Nhận diện "cát tặc" trên các tuyến sông ở Hà Nội (Kỳ cuối): Lời kêu cứu không thể làm ngơ

ANTĐ - Cấp phép nhưng thiếu biện pháp giám sát, quản lý việc thực hiện đúng phép của doanh nghiệp; Sự đùn đẩy trách nhiệm, thiếu thống nhất về quy định quản lý ở nhiều địa phương giáp ranh; Tâm lý coi việc khai thác cát trái phép chỉ là… chuyện nhỏ, chuyện diễn ra… trên sông, tất cả những yếu tố đó là nguyên nhân ấy khiến nạn “cát tặc” diễn ra ngày càng phức tạp.

Nhận diện "cát tặc" trên các tuyến sông ở Hà Nội (Kỳ cuối): Lời kêu cứu không thể làm ngơ ảnh 1Nhiều chiếc tàu cuốc to bằng cả ngôi nhà di động ngang nhiên
khai thác cát với “lá bùa” nạo vét duy tu 

Siêu lợi nhuận

Trao đổi với PV Báo An ninh Thủ đô, ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa cho biết, việc cấp phép cho các đơn vị nạo vét phải dựa trên cơ sở khảo sát thực tế. Hàng năm, sau mùa mưa lũ, cơ quan chức năng sẽ đo đạc lại các vị trí, tính toán việc thay đổi dòng chảy cũng như các bãi nổi để triển khai kế hoạch nạo vét. Ông Trần Văn Thọ cho biết, ngày 13-3, sau khi kiểm tra, Cục Đường thủy nội địa đã yêu cầu các pháp nhân đã được cấp phép tạm dừng toàn bộ hoạt động nạo vét trên sông Đuống, thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh và TP Hà Nội.

Đại tá Khuất Duy Kiều, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy CATP Hà Nội cho biết, từ năm 2015 tới nay, Cảnh sát đường thủy ghi nhận chưa có trường hợp tàu, thuyền nào bị mắc cạn trên sông Hồng, sông Đuống thuộc địa bàn TP Hà Nội. Dù vậy, đầu năm 2016, Cục Đường thủy nội địa vẫn cấp phép cho nhiều doanh nghiệp “nạo vét luồng lạch” trên sông Hồng và sông Đuống. điển hình như Công ty cổ phần đầu tư khai thác và phát triển khoáng sản sông Hồng; Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Việt Sơn; Công ty TNHH đầu tư phát triển thương mại Nhật Anh… Hay khó hiểu như tại đoạn sông Đuống, thuộc xã Phù Đổng, Công ty TNHH My Hương vẫn đang hoạt động nạo vét lòng sông, tận thu sản phẩm mà không hề bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. 

Một doanh nghiệp lớn chuyên khai thác cát đưa ra phép tính để thấy được lợi nhuận kếch xù từ cát. Theo giá bình quân, nếu cát xấu, “đối tác” phải trả cho công ty có dự án khoảng 15.000 đồng/m3; còn cát đẹp dao động từ 20-25.000 đồng/m3. Các tàu sau khi khai thác sẽ bán sang tay cho các tàu buôn với giá từ 30.000-85.000 đồng/m3. Và trung bình, công suất mỗi con tàu cuốc nếu trang bị 4 máy thì có thể hút được 400m3 cát/giờ, còn tàu hút nếu sử dụng 2 máy hút có công suất lớn, có thể hút được 300m3 cát/giờ. Vị chi một ngày, doanh nghiệp có thể đút túi tiền tỷ từ việc khai thác cát. Do vậy, mục tiêu của doanh nghiệp bằng mọi giá “có tên” trong danh sách được tham gia dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm, hay khai thác bãi nổi…là hết sức dễ hiểu. 

Bịt ngay “kẽ hở”

Ngày 27-10-2015, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về Phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển. Chỉ đạo được đưa ra là các địa phương khẩn trương vào cuộc để ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các dòng sông, cửa biển; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sạt lở hai bên bờ sông do khai thác cát, sỏi, đồng thời đảm bảo được nguồn thu phí khoáng sản. Các địa phương cũng được xác định trách nhiệm xử lý nghiêm, không để “cát tặc” hoành hành. 

Trên cơ sở đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các dòng sông, cửa biển. Bộ GTVT chỉ đạo dừng ngay việc cấp phép các dự án nạo vét trên các lòng sông và cửa biển, tránh tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng để khai thác cát, sỏi trái phép. 

Tại Hà Nội, Giám đốc CATP đã có những chỉ đạo quyết liệt về tổng kiểm tra, xử lý các điểm, tụ điểm phức tạp vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, khai thác tài nguyên khoáng sản, chủ yếu là khai thác cát trái phép và các vi phạm về đê điều. Các đơn vị chức năng đã thành lập nhiều đoàn công tác, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, sông Đuống. Tuy nhiên, công tác quản lý, phòng ngừa và xử lý “cát tặc” gặp không ít khó khăn, nhất là vùng giáp ranh với các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh... Đặc biệt, có địa phương đã cấp phép khai thác chồng lấn tới cả chục hecta sang địa bàn Hà Nội. 

Theo Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 5 công ty, doanh nghiệp tư nhân gồm: Công ty cổ phần Việt Xuân Mới; Công ty cổ phần đầu tư khai thác và phát triển khoáng sản Sông Hồng; Công ty TNHH xây dựng và vận tải Vĩnh Phúc; Công ty TNHH My Hương và một doanh nghiệp tư nhân mới được Cục Đường thủy nội địa tiếp tục cho triển khai dự án nạo vét luồng lạch và tận thu. “Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp trên khi bị kiểm tra đều chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục” - Thượng tá Phùng Quang Hiển chỉ rõ và cho biết, hầu như các doanh nghiệp này hoạt động khai thác nhưng không có báo cáo trữ lượng nạo vét và đánh giá tác động môi trường theo cam kết. Đây chính là một trong những kẽ hở khi Cục Đường thủy nội địa cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động, nhưng lại không có biện pháp quản lý sát sao, nghiêm túc...

Nhiều tuyến sông ở Hà Nội đang kêu cứu, đang rất cần được bảo vệ. Làm tốt được điều đó, cách duy nhất là các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại phải tự thấy và xác định rõ trách nhiệm của mình.