Nhiều đất nông lâm trường trở nên "vô chủ", nhiều nơi khác bị lấn chiếm

ANTĐ -Đây là thông tin được chính Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) đưa ra tại phiên giải trình báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014, diễn ra sáng nay, 27-8.

Đất xa, xấu mới bàn giao cho địa phương

Theo đó, báo cáo giải trình của Bộ TN-MT chỉ ra, trong giai đoạn 2010-2014, các nông, lâm trường, ban quản lý rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia đã rà soát, xác định diện tích đất để giao lại cho địa phương trên 1.263.000 ha, trong đó đã bàn giao 883.012 ha, dự kiến tiếp tục bàn giao khoảng 380.000 ha.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang trình bày báo cáo sáng nay, 27-8

Tuy nhiên, việc bàn giao đất cho địa phương còn chậm, còn thấp so với yêu cầu; nhiều nông, lâm trường chủ yếu mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ mà chưa hoàn thành việc bàn giao trên thực địa. Việc thu hồi đất của các nông, lâm trường giao lại cho địa phương quản lý còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ”  không có người thực sự quản lý kéo dài, tạo kẽ hở cho lấn chiếm đất trái phép.

Đặc biệt, diện tích đất bàn giao cho địa phương chủ yếu là đất các công trình hạ tầng công cộng hoặc đất xa, xấu, khó canh tác, đất đang có tranh chấp hoặc vi phạm khó giải quyết nên chính quyền địa phương không muốn tiếp nhận...

Về công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang báo cáo, công tác này trước hết được lồng ghép trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra thi hành pháp luật đất đai nói chung. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất đai, vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất.

Cùng đó cũng phát hiện những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai ở các cấp, các ngành; những hạn chế trong nhận thức pháp luật đất đai của người dân và cán bộ. Đã giải quyết được nhiều trường hợp tranh chấp, xử lý được nhiều vi phạm chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường...

Nhiều sai phạm trong sắp xếp, chuyển đổi đất nông lâm trường  

Trong khi đó, báo cáo giải trình với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường của Bộ NN&PTNT cho thấy, các nông, lâm trường đã được sắp xếp, chuyển đổi thành các công ty TNHHMTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty cổ phần.

Việc bàn giao, sắp xếp lại, chuyển đổi đất nông, lâm trường còn gặp nhiều khó khăn

Cụ thể, trong giai đoạn 2004-2014, từ 185 nông, lâm trường quốc doanh đã sắp xếp còn 145 công ty, giảm được 40 đầu mối (không tính các công ty nông nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng), số lượng lâm trường đã giảm từ 256 còn 148 công ty lâm nghiệp. Sau sắp xếp, đổi mới hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số công ty nông, lâm nghiệp được nâng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Dù vậy, cũng tồn tại không ít hạn chế trong quản lý sử dụng đất sau khi sắp xếp, chuyển đổi đất nông lâm trường như: việc rà soát đất đai chưa được thực hiện trên thực địa; chưa hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc, chưa hoàn chỉnh được hồ sơ để làm thủ tục giao đất, thuê đất, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Đáng chú ý, chính quyền một số địa phương thiếu quan tâm quản lý đất đai, nhiều nơi phó mặc cho công ty tự quản lý và sử dụng. Một số công ty chưa nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong quản lý, sử dụng đất, việc quản lý lỏng lẻo kéo dài dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại phức tạp và kéo dài. Diện tích đất công ty lâm nghiệp giao về cho địa phương, có nơi quản lý, sử dụng kém hiệu quả, có nơi rừng đã bị chặt phá.

Bộ NN&PTNT kiến nghị các địa phương cần tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp. Đồng thời tăng cường giám sát việc sắp xếp, đổi mới quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, các ban quản lý rừng, các công ty nông, lâm nghiệp ở các địa phương theo đúng quan điểm, định hướng Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và quy định của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ.