Nhật Bản mở cửa thu hút lao động, tạo cơ hội nhập cư lâu dài

ANTD.VN - Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép tiếp nhận người lao động nước ngoài với tư cách “kỹ năng đặc biệt” ở lại lâu dài và được bảo lãnh gia đình sang sống tại đất nước này.

Nhật Bản đang xem xét cho phép lao động 14 ngành nghề có thể cư trú dài hạn

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Nhật Bản vừa thông qua dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi trong đó có quy định sẽ tiếp nhận các lao động từ 18 tuổi trở lên với tư cách “kỹ năng đặc biệt”.

Cụ thể, với tiêu chuẩn kỹ năng, người lao động cần có kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để có thể làm việc ngay trong lĩnh vực tiếp nhận, xác nhận bằng kỳ thi do bộ ngành, chủ quản quy định. 

Đối với tiêu chuẩn năng lực tiếng Nhật, yêu cầu người lao động có thể giao tiếp thông thường, về cơ bản đủ cho sinh hoạt hàng ngày, xác nhận bằng kỳ thi nhằm đánh giá năng lực cần thiết cho mỗi lĩnh vực tiếp nhận.

Chính phủ Nhật đang xem xét tiếp nhận đối với 14 ngành nghề gồm: xây dựng, đóng tàu, công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm, đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện, điện tử, thông tin, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và hàng không.

Thông tin về cơ chế tiếp nhận nhân lực nước ngoài theo tư cách “kỹ năng đặc biệt”, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hiện vấn đề đang được Quốc hội Nhật Bản xem xét theo nhiều phương hướng như: với trường hợp có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết đủ để đáp ứng công việc được gọi là “kỹ năng đặc biệt số 1”.

Trường hợp đã thi đỗ kỳ thi được xác định là có tính chuyên môn cao và có thể đáp ứng công việc đòi hỏi kỹ năng điêu luyện hơn được cấp tư cách “kỹ năng đặc biệt số 2”.

Trong đó, với tư cách “kỹ năng đặc biệt số 1”, giới hạn thời gian làm việc là 5 năm và không được bảo lãnh gia đình. Tuy nhiên, với tư cách “kỹ năng đặc biệt số 2”, người lao động có thể ở lại làm việc lâu dài và bảo lãnh gia đình cùng sang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Về mức lương, dự luật quy định mức lương của lao động người nước ngoài tối thiểu bằng mức lương của người lao động Nhật ở cùng vị trí và được ghi rõ trong hợp đồng ký kết với người lao động đó. Dự luật cũng có quy định cho phép người lao động chuyển việc trong lĩnh vực đã đề cập khi làm thủ tục nhập cảnh và đăng ký tư cách lưu trú.

Cũng theo dự luật, ngoài các quy định về tuân thủ pháp luật về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội và cơ chế hỗ trợ lao động người nước ngoài, các cơ quan tiếp nhận cần đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định để đảm bảo không có quá nhiều lao động bỏ trốn.

Đồng thời, không tiếp nhận lao động nước ngoài có kỹ năng đặc biệt thông qua sự giới thiệu của công ty phái cử hoặc công ty môi giới đã thu hoặc có ý định thu tiền ký quỹ của người lao động, nhằm loại bỏ những công ty môi giới thiếu đạo đức.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Việt Nam hiện có hơn 130.000 thực tập sinh đang làm việc tại Nhật Bản. Lao động Việt Nam chủ yếu làm việc ở các ngành nghề như xây dựng, cơ khí, chế biến thực phẩm, điện tử, điều dưỡng, may mặc, điện tử.