Nhẫn tâm hay thiếu hiểu biết?

(ANTĐ) -Hơn một tháng nay, trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành dã man đối với trẻ em khiến dư luận bất bình, phẫn nộ.

Nhẫn tâm hay thiếu hiểu biết?

(ANTĐ) -Hơn một tháng nay, trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành dã man đối với trẻ em khiến dư luận bất bình, phẫn nộ.

Cuối tháng 9-2008, cả nước xôn xao khi biết tin bé Nguyễn Thị Hảo (3 tuổi, ở Bình Phước) bị mẹ đẻ đánh đập dã man, cắt gân chân và tổn thương 40% sức khỏe vì hiếu động.

Bé Nguyễn Thị Hảo điều trị tại bệnh viện ( ảnh: SGGP)
Bé Nguyễn Thị Hảo điều trị tại bệnh viện ( ảnh: SGGP)

Ngày 5-11, Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã tạm giữ Vũ Thị Hằng (34 tuổi) về việc đối tượng hành hạ con gái ruột của mình là Vũ Thị Vân Anh (6 tuổi) làm thị lực của em chỉ còn 5/10, tỷ lệ thương tích 19%.

Ngày 6-11, bạn đọc thêm một lần kinh hoàng khi nhìn những vết bỏng nặng, dày chi chít trên người bé Quốc Trung (13 tuổi, ở Trảng Bàng, Tây Ninh). Người hàng xóm nghi em ăn cắp dây điện đã đánh em rất dã man.

Hầu hết những người lớn gây ra thương tích nặng nề trên thân thể của các em đều là những người làm nghề tự do, kinh doanh hoặc trong đó có kẻ là ruột thịt của các em. Phải chăng, họ hạn chế về nhận thức, không hiểu biết về luật pháp nên mới hành động như vậy?

Trên một phương diện nào đó, một bộ phận người lao động tự do như trên có hạn chế về nhận thức do đặc thù và môi trường công việc. Mặt khác, người lớn nào cũng có lúc tức giận, khó kiềm chế trước sự nghịch ngợm khó bảo của trẻ em.

Tuy nhiên, không thể coi đây là nguyên nhân lý giải cho việc bạo hành tàn ác và lặp lại nhiều lần. Cổ nhân có câu: “Hổ dữ không ăn thịt con”. Một người dưng cũng xót xa khi nhìn thấy hình ảnh các em bị thương tích đầy mình bởi đòn roi của người lớn, sao những người cha, người mẹ kia có thể đang tâm hành hạ con mình một cách không thương tiếc?

Gia đình và xã hội đều có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trong đó gia đình giữ vai trò nòng cốt. Có thể, nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về pháp luật, phương pháp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chưa đạt hiệu quả như mong muốn, còn lạ lẫm với một số người dân do không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với thông tin.

Tuy nhiên, bất cứ một người dân nào, dù hiểu biết hạn chế cũng sẽ biết cách tự bảo vệ con mình, vì đó là thiên chức thiêng liêng, cao cả, là trách nhiệm của họ. Thiên chức ấy không phụ thuộc vào pháp luật hay sự hiểu biết, mà phụ thuộc vào tình người, vào bản năng bình thường của người làm cha, làm mẹ. Mong sao sẽ không có thêm một người lớn nào tự đánh mất của mình thiên chức ấy!

Thanh Hoàn