hạn hán và dịch bệnh
(ANTĐ) - Trước tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, dịch bệnh tàn phá mùa màng trên diện rộng, hôm qua 8-4, Bộ NN&PTNT đã có cuộc giao ban trực tuyến với 25 tỉnh, thành trên cả nước nhằm nhanh chóng tìm ra biện pháp đối phó, chủ động vượt qua khó khăn.
Dịch bệnh càng làm đời sống người nông dân thêm khó khăn |
Đất bỏ không vì thiếu nước
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, sản xuất nông nghiệp cả nước hiện đang đối mặt với khó khăn chồng chất do những biến đổi bất thường của thời tiết gây ra. Trong đó, miền Bắc đang phải đối phó với dịch bệnh trên lúa, hạn hán diện rộng khiến một diện tích không nhỏ đất đai phải bỏ không, miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ thì mặn hóa xâm nhập sâu cùng với tình trạng khô hạn kéo dài nhiều tháng nay.
Báo cáo của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, do lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm đã khiến mực nước ở các hồ chứa cũng xuống thấp mức kỷ lục. Đến thời điểm này, mực nước ở các hồ chứa chỉ đạt bình quân 50%, nghiêm trọng hơn có những hồ quá cạn kiệt, không những không đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp mà còn đe dọa đến an toàn của công trình như hồ Đồng Mô (Hà Nội) mực nước chỉ còn 14% so với thiết kế.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Giang lo lắng, năm nay tình hình khô hạn diễn ra nghiêm trọng hơn. Nhiều ngày qua, dù các tỉnh khác đã có mưa nhưng riêng địa bàn Hà Giang vẫn chưa có 1 trận mưa nào. Khô hạn kéo dài ròng rã 8 tháng khiến diện tích cây trồng tính đến thời điểm này chỉ đạt 60-80% kế hoạch đề ra. Trong đó, có trên 1.000ha đất trồng lúa phải bỏ không vì không có nước, trên 400ha lúa đã cấy nhưng bị hỏng và nguy cơ mất trắng.
Cũng trong tình trạng như Hà Giang, tỉnh Cao Bằng đã 8 tháng qua không có mưa, khô hạn khắc nghiệt kéo dài nhất trong nhiều thập kỷ qua khiến mực nước sông, suối, hồ xuống thấp từ 0,25-0,8m, không những gây khó khăn cho ngành nông nghiệp mà ngay nước sinh hoạt của bà con cũng khan hiếm trầm trọng. Đại diện Sở NN&PTNT Cao Bằng cho biết, tất cả cây trồng chủ lực của Cao Bằng đều đạt tỷ lệ rất thấp, trong đó ngô là cây trồng chính chỉ đạt 49%, trong đó có đến gần 14.000ha đất phải bỏ trống, và hơn 4.000ha khác đã gieo trồng nhưng bị chết do thiếu nước, cá biệt diện tích trồng lạc chỉ đạt 10% so với kế hoạch của tỉnh đề ra.
Đau đầu với sâu bệnh
Trong khi các tỉnh miền Bắc đang phải đối mặt với hạn hán trên cây lương thực thì các tỉnh Tây Nguyên, hạn hán cũng đã đe dọa đến cây cà phê. Theo Sở NN&PTNT Đắk Nông, ngoài gần 300 ha lúa đang bị thiếu nước tưới nghiêm trọng, trong đó khoảng 210ha nhiều nguy cơ mất trắng, thì hiện tại gần 10.000ha cà phê của tỉnh cũng đang thiếu nước tưới. Nếu trong thời gian tới vẫn không có mưa thì chắc chắn diện tích cà phê bị khô hạn sẽ còn gia tăng.
Sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn chồng chất do thời tiết |
Bên cạnh hạn hán, sâu bệnh đã và đang phát triển gây hại trên diện rộng khắp các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Theo Cục Bảo vệ thực vật, tính đến nay, toàn bộ khu vực miền Bắc, miền Trung đã có tổng số 25 tỉnh có lùn sọc đen xuất hiện, làm hơn 23.000ha lúa bị nhiễm bệnh. Trong khi ông Bùi Sỹ Doanh - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cảnh báo, dịch lùn sọc đen đang có dấu hiệu lây lan dần xuống các tỉnh ở phía Nam.
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, khô hạn không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới vụ Đông Xuân ở các địa phương thuộc miền Bắc và miền Trung mà hiện nay còn kéo theo nguy cơ nước biển xâm nhập sâu vào đất liền. “Với tình hình khô hạn, sâu bệnh và mặn hóa xâm nhập cao như hiện nay, việc ảnh hưởng đến năng suất cây trồng là khó tránh khỏi” - ông Quảng nói.
Trong khi hạn hán đang khiến ngành nông nghiệp và các địa phương đau đầu tìm bài toán ứng phó thì ngành khí tượng thủy văn tiếp tục dự báo, nhiều khả năng, năm nay mùa mưa sẽ đến muộn hơn khoảng 1 tháng nên cả nước còn phải đối mặt với nguy cơ bị hạn hán kéo dài. Bởi vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, các địa phương cần có phương án đối phó, trữ nước sản xuất, sinh hoạt, đồng thời chủ động tạm ứng kinh phí để giúp người dân phòng trừ sâu bệnh và đối phó hạn hán.
Ngân Tuyền