Nhiều địa phương mua sắm, trang bị xe công hàng tỷ đồng trái quy định

ANTD.VN - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, qua kiểm toán tại một số địa phương, tình trạng trang bị xe ô tô, mô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe; mua xe ô tô không đúng quy định vẫn diễn ra…

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội

Chiều nay, 21-5, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Đây là báo cáo tổng hợp từ kết quả kiểm toán của 283 báo cáo kiểm toán tại 229 đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán trong năm 2017 đối với niên độ ngân sách năm 2016.

Về nội dung mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, báo cáo do Tổng Kiểm toán nhà nước trình bày cho thấy, một số địa phương được kiểm toán chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô chuyên dùng để áp dụng (như tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên). Việc sắp xếp, xử lý xe ô tô theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của một số địa phương còn chậm (như TP Hải Phòng, Đà Nẵng).

Cũng có một số địa phương còn trang bị xe ô tô, mô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe. Chẳng hạn, tỉnh Quảng Nam bố trí 2 xe ô tô không đúng đối tượng; huyện Tây Giang sử dụng ngân sách mua 22 mô tô (0,5 tỷ đồng) cấp cho các phòng ban sử dụng, không đúng đối tượng theo quy định.

Đặc biệt, vẫn có những địa phương mua xe ô tô không đúng quy định. Chẳng hạn, tỉnh Bắc Giang mua 1 xe không đúng với danh mục đăng ký mua sắm xe ô tô tỉnh đã gửi Bộ Tài chính; cho phép UBND huyện Yên Dũng mua 1 xe ô tô bán tải chuyên dùng trước khi Bộ Tài chính có thông báo cho phép và hướng dẫn thực hiện mua sắm; tỉnh Quảng Nam mua mới 1 xe ô tô 2 cầu giá trị 1,08 tỷ đồng chưa có ý kiến của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, một số bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương theo dõi quản lý xe ô tô, tài sản thiếu chặt chẽ hoặc theo dõi nhưng không thuyết minh được chi tiết, cụ thể hiện trạng quản lý, sử dụng tài sản.

Cũng theo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, qua kiểm toán tại một số địa phương, việc quản lý, sử dụng đất, tài sản tại một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương không đúng quy định, thiếu chặt chẽ và không hiệu quả.

Một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm khác là trong năm 2017, Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán việc quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương.

Qua kiểm toán đã phát hiện nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, như: Giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế (10 địa phương giao vượt 5.069 biên chế; 1 Bộ vượt 18 biên chế; 5 địa phương giao 905 chỉ tiêu biên chế viên chức cho các cơ quan hành chính không đúng quy định tại Điều 2, Luật Viên chức; 2 địa phương giao chỉ tiêu hợp đồng khác chưa đúng quy định của Luật Viên chức 8.841 người…).

Trên cơ sở đó, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2017.

Về công tác phòng chống tham nhũng, năm 2017, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 4 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hải Phòng kiến nghị điều tra làm rõ và xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo Cơ quan điều tra tiến hành điều tra đối với 2 vụ việc.