Nhiều đề tài vẫn “ngâm cứu”

(ANTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đất nông nghiệp đang thu hẹp rõ rệt như hiện nay thì giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp được xem như “lối thoát”. Song đến nay hầu hết đề tài ứng dụng CNSH trong nông nghiệp lại “nằm mốc” trong phòng thí nghiệm.

Ứng dụng Công nghệ sinh học trong nông nghiệp:

Nhiều đề tài vẫn “ngâm cứu”

(ANTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đất nông nghiệp đang thu hẹp rõ rệt như hiện nay thì giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp được xem như “lối thoát”. Song đến nay hầu hết đề tài ứng dụng CNSH trong nông nghiệp lại “nằm mốc” trong phòng thí nghiệm.

Đề tài vẫn chỉ là thí nghiệm

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, đến hết năm 2010, Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực NN&PTNT giai đoạn 2006-2010 đã phê duyệt 78 đề tài và 12 dự án sản xuất thử nghiệm, trong đó có 35 đề tài kết thúc năm 2010.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, nhiều kết quả nghiên cứu CNSH đã được ứng dụng hiệu quả trong một số lĩnh vực như chuyển gen vào giống cây trồng, vật nuôi nhằm tạo ra những giống có năng suất cao, thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có khả năng chống chịu dịch bệnh.

Đơn cử như việc triển khai 14 đề tài chọn tạo giống cây trồng nông, lâm nghiệp đã chọn tạo được 7 giống lúa chịu hạn, 7 giống lúa kháng bạc, 2 giống lúa kháng đạo ôn, 4 giống lúa kháng rầy nâu, 2 giống lúa thơm chất lượng cao, 2 giống chè có triển vọng về năng suất, chất lượng, 8 giống bông kháng bệnh xanh lùn...

CNSH giúp nông nghiệp tăng trưởng bền vững hơn

CNSH giúp nông nghiệp tăng trưởng bền vững hơn

Tương tự, trong lĩnh vực chăn nuôi, việc sử dụng tinh nhân tạo giúp bò trưởng thành tăng từ 180kg/con lên 250 - 300kg/con, tỷ lệ xẻ thịt tăng 1,5 lần. Ngoài ra, nông dân ở nhiều địa phương còn ứng dụng CNSH trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm để tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào... Song, điều đáng buồn, nhiều đề tài CNSH ở nước ta vẫn chỉ là thí nghiệm, nhiều nhiệm vụ chậm triển khai, không ít đề tài hiện đang nằm lưu cữu trong phòng thí nghiệm.

CNSH nên ưu tiên lai tạo giống

Nguyên nhân chậm triển khai đưa các ứng dụng CNSH vào thực tế, theo các chuyên ngành nông nghiệp vẫn là lực lượng nghiên cứu CNSH còn mỏng, kinh phí đầu tư quá thấp... Trong khi đó, một số nội dung nghiên cứu rộng bao gồm tất cả các lĩnh vực sản xuất ngành nông nghiệp... Đó là chưa kể đến các nghiên cứu có sự trùng lặp về nội dung với chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước về CNSH và chương trình bảo tồn quỹ gen do Bộ KH-CN quản lý... Do vậy, nhiều công trình nghiên cứu xong chưa được đem ra ứng dụng đại trà và chỉ dừng lại ở trong các phòng thí nghiệm hoặc các mô hình trình diễn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, do đặc điểm của một đất nước chủ yếu người dân sinh sống bằng nghề nông, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương chiếm tới 80-90%, vì vậy, Chính phủ chỉ đạo thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực NN&PTNT giai đoạn 2011-2015 là hết sức cần thiết, nhưng phải có bước đi và cách làm phù hợp. Công tác nghiên cứu nên tập trung vào chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi...

Ðể các thành tựu nghiên cứu sớm ứng dụng thành công vào đồng ruộng, tránh tình trạng nghiên cứu xong rồi để lại “ngâm cứu”, Bộ NN&PTNT khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, địa phương tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển CNSH...

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề nghiên cứu CNSH trong nông nghiệp, nhiều chuyên gia ngành này cho rằng cần có chế độ ưu đãi, hỗ trợ với mức cao cho công tác nghiên cứu khoa học, có như vậy mới kích thích được “chất xám” của đội ngũ cán bộ có trình độ giỏi, tâm huyết gắn bó với nghề nông.

Hải  Dương