Nhiều bất ổn trong quan hệ lao động
(ANTĐ) - Gần đây xảy ra nhiều cuộc đình công, nguyên nhân chính là do lương thấp, đời sống công nhân không đảm bảo. Lương thấp cũng dẫn đến chi phí thấp là yếu tố để nhiều sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bị kiện bán phá giá...
Thiếu hụt lao động phổ thông là do lương không đủ sống? Ảnh: Phú Khánh |
Ngày 1 và 2-4, Bộ LĐ-TB&XH và Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tương lai của quan hệ lao động tại Việt Nam”. Theo ông Kari Tapiola, Giám đốc điều hành phụ trách Khối Tiêu chuẩn lao động, các Nguyên tắc và Quyền cơ bản cho rằng, “cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã bộc lộ những yếu điểm căn bản và rủi ro của một nền kinh tế thị trường chưa được điều chỉnh phù hợp như Việt Nam. Đặc biệt là trong quan hệ giữa giới chủ và người lao động tác động tiêu cực tới cuộc sống của hàng triệu người và sự sống còn của các doanh nghiệp”.
Cũng theo các đại biểu, Luật Lao động hiện nay đang có nhiều kẽ hở, khó áp dụng hoặc gây bất lợi cho người lao động, đồng thời nó gây hại cho cả giới chủ sử dụng lao động. Thị trường lao động có quá nhiều thay đổi, khu vực kinh tế tư nhân phát triển rất nhanh. Tổng số doanh nghiệp cả nước năm 2009 đã lên tới 454.000 khiến nảy sinh nhiều vấn đề mà Luật Lao động hiện hành không thể điều chỉnh được.
Điểm nổi lên đó là chính sách tiền lương chưa hoàn thiện khi mức lương tối thiểu hiện nay quá thấp, chưa do thị trường quyết định và chưa tương xứng với giá trị lao động. Hiện tại, lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu cuộc sống và thấp hơn mức lương trả trên thị trường khoảng 20%. Mức lương này không đảm bảo cho người lao động bù đắp chi phí sinh hoạt, không thể nói đến tích lũy tái sản xuất sức lao động. Tiền lương tối thiểu của Việt Nam cũng thấp hơn khoảng 40% so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lấy mức lương tối thiểu Nhà nước quy định để làm gốc tham chiếu trả lương cho lao động phổ thông mà chưa dựa trên năng suất, chất lượng công việc, nhất là khối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số chủ doanh nghiệp ngoài quốc doanh thường xuyên vi phạm pháp luật khi không ký hợp đồng lao động đầy đủ, điều kiện làm việc của công nhân không đảm bảo, chế độ tăng ca quá nhiều, các chế độ bảo hiểm, lễ Tết không đóng đầy đủ… ảnh hưởng đến quyền lợi của người làm công ăn lương. Do vậy, các cuộc đình công xảy ra khá thường xuyên, nhất là ở các lao động khu vực FDI do cuộc sống của công nhân gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo đánh giá, các tồn tại này dẫn đến một nghịch lý, trong khi tỷ lệ thất nghiệp còn cao thì nhiều doanh nghiệp không thể tuyển đủ lao động phổ thông. Đơn cử, năm 2009, có tới hơn 100 nghìn chỗ làm việc còn trống cần lao động, trong đó 80% là phổ thông. Trong khi đó, các trung tâm giới thiệu việc làm chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Mới đây, hai doanh nghiệp là Nidec Tosok Vietnam và Three Bambi ở Khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh) đã đề xuất xin nhập khẩu lao động phổ thông từ Philippines và Lào để bù đắp số lượng thiếu hụt. Điều này nếu xảy ra sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu LĐ của Việt Nam.
Theo bà Phạm Lan Hương, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế (Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), từ năm 2002 đến nay Việt Nam phải đối đầu với khá nhiều vụ kiện bán phá giá. Trong đó, Việt Nam đã thua trong hầu hết các vụ kiện khiến xuất khẩu sản phẩm giảm, sản xuất bị thu hẹp, thu nhập công nhân giảm, thậm chí nhiều người mất việc làm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khởi kiện là giá hàng xuất khẩu thấp do chi phí, trong đó có lương quá thấp. “Yêu cầu về sửa đổi Luật Lao động và Công đoàn là vấn đề cấp thiết, cần hoàn thành trong thời gian sớm nhất để hoàn thiện quan hệ LĐ, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Còn theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Luật Lao động và Công đoàn đang được bàn thảo một để trình Quốc hội thông qua nhằm thiết lập khung pháp lý hiệu quả hơn khiến người lao động và giới chủ có thể đối thoại, thương lượng và nâng cao năng lực của cả hai bên trong bối cảnh kinh tế liên tục thay đổi.
Huệ Chi