Nhiều chỉ tiêu bảo hiểm xã hội về đích trước hạn

ANTD.VN - Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 11-2019, toàn ngành bảo hiểm xã hội đã thực hiện vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu đề ra cho cả năm.

Nhiều chỉ tiêu bảo hiểm xã hội về đích trước hạn ảnh 1

Cuối năm, ngành bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục đôn đốc công tác thu, giảm nợ đọng

Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng vọt

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 11/2019, số thu toàn ngành đã thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 322.316 tỷ đồng (đạt 89,6% kế hoạch giao).

Trong đó, thu bảo hiểm xã hội là 218.687 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp là 15.522 tỷ đồng, thu bảo hiểm y tế là 87.576 tỷ đồng. Tổng số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) đạt khoảng 7.286 tỷ đồng, bằng 2,03% so với kế hoạch thu được giao năm 2019.

Trong tháng 11-2019, toàn ngành cũng đã giải quyết 107.440 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 775.543 người hưởng trợ cấp 1 lần; 9.876.261 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khoảng 167,828 triệu lượt người; phối hợp với ngành LĐ-TB&XH giải quyết 878.418 người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2019, có 2 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch được giao. Cụ thể, cả nước có 533.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 113% kế hoạch giao; 85,29 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt 100,15% kế hoạch giao).

Các chỉ tiêu còn lại cũng đạt ở mức cao, xấp xỉ với kế hoạch được giao. Trong đó, cả nước có khoảng 15,065 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đạt 99,6% so với kế hoạch giao; khoảng 13,193 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 99,7% kế hoạch giao.

Chú trọng phát triển đối tượng, giảm nợ đọng

Theo Thứ trưởng - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, để đạt được kết quả tích cực nêu trên, toàn Ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai giao dịch điện tử đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như: tổ chức bộ phận “Một cửa” tại bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; vận hành có hiệu quả hệ thống “Một cửa điện tử”…

Ngay trong tháng 11/2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua trục dữ liệu quốc gia phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo phản ánh của nhiều địa phương, một trong những chỉ tiêu vẫn còn gặp nhiều khó khăn là chỉ tiêu giảm nợ. Không ít đơn vị sử dụng lao động chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; số nợ phải tính lãi vẫn ở mức cao trong khi chế tài xử phạt chậm đóng vẫn chưa đủ sức răn đe; công tác kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở một số nơi chưa tốt; 

Công tác rà soát, xử lý trùng dữ liệu, cấp mã số bảo hiểm xã hội cho người tham gia tuy đã được tập trung triển khai thực hiện nhưng chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, trong tháng 12, các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần chung sức, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, toàn ngành cần quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, trợ cấp một lần, chỉ trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế, đảm bảo thực hiện thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2019; thực hiện nghiêm túc việc giám định điện tử trên Hệ thống thông tin giám định kết hợp duy trì giám định trực tiếp tại cơ sở khám chữa bệnh; kịp thời phối hợp xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này...