Nhấp nhổm giá thuốc
(ANTĐ) - Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố đã tạm ngừng xem xét việc điều chỉnh tăng giá thuốc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm đến hết 30-6-2008. Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm tạm dừng điều chỉnh tăng giá thuốc đến 30-6-2008.
Còn không nhiều thời gian cho tới thời điểm này. Người bệnh lại có lý do để lo lắng về một đợt tăng giá thuốc mới sau thời gian dài bị dồn nén. Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, những diễn biến đáng lo ngại của cả thị trường thế giới lẫn trong nước hiện đang ẩn chứa nguy cơ tăng giá thuốc đột biến và đồng loạt.
Bản thân các nhà sản xuất thuốc trong nước cũng thừa nhận, nguy cơ cộng dồn giá thuốc có thể xảy ra do ảnh hưởng của cả một thời gian dài “nén” giá trước đó, và việc điều chỉnh giá thuốc chắc chắn sẽ được tính đến trong thời gian tới.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Y tế dự báo trong quý II này, giá một số nguyên liệu sản xuất thuốc nhập từ Trung Quốc và ấn Độ có thể sẽ tăng. Trong khi đó, giá nguyên liệu thuốc nhập khẩu là yếu tố chính tác động đến giá thuốc sản xuất trong nước.
Còn các loại thuốc nhập khẩu tiếp tục chịu chi phối mạnh của các biến động thị trường thế giới. Một số thuốc hiếm rơi vào tình trạng độc quyền, giá cả không thể kiểm soát được. Trong khi đó, hệ thống lưu thông, phân phối thuốc còn nhiều hạn chế đã làm gia tăng các chi phí trung gian trước khi thuốc đến được với người bệnh.
Thuốc là một loại hàng hóa, cũng được điều tiết theo quy luật cung - cầu trên thị trường và chịu sự quản lý Nhà nước về giá như niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, chống gian lận thương mại. Trong khi chúng ta chưa chủ động được nguồn cung về thuốc thì sự lệ thuộc vào thị trường dược phẩm thế giới là điều tất yếu.
Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước là phải giám sát chặt, thực hiện công khai giá, xử phạt vi phạm giá, giám sát về chất lượng, giám sát hệ thống phân phối và cạnh tranh... Làm thật chặt chẽ những việc này, ít nhất người bệnh sẽ không phải chịu hậu quả của việc tăng giá thuốc bất hợp lý, vô tội vạ.
Tại hội nghị toàn quốc ngành dược mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gợi ý giải pháp kiểm soát giá thuốc trong tương lai là phải thành lập một website giá dược phẩm trong nước, đăng tải toàn bộ giá các sản phẩm dược nhập khẩu, giá kê khai dược phẩm của các công ty trong nước và chế tài xử phạt với các cơ sở vi phạm về giá.
Trong số 20.000 mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường dược phẩm Việt Nam hiện nay, có đến 14.000 mặt hàng nhập khẩu. Dù có rất nhiều cố gắng nhưng ngành công nghiệp dược Việt Nam vẫn chỉ dừng ở việc bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp. Và như thế, gánh nặng giá thuốc vẫn còn đè lên vai người bệnh không chỉ trong một sớm một chiều.
Phương Anh