Nhập nhèm sữa tươi

ANTĐ - Trong khi nông dân nuôi bò sữa phải đổ bỏ sữa tươi vì không có người thu mua thì người Việt Nam, đặc biệt là lứa tuổi học đường lại thiếu sữa uống. Chương trình sữa học đường đã được các bộ, ngành liên quan xây dựng từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện, thậm chí Quy chuẩn về sữa tươi cũng chưa có. Điều này khiến cho sự nhập nhèm trong kinh doanh mặt hàng này kéo dài từ nhiều năm nay.

Nhập nhèm sữa tươi  ảnh 1Nông dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã nhiều lần phải đổ bỏ sữa tươi 

Trẻ em Việt Nam “khát” sữa tươi

Số liệu từ Viện Dinh dưỡng cho thấy, tính đến hết năm 2015 tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở lứa tuổi dưới 5 hiện chiếm xấp xỉ 25%, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện chỉ đạt 163,7cm (thấp hơn 13,1cm so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới) và chiều cao của nữ thanh niên Việt Nam là 153cm (thấp hơn 10,7cm so với chuẩn). So với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… tầm vóc của thanh niên Việt Nam kém hơn rất nhiều.

Theo Đề án 641 (Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt tới năm 2030) và nhiều chính sách dinh dưỡng khác, Việt Nam sẽ triển khai Chương trình quốc gia Sữa học đường nhằm cung cấp dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em lứa tuổi học đường, cải thiện tầm vóc, thể lực. Mặc dù Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế đã có bước khởi động nhưng đến nay, Chương trình Sữa học đường vẫn chưa thể đi vào thực tiễn.

Theo số liệu thống kê, với sản lượng sữa tươi trong nước hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu uống sữa của trẻ em. Năm 2015, chúng ta đã xuất khẩu 600 triệu lít sữa tươi, trong khi cả nước có khoảng hơn 12 triệu trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học. Nếu 100% trẻ uống sữa tươi hàng ngày thì cũng chỉ cần khoảng gần 400 triệu lít. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam đang chi khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa bột hoàn nguyên về cho trẻ  uống.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm sữa TH (TH Milk) nhìn nhận, việc người chăn nuôi bò sữa ở một số địa phương thời gian qua phải đổ bỏ sữa tươi đi không phải do Việt Nam đã dư thừa sữa tươi mà do các doanh nghiệp sữa không thích thu mua sữa tươi trong nước về chế biến. Các doanh nghiệp này thích nhập khẩu sữa bột về hoàn nguyên thành sữa nước để tiêu thụ vì lợi nhuận cao hơn. “Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vào vấn đề và đừng nói hoa mỹ với nhau rằng, Việt Nam thừa sữa tươi nên nông dân mới đổ đi. Thực tế thì nhiều trẻ em ở Việt Nam không có sữa tươi để uống, thậm chí, trẻ em thành thị về mặt hình thức thì uống sữa tươi nhưng thực chất là sữa bột hoàn nguyên”.

Theo bà Thái Hương, đến thời điểm này do các bộ, ngành vẫn chưa thể công bố Quy chuẩn về sữa tươi, nên tình trạng lập lờ đánh tráo khái niệm “sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng” diễn ra phổ biến. Cơ quan quản lý rõ ràng chưa làm hết trách nhiệm của mình, khiến xảy ra tình trạng lạm dụng, quảng cáo sữa tràn lan, quảng cáo một đằng nhưng chất lượng một nẻo. 

Quản lý chung nên chưa rõ trách nhiệm

Lý giải về thực trạng này, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT cho rằng, năm 2010 Bộ Y tế đã ban hành Quy chuẩn về sữa tươi, sữa tiệt trùng, sữa nước hoàn nguyên… nhưng đến nay đã không còn phù hợp và thiếu minh bạch. Theo ông Hoàng Thanh Vân, khó khăn trong việc quản lý sản phẩm sữa đó là mỗi bộ quản lý một lĩnh vực. Trong khi quản lý sữa tươi nguyên liệu thuộc Bộ NN&PTNT, quản lý sữa chế biến, sữa bột là Bộ Công Thương thì quản lý sữa công thức, có thêm các vi chất lại thuộc Bộ Y tế. “Cục Chăn nuôi đang cố gắng hoàn thiện Quy chuẩn quốc gia về sữa tươi nguyên liệu và sẽ ban hành trong tháng 6-2016”, ông Hoàng Thanh Vân thông tin.

Còn theo ông Nguyễn Quang Thảo, Trưởng phòng ATTP và Công nghệ Sinh học, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, hiện thị trường đang không có sự minh bạch về nhãn sản phẩm sữa. “Cá nhân tôi phản đối việc dùng sữa hoàn nguyên. Sữa tươi phải đúng là sữa tươi, không thể có khái niệm sữa tươi hoàn nguyên từ bột. Nhưng trái khoáy là trên thị trường, sữa hoàn nguyên lại đang bán cao hơn sữa tươi”. Để minh bạch được sản phẩm sữa tươi và sữa hoàn nguyên, ông Nguyễn Quang Thảo kiến nghị, sau khi Bộ NN&PTNT ban hành Quy chuẩn về sữa tươi nguyên liệu thì Bộ Y tế cần có Quy chuẩn Việt Nam về sữa tươi. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, nếu sau ngày 30-6, Cục Chăn nuôi không ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu thì lãnh đạo Cục này sẽ phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng. “Không có Quy chuẩn chúng ta không biết căn cứ vào đâu để kiểm soát, xử lý. Còn như hiện nay sữa bột nguyên liệu giá đang xuống rất thấp, các doanh nghiệp sẽ tận dụng  nhập khẩu về để pha trộn và bán thu lãi lớn.  Còn người nông dân thì dư thừa sữa, ngành chăn nuôi bò sữa sẽ khó khăn”- ông Cao Đức Phát nhìn nhận.